Hướng đến công viên đa nhiệm, bản sắc

Theo biên bản họp xét hồ sơ đô thị loại I TP.Biên Hòa (ngày 30-12-2015), Hội đồng quốc gia bỏ phiếu đánh giá đạt 88% (cao hơn 2% so với TP.Biên Hòa tự đánh giá). 12% còn lại là do Biên Hòa còn hạn chế 'thiếu công trình cảnh quan - công cộng'. Khắc phục những hạn chế ấy, nhiều năm qua, TP.Biên Hòa đã có nhiều cố gắng: chỉnh trang công viên bờ sông Nguyễn Văn Trị, duy trì tốt công viên Văn miếu Trấn Biên, xây dựng mới công viên Dương Tử Giang, cải tạo công viên Biên Hùng.

Các đơn vị tranh tài nhảy bao bố đồng đội trong tuần lễ thanh niên chào mừng ngày thành lập Đoàn tổ chức tại công viên Biên Hùng ngày 25-3-2023. Ảnh: VĨNH HUY

Các đơn vị tranh tài nhảy bao bố đồng đội trong tuần lễ thanh niên chào mừng ngày thành lập Đoàn tổ chức tại công viên Biên Hùng ngày 25-3-2023. Ảnh: VĨNH HUY

Khi thực hiện các dự án liên quan đến kiến trúc, nghệ thuật; lãnh đạo TP.Biên Hòa biết là phải lắng nghe tư vấn, phản biện từ các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các chuyên gia. Cho nên, hướng về kỷ niệm 55 năm Ngày Kiến trúc sư Việt Nam (27-4), Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa ủy nhiệm ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cùng ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai và ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai đồng chủ trì cuộc mạm đàm khoa học “Tổ chức không gian xanh cho TP.Biên Hòa gắn với lịch sử, định hướng các đề xuất cụ thể cho công viên Biên Hùng”.

Cuộc mạn đàm diễn ra ngày 17-4-2023 trong hội trường Sen Vàng ấm cúng, không nhiều người nhưng hội đủ các thành viên Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, các cá nhân và đại diện các đơn vị, tổ chức xã hội hữu quan, đặc biệt là vị khách quý, các chuyên gia tâm huyết: KTS Khương Văn Mười, KTS Nguyễn Văn Tất, Trần Quang Minh (nguyên giảng viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM); Nguyễn Hữu Cứ và Quách Thu Nguyệt (đến từ Hội Xuất bản Việt Nam); nhà giáo Nguyễn Háo Thoại (nguyên Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai); Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Đồng Nai; Huỳnh Hữu Nghĩa, Hiệp hội Gốm Mỹ nghệ Đồng Nai; Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Hội đồng Trường đại học Văn hóa TP.HCM…

Qua 12 phát biểu tham luận của các đại biểu, nội dung ghi nhận gồm các ý kiến chân tình, khách quan, thẳng thắn, kỳ vọng. Các đại biểu đánh giá cao quyết tâm đổi mới của Biên Hòa, nhưng còn phải quyết tâm nhiều hơn để đạt đến giá trị tiềm năng và nguyện vọng của người dân. Cụ thể là ở công viên Biên Hùng.

Từ hôm trước Tết Quý Mão, công viên Biên Hùng đã mở rào, tổ chức nhiều hoạt động dân sinh, nhiều nét mới hợp lòng dân, được công chúng hoan nghênh. Rồi phải làm gì nữa? Kiến nghị của các tham luận tập trung vào sáu chữ: XANH (sinh thái), SẠCH (môi trường), SÁNG (ánh sáng nghệ thuật), SỬ (văn hóa lịch sử), XỊN (chất lượng, hiện đại), SÁCH (văn hóa đọc).

Sáu chữ X/S nêu trên đọng lại và mở ra định hướng cho việc tôn tạo công viên Biên Hùng phát triển theo hướng đa nhiệm, hiện đại và bản sắc. Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa phát biểu “sáng mắt, sáng lòng”, ghi nhận kết quả mạn đàm, sẽ báo cáo tập thể lãnh đạo thành phố để tiếp thu chân thành, triển khai từng bước các nội dung khả thi cho mục tiêu trước mắt và lâu dài. Mỗi nội dung có thể là trọng tâm của nhiều dự án.

Về môi trường sinh thái, chỉnh trang, bổ khuyết tầng xanh cổ thụ, thêm thảm xanh, thảm màu, bố trí không gian xanh hợp lý cho các hoạt động dịch vụ, thể dục thể thao và các hoạt động sự kiện. Làm trong và đẹp lòng hồ, tạo sinh cảnh hoa, cá và cảnh quan ven hồ.

Về lịch sử văn hóa, kiến tạo hoa viên Trịnh Hoài Đức gắn với công viên Biên Hùng thành điểm nhấn mang hồn di tích lịch sử văn hóa; tập trung thực hiện quy trình giải phóng mặt bằng, tuyển chọn giải pháp kiến trúc, thực hiện công trình, tổ chức hoạt động để kịp lễ tròn năm sinh, năm mất của danh nhân Trịnh Hoài Đức vào mùa Xuân năm 2025. Việc thực hiện các công trình trong công viên Biên Hùng chú ý ngôn ngữ nghệ thuật mang bản sắc Biên Hòa - Đồng Nai, ưu thế là các vật liệu truyền thống gốm - đá - gỗ với phong cách của người Biên Hòa - Đồng Nai.

Về nghệ thuật ánh sáng, ánh sáng công viên được bố trí đa tầng, đa màu, sáng tỏ thường xuyên và sáng nghệ thuật, sáng khi tổ chức sự kiện, có thể ánh sáng nhạc nước ở lòng hồ, tạo nơi an toàn để tổ chức ánh sáng hoa đăng.

Về chất lượng, chất lượng cao nhất là an toàn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng. Chất lượng các hoạt động tổ chức trong công viên gồm của phong trào công chúng hoặc của các tổ chức chuyên nghiệp đều hướng đến chất lượng cao, thể hiện bản sắc dân tộc và sắc thái của Biên Hòa - Đồng Nai. Chất lượng các hoạt động dịch vụ cũng phải như vậy. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ ăn uống phải đảm bảo an toàn thực phẩm, khuyến khích các hình thức phục vụ và các món đặc sản, tăng hàm lượng dịch vụ văn hóa. Có thể phác thảo, hướng dẫn các gia đình chỉnh trang mặt tiền theo hướng đồng bộ về cấu trúc, đa dạng về bài trí để tạo phố đêm an toàn, đẹp, thu hút công chúng. Bố trí sân bãi làm tốt dịch vụ giữ xe kết hợp giải quyết an toàn giao thông khu vực. Nếu làm tốt chất lượng các dịch vụ, có thể tạo nguồn thu nuôi bộ máy hoạt động ở công viên.

Về sách, nhiều ý kiến quan tâm đến việc bổ sung chức năng, xây dựng không gian văn hóa đọc trong công viên Biên Hùng gắn với các dịch vụ văn hóa khác. Việc này không dễ, nhưng tính đồng thuận cao, được ông Nguyễn Hữu Cứ và bà Quách Thu Nguyệt hoan nghênh, động viên.

Còn nhiều ý kiến khác nữa đều bổ ích và khả thi. Tất cả đều mong muốn cho công viên Biên Hùng đẹp hơn, nhiều công năng, tiếp cận hiện đại, thể hiện bản sắc để phục vụ nhu cầu đa dạng ngày càng cao của công chúng.

Huỳnh Văn Tới

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202304/cong-vien-bien-hung-huong-den-cong-vien-da-nhiem-ban-sac-3164838/