Về một số gương mặt thơ đương đại sau 1975
Trong dòng chảy của thi ca Việt Nam hậu chiến 50 năm qua, đã xuất hiện các nhà thơ mới với nhiều tác phẩm thơ có dấu ấn tìm tòi, cách tân đóng góp cho sự phát triển của nền văn học đương đại.
Từ xưa đến nay, đổi mới văn chương - thi ca vốn là công việc khó khăn, khó nhọc muôn phần của người sáng tạo. Còn luận bàn về sự tìm tòi, đổi mới của thi ca chắc cũng không dễ dàng gì hơn. Nhưng không lẽ, cái khó khăn lớn nhất của việc mở đường, khai phá miền đất mới cho thi ca trong 50 năm qua đã được các nhà thơ làm rồi, còn việc giới thiệu, cổ vũ, luận bàn về cái mới ấy, chúng ta lại cứ e dè, xét nét, ngẫm ngợi mãi sao?
Làn sóng mới của thi ca hậu chiến
Sau thế hệ Thơ Tiền chiến (1930 - 1945), thi ca Việt Nam đi thẳng vào khói lửa trận mạc trong suốt 30 năm chiến tranh liên miên giặc giã với thế hệ Thơ Kháng chiến (1945 - 1975). Trong suốt 30 năm trận mạc đó, thi ca Việt Nam đã thăng trầm cùng số phận dân tộc để vượt lên và tồn tại. 50 năm sau chiến tranh, thế hệ Thơ Hậu chiến (1975 - 2015) đã hướng tới một cuộc cách tân để đưa thơ đương đại Việt Nam hội nhập với thế giới.
![Nhà thơ Lưu Quang Vũ - Nhà thơ Phùng Khắc BắcNhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_285_51415737/e59c71a449eaa0b4f9fb.jpg)
Nhà thơ Lưu Quang Vũ - Nhà thơ Phùng Khắc BắcNhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc
Theo tôi, xét về mặt giọng điệu và thi pháp, Thơ Kháng chiến đã ít nhiều làm thay đổi chân dung diện mạo của Thơ Tiền chiến nhưng gần như vẫn chưa vượt qua được vùng ảnh hưởng của nó. Phải chờ đến sự xuất hiện của dòng Thơ Hậu chiến thì giọng điệu và thi pháp thơ Việt Nam mới có được những chuyển động mới để chấm dứt nỗi ám ảnh của Thơ Tiền chiến. Cho đến nay, đã 50 năm sau chiến tranh, cùng với bước ngoặt đổi mới quan trọng của nền văn học Việt Nam đương đại, cả một thời kỳ mới đáng ghi nhận của thơ ca đất nước đã mở ra với sự xuất hiện của hàng loạt tác giả, tác phẩm mới mang dấu ấn của một giai đoạn văn học sau chiến tranh.
Có lẽ thời gian qua, chúng ta chưa đánh giá đầy đủ những đóng góp của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ cho thơ đương đại Việt Nam sau 1975. Theo tôi, anh là một gương mặt thơ tiêu biểu và chói sáng lặng lẽ qua thời gian. Lưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh rất đặc biệt và độc đáo. Bản năng thi sĩ của anh giàu có trong những nỗi buồn, trong nỗi cô đơn và khổ hạnh.
Khi bị dồn vào chân tường, trong những khoảnh khắc chập chờn sáng tối, những vần thơ ám ảnh của ông tung bứt lên như muốn đối mặt với buồn đau: "Chiếc cốc tan không thể khác đâu em/ Anh nào muốn nói những lời độc ác/ Như dao cắt lòng anh như giấy nát/ Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu/ Tiếng bán mua tiếng cãi chửi ồn ào/ Những nhà cửa nhỏ nhoi những mặt người bụi bẩn…/ Những dòng thơ giằng xé giày vò/ Là mây trắng của một đời cay cực/ Vượt lên trên những mái nhà chật hẹp/ Em - em là mây trắng của đời tôi/ Em nơi đâu bao năm tháng qua rồi/ Người ta bảo rằng em đã chết/ Người ta bảo quên đi đừng phí sức/ Hãy chấp nhận những vách tường có sẵn/ Em làm gì có thật mà mong" (Thơ Lưu Quang Vũ). Và, tập thơ "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" của Lưu Quang Vũ được trao "Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời" của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2010 là một ghi nhận xứng đáng.
Trong khi đó, với tứ thơ "Chúng ta còn phải chết nhiều lần" trong tập thơ "Một chấm xanh", cố nhà thơ Phùng Khắc Bắc đã dành hẳn cho những người đã mất những bài thơ hay nhất, máu thịt nhất của đời thơ ông. Và thầm lặng khiêm tốn tới mức, giấu biệt chuyện mình làm thơ, Phùng Khắc Bắc không hề công bố một bài thơ nào của mình, chỉ tới khi ông mất, bạn bè cùng người thân mới phát hiện ra một di cảo thơ còn nằm trong im lặng của ông với những bài thơ "không phải chết nhiều lần": "Chẳng có gì đâu/ Sống chết như nhau/ Cõi này cũng có điều đáng buồn như thế/ Em cứ nghĩ xuống đây không còn nô lệ/ Ai dè ách mới còn nặng hơn/ Em đang tìm một kiếp mới hết buồn/ Để lại chết xem cuộc đời có mới/ Anh hãy sống sống dần dà đừng vội/ Bởi/ Chúng ta còn phải chết nhiều lần" (thơ Phùng Khắc Bắc).
"Đập vụn mình ra mà ghép lại, nung chảy mình ra mà tìm lõi"
Trong số những gương mặt thơ thời hậu chiến nói trên, mỗi lần nhớ về Nguyễn Lương Ngọc, tôi lại thấy trào lên một tiếc thương day dứt về tài năng thơ lớn này. Tuy ra đi ở tuổi 43, nhưng với 4 tập thơ để lại, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đã hoàn thành sự nghiệp thơ lớn của đời mình. Lúc còn sống, cũng là lúc tài năng thơ anh đang vào độ sung sức nhất, chín rực nhất, Nguyễn Lương Ngọc thường nói với bạn bè về những khao khát cách tân thơ của mình. Anh là một cá tính thơ mạnh mẽ và có thể xung đột với bất kỳ sự mòn cũ, trì trệ nào đó trong thi ca.
Thời điểm những năm 1990 ấy, thơ Nguyễn Lương Ngọc đã "nổ" những bài đầu tiên vào thành trì của những thói quen vần điệu sáo rỗng không - chịu - chuyển - động của nền thơ cũ. Anh không muốn thơ của mình ngân vang trong những quả chuông rỗng của nhạc điệu thơ cũ (vì phải chăng đặc tính của chuông là càng rỗng thì càng ngân?). Anh muốn thơ mình phải "Đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại - nung chảy mình ra mà tìm lõi - xé toang mình ra mà kết cấu". Theo tôi, không cần phải bàn cãi nhiều, Nguyễn Lương Ngọc là một hiện tượng cách tân đặc biệt của thi ca đương đại và có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của thơ Việt Nam cuối thế kỷ XX.
Bài thơ "Gọi hạc" của anh với cái nhìn đau đớn về bản thể của sự sáng tạo, đã cho ta thấy đối với Nguyễn Lương Ngọc - thơ là một tín ngưỡng, nhà thơ phải đi tới tận cùng chân lý dẫu có phải đối mặt với cái chết, hoặc phải sáng tạo cái mới hoặc không bao giờ tồn tại: "Con cắt trắng/ xếp cánh/ khi gặp con khướu vàng/ Con khướu vàng/ khép mỏ/ khi gặp con hạc đỏ/ Con hạc đỏ/ nức nở/ nhìn/ con hạc trắng/ Hạc trắng/ Hạc trắng/ Những con đã sinh ra thì đã chết/ Những con chưa chết thì chưa sinh ra" (thơ Nguyễn Lương Ngọc).
Bài thơ trên mang một triết lý sâu sắc về vòng tuần hoàn của sự sống với hình ảnh làm nổi bật cái nhìn triết học về bản chất của sự tồn tại, về sự mong manh của kiếp nhân sinh và như một lời tự vấn, một suy tư về sự vô thường của kiếp người.
Cùng quê Hà Tây (cũ) với Nguyễn Lương Ngọc, còn một thi tài khác cũng từng làm chuyển động một chân - trời - thơ, đó là Nguyễn Quang Thiều. Theo tôi, trong những gương mặt thơ thời hậu chiến, Nguyễn Quang Thiều là một trong những giọng thơ nổi bật nhất. Những năm 90 cuối thế kỷ trước, thơ Việt Nam đương đại bắt đầu có sự chuyển đổi lớn về mặt thi pháp và có thể nói Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đầu tiên bằng những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình đã xác lập một giọng điệu mới trong thơ Việt. Và giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 trao cho tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" của Nguyễn Quang Thiều chính là sự ghi nhận những tìm tòi, đổi mới thơ của anh cho nền văn học hiện đại.
Không chỉ dừng ở những thành công ban đầu, liên tục những năm sau đó, Nguyễn Quang Thiều nổi bật lên như một tư duy thơ mới mà đoạn thơ dưới đây là một biểu đạt: "Không thể nào tìm được người quen trong đêm nay/ Tôi bò qua bậc cửa nhà mình/ Con gián xòe cánh bay/ Chuyến vận hành mung lung mang theo ổ trứng/ Vệt chói sáng ghê rợn và kỳ thú/ Càng xa… càng gắt… càng tê liệt/ Những rễ cây đang ân ái dưới đất nâu/ Sự ân ái phì nhiêu và rụng lá/ Nhân loại bày ra trong giấc ngủ mộng mị/ Càng mơ càng cuống bước chân/ Không có bậc cửa nào cho tôi bò qua/ Những con sâu những vệt sáng ngần chảy từ gốc lên cành/ Chúng ngoan ngoãn liếm trăng trên những chiếc thìa lá mạ bạc/ Lũ trẻ còng queo ngủ/ Những dãy số đánh lừa và phản bội chúng/ Trong mơ chúng có liếm trăng trên vòm lá kia không? Sự cấu tạo trăng, sự cấu tạo côn trùng, sự cấu tạo người/ Sự cấu tạo nào nhiều máu hơn, sự cấu tạo nào nhiều bóng tối hơn/ Tội ác khe khẽ bế từ thiện ngủ mệt mỏi sang giường người khác/ Cơn mơ bàn chân trần tướp máu/ Đi trên những mảnh chuông vàng thánh thót/ Ngân trong cái luỡi trăng chói sáng và sắc lẻm/ Lách vào hư vô nhựa chảy ròng ròng/ Đã tràn qua bên kia/ Những bầu vú tươi non trở lại/ Những hơi thở được đốt nóng trở lại/ Trên mảng tường ẩm mốc/ Bầy kiến lang thang theo tri giác của mình/ Con đường kiến - miên man cơn sốt/ Những con kiến tí hon với cái đầu vĩ đại/ Đi về đâu những điều đúng trong trăng/ Đi về đâu những điều sai trong trăng" (thơ Nguyễn Quang Thiều).
Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh của Nguyễn Quang Thiều tạo nên một thế giới thơ siêu thực, đầy ám ảnh khi thơ không chỉ khơi gợi sự tưởng tượng mà còn khiến người đọc suy ngẫm về ý nghĩa sâu xa của tồn tại, về bản chất của cái đẹp và cái ác, về hành trình của con người trong một thế giới đầy mâu thuẫn và hoang mang.