Hướng dẫn phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Phòng tránh viêm não Nhật Bản bằng cách tránh muỗi đốt và tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ.

Trẻ cần được vaccine để có miễn dịch phòng bệnh truyền nhiễm. Ảnh: TTXVN

Trẻ cần được vaccine để có miễn dịch phòng bệnh truyền nhiễm. Ảnh: TTXVN

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường muỗi truyền. Bệnh lưu hành quanh năm, gây dịch chủ yếu vào các tháng hè và thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.

Một số biểu hiện ở người mắc bệnh viêm não Nhật Bản như: Sốt cao đột ngột, đau đầu, đau bụng, nôn hoặc buồn nôn, li bì, lú lẫn, mất ý thức…

Người dân lưu ý, khi người nào có dấu hiệu sốt cao cùng các triệu chứng: Nôn, buồn nôn, trẻ mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc li bì, co giật, cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo đó, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu hiện nay vẫn là tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản sớm, đầy đủ, đúng lịch. Đây là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất cho trẻ.

Đặc biệt, do muỗi là vật trung gian lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản nên biện pháp phòng bệnh là cần phòng tránh muỗi đốt bằng các biện pháp như: Ngủ màn, mặc quần áo dài tay ở nơi có muỗi, dùng các sản phẩm xua muỗi; đặc biệt người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy thường xuyên để tránh phát sinh muỗi gây bệnh.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với vaccine viêm não Nhật Bản, người dân cần thực hiện tiêm chủng với 3 liều cơ bản, gồm:

- Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay khi trẻ được 1 tuổi.

- Mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần.

- Mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm.

Sau mũi thứ 3, cứ 3-4 năm trẻ cần được tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-ma-muon-mat/huong-dan-phong-benh-viem-nao-nhat-ban-20240623162608820.htm