Hướng dẫn tìm hiểu nội dung và nghệ thuật bài thơ 'Dấu quê' của Nguyễn Minh Khiêm
Sau đây là gợi ý, hướng dẫn tìm hiểu, phân tích nội dung và vài nét đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ 'Dấu quê' của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm.
Dấu quê
(Nguyễn Minh Khiêm)
Tự nhiên lại gọi tên làng
Như là đứa trẻ lạc đường gọi cha
Giật mình như vạc ăn xa
Qua đêm mới kịp nhận ra chân trời!
Bàn chân nhẵn Bắc, Nam rồi
Thương về cái cổng cóc ngồi dầm mưa,
Miếng cà nhai tự ngày xưa
Bây giờ nghe lại vẫn chưa hết giòn!
Nghe bao lời phấn lời son
Rưng rưng lại ước mẹ còn... võng đưa…
Lời quê lắm nắng, nhiều mưa
Nắng mưa sao ngọt, cày bừa sao thơm!
Nhiều khi đói chả thèm cơm
Thèm lời chân thật được đơm cho đầy.
Đem mình làm cuộc trưng bày
Nhìn mình chỉ thấy mình đầy dấu quê.
Hồn như hạt cải, hạt kê
Gieo đi trăm ngả lại về làng xanh.
Câu thơ lạc chốn đô thành
Xin về ngọt với đất lành làng ơi!
(In trong "Những mảnh ghép của huyền thoại", Nguyễn Thanh Tâm, NXB Văn học, 2024, tr. 339)
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giúp học sinh hình thành kỹ năng tìm hiểu, phân tích một bài thơ, bằng cách vận dụng tri thức thể loại thơ để tìm hiểu, phân tích nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Vì vậy, khi kiểm tra, học sinh gặp một bài thơ mới thì cũng thao tác các bước tương tự như hướng dẫn.
1. Về nội dung
- Nhan đề: "Dấu quê" là hình ảnh của quê hương còn in lại trong ký ức, tâm khảm của mỗi người. Đó là tình cảm gia đình nồng ấm, những giá trị văn hóa tinh tế, những mối quan hệ bền chặt, tạo sợi dây kết nối bất diệt với quê hương,... Bài thơ khơi gợi dòng suy tưởng miên man về quê hương trong ký ức của người xa xứ.
- Đề tài: Bài thơ viết về đề tài làng quê quen thuộc trong thơ ca. Đề tài này đi vào thơ văn rất sớm, rất nhiều đến mức đã trở thành một cảm hứng lớn, có tính truyền thống. Đề tài làng quê viết bằng thể thơ lục bát của dân tộc là một lựa chọn của nhiều thế hệ nghệ sĩ qua nhiều thời đại. Nguyễn Minh Khiêm cũng đóng góp hơn một bài thơ viết về đề tài này, trong đó có "Dấu quê".
- Chủ đề: Bài thơ là nỗi nhớ làng quê, tình yêu sâu đậm với những giá trị truyền thống, sự nuối tiếc khi xa quê, nhận ra giá trị của nguồn cội sau những trải nghiệm cuộc sống, khát khao được trở về với quê hương – nơi khoảng trời quê cũ có cái cổng cóc ngồi dầm mưa, miếng cà giòn, tiếng võng mẹ đưa, làng xanh,... Được trở về quê là được trở về với cội nguồn, trở về với chính mình.
- Cảm hứng chủ đạo: Cảm hứng của bài thơ là hoài niệm, nỗi nhớ nhung những hình ảnh, âm thanh, mùi vị quen thuộc của làng quê, những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ bên người mẹ vất vả lắm nắng nhiều mưa. Tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình sau những ngày tháng xa quê hương là giật mình, gọi tên làng, cảm thấy lạc lõng, cô đơn sau hành trình nhẵn Bắc nhẵn Nam và khao khát được trở về với quê hương nguồn cội.
- Chủ thể trữ tình: Chủ thể trữ tình xuất hiện ẩn sau những vần thơ, những nếp quê như một người con xa xứ được trở về bên cánh võng của mẹ, nhẹ nhàng gọi tên làng một cách tự nhiên, không miễn cưỡng như một đứa trẻ lạc đường gọi cha. Có gắn bó và có tình cảm sâu đậm với quê hương xứ sở mới có thể viết lên những lời thơ chân thành và gây ấn tượng đến thế. Nhà thơ như con vạc ăn xa, với Bàn chân nhẵn Bắc, Nam rồi, từng Nghe bao lời phấn lời son và từng Đem mình làm cuộc trưng bày ở chốn đô thành, chợt kịp nhận ra và thương về cái cổng làng, nhớ lời mẹ ru, thèm lời chân thật của người quê mình. Ra đi để được Nhìn mình chỉ thấy mình đầy dấu quê. Ra đi là để Xin về ngọt với đất lành làng ơi!. Nỗi nhớ làng, nỗi nhớ quê day dứt, khắc khoải trở về để chịu ơn, thủy chung son sắt với cội nguồn bởi nơi đó có hình quê, người quê, tình quê, hồn quê bao thương mến. Làng quê neo đậu trong tâm trí chủ thể như sợi dây vô hình bền chặt nối vào đằng đẵng thời gian như điểm tựa tinh thần.
- Thông điệp: Nhà thơ yêu làng mình, tự hào về làng mình, da diết về làng mình, trăn trở muôn nỗi về làng mình. Thông điệp của bài thơ đã chạm vào cõi sâu thẳm trái tim người đọc về tình làng tình quê, trân trọng những giá trị tinh thần của quê hương; nhận thức được giá trị của những điều giản dị, chân thật trong cuộc sống. Nơi đó ta nhận ra mình.
2. Về hình thức nghệ thuật
- Bài thơ chỉ với 20 dòng lục bát, đã lột tả cái thần thái về mảnh đất làng quê với những cảm xúc nhẹ nhàng, da diết. Thể thơ lục bát truyền thống với nhịp điệu, giọng điệu, âm điệu dân gian ngọt ngào, sâu lắng như hồn cốt quê hương.
- Nguyễn Minh Khiêm kế thừa và học tập ngôn ngữ, tinh thần dân tộc từ kho tàng ca dao dân ca (tên làng, cái cổng cóc ngồi dầm mưa, miếng cà, võng đưa, cày bừa,...) thể hiện bản sắc văn hóa làng quê. Sự sáng tạo của nhà thơ là vận dụng vài từ ngữ bắt nguồn từ trong thành ngữ dân gian dùng "bắt buộc" để lập vần, tạo tính hài hòa của câu thơ.
- Hình ảnh thơ gần gũi, mộc mạc, thân thương dễ chạm đến miền kí ức của người đọc. Thơ Nguyễn Minh Khiêm vừa nhẹ nhàng, cổ kính gần với lối nói mộc mạc, dân quê lại vừa có hơi hướng hiện đại. Đọc bài thơ, ta thấy hiểu và yêu thêm những giá trị truyền thống và vẻ đẹp văn hóa của làng quê xứ Thanh nói riêng và của đất nước nói chung.
- Bài thơ kết hợp nhiều biện pháp tu từ như so sánh (như là đứa trẻ, như vạc ăn xa, như hạt cải, hạt kê,...), ẩn dụ (lời phần lời son, lời quê, đem mình làm cuộc trung bày, câu thơ lạc chốn đô thành,...), điệp hình thức câu cảm thán,…làm cho đường nét làng quê trở nên sống động, những cái vô hình trở nên hữu hình ấn tượng, cái vô tri vô giác trở nên có hồn.
Tóm lại, sự hài hòa giữa nội dung (đề tài, chủ đề, cảm hứng,…) với các yếu tố hình thức (thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,…) tạo nên một thi phẩm đặc sắc. Đọc "Dấu quê", người đọc cảm nhận sự tiếc nuối, khao khát được trở về với cội nguồn, về với những giá trị đẹp đẽ mà quê hương đã có từ lâu đời. Bài thơ kết lại bằng câu cảm thán còn day dứt, đau đáu nỗi lòng những người còn đang xa quê.
3. Liên hệ, mở rộng
- Tìm và nhớ về dấu quê là một hành trình ý nghĩa giúp mỗi người trẻ tìm thấy chính mình và góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Tìm và nhớ về dấu quê không chỉ là một hành động, mà còn là một hành trình khám phá bản thân và kết nối với cộng đồng.
- Người trẻ cần có thái độ phê phán những biểu hiện bất hiếu, vô ơn với cội nguồn, nơi chôn nhao cắt rốn. Quê hương, đất nước dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ vị thế thiêng liêng, cao quý. Làm sao có thể bỏ quên cha mẹ, ruồng bỏ quê hương mỗi người chỉ một? Hãy tự hào về quê hương đất tổ. Chỉ những kẻ vong ơn, bội bạc với đất mẹ quê cha, với Tổ quốc mới phải cúi đầu ở bất kể nơi đâu.