Hướng dẫn xếp lương cán bộ cấp xã có bằng Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề
Việc xếp lương cho cán bộ cấp xã có bằng Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề hiện nay được quy định thế nào?
Hướng dẫn xếp lương cán bộ cấp xã có bằng Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề
Theo điểm c khoản 1 Điều 6 Luật Giáo dục 2019 thì trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng là trình độ đào tạo thuộc bậc học giáo dục nghề nghiệp của hệ thống giáo dục quốc dân.
Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về hệ thống giáo dục nghề nghiệp áp dụng chung đối với tất cả các trường trung cấp, trường cao đẳng.
Đồng thời Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thay thế Luật Dạy nghề 2006 quy định theo hướng không có sự phân biệt giữa cơ sở đào tạo, loại hình đào tạo và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (Luật Dạy nghề 2006 quy định về trung cấp nghề, cao đẳng nghề thuộc phạm vi quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để phân biệt với trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2012).
Tại Điều 5 Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP), cán bộ cấp xã đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Thông tư 13/2019/TT-BNV hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định cán bộ, công chức cấp xã:
+ Tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cao đẳng xếp lương theo ngạch cán sự (áp dụng công chức loại A0);
+ Tốt nghiệp trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp xếp lương theo ngạch nhân viên (áp dụng công chức loại B) theo quy định tại Điều 9a Thông tư 11/2014/TT-BNV đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Thông tư 05/2017/TT-BNV. (Nội dung này đã bị thay thế bởi Thông tư 2/2021/TT-BNV)
Như vậy, trường hợp cán bộ cấp xã có bằng Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề được thực hiện xếp lương tương ứng theo trình độ trung cấp, cao đẳng quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP) và Thông tư 13/2019/TT-BNV.
Cán bộ cấp xã gồm những chức vụ nào?
Theo Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 thì cán bộ xã, phường, thị trấn (cán bộ cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Tại Điều 61 Luật Cán bộ, công chức liệt kê cụ thể cán bộ cấp xã có các chức vụ sau đây:
- Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);
- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.