Pi Nao từng bước trở thành bon du lịch cộng đồng ở Đắk Nông

Là địa bàn sinh sống của người M'nông, bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R'lấp hội tụ đầy đủ những đặc trưng văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc phía Nam Tây Nguyên.

Đã trở thành điểm hẹn quen thuộc, những ngày cuối tuần, ngôi nhà nhỏ của bà H’ Yon, Bí thư Chi bộ bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp lại rộn ràng với tiếng nói cười của các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm bon Pi Nao.

Phụ nữ bon Pi Nao tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm

Phụ nữ bon Pi Nao tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm bon Pi Nao có 13 thành viên, là những người phụ nữ có kỹ thuật dệt nhanh, đẹp và có niềm đam mê, yêu thích với thổ cẩm dân tộc. Mặc dù còn nhiều khó khăn song mọi người đều cố gắng tham gia các hoạt động của tổ hợp tác. Bởi với họ, đây không chỉ là công việc mang lại nguồn thu nhập mà còn là niềm vui được sống với nghề truyền thống.

Bà H’Tếch, Tổ trưởng Tổ Hợp tác xã dệt thổ cẩm bon Pi Nao chia sẻ, cứ thứ 7, chủ nhật hàng tuần, chị em trong tổ hợp tác lại tập trung để dệt vải. Ngoài những hoa văn truyền thống, mọi người còn nghiên cứu, cải tiến thêm một số hoa văn mang đặc trưng của núi rừng Đắk Nông để sản phẩm được đa dạng, phong phú.

“Tham gia tổ hợp tác, không chỉ chị em trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn nhau dệt thổ cẩm đẹp hơn mà đầu ra cũng được bảo đảm. Trong thời gian qua, chúng tôi đã có thêm cơ hội để quảng bá sản phẩm thổ cẩm của mình. Hiện nay, các thành viên đang tích cực học hỏi, nâng cao tay nghề để tạo ra được những sản phẩm đẹp hơn, đa dạng hơn”, bà H’Tếch nói.

Bên cạnh nghề dệt thổ cẩm, người dân bon Pi Nao còn tự hào với nghề đan lát truyền thống. Nếu như nghề dệt gắn với hình ảnh các bà, các mẹ cần mẫn bên khung cửi thì nghề đan lát truyền thống thường là do đàn ông đảm nhận.

Với đôi tay khéo léo, óc sáng tạo, những người đàn ông M’nông đã làm ra nhiều loại vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày. Không chỉ để phục vụ cho gia đình, những sản phẩm đan lát giản dị này còn giúp người dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.

Bon văn hóa Pi Nao - bon cổ của người M’nông còn là nơi quy tụ nhiều nghệ nhân đánh chiêng. Qua bao thế hệ, theo những thăng trầm của thời gian, bon Pi Nao đã trở thành cái nôi ra đời và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc đại ngàn.

Ngoài tổ hợp tác dệt thổ cẩm, đội chiêng, Chi bộ bon đã thành lập được các đội văn nghệ, vận động người dân giữ nghề ủ rượu cần, giúp cho hội viên khởi nghiệp và gìn giữ nét đẹp văn hóa của người M’nông...

Các nghệ nhân bon Pi Nao tập luyện đánh chiêng

Các nghệ nhân bon Pi Nao tập luyện đánh chiêng

Nghệ nhân Y Lanh cho hay: “Hằng năm, bon đều tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc, thu hút đông đảo người dân và du khách gần xa tham gia. Những nét văn hóa đẹp này không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân mà còn phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc cho địa phương”.

Đường vào bon Pi Nao đang được tu sửa, mở rộng để phục vụ việc phát triển du lịch

Đường vào bon Pi Nao đang được tu sửa, mở rộng để phục vụ việc phát triển du lịch

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo cho biết, địa phương đã lựa chọn bon Pi Nao để xây dựng mô hình thí điểm phát triển du lịch cộng đồng thuộc chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, tu sửa đường giao thông, xã Nhân Đạo đã tổ chức các lớp tập huấn, trang bị cho người dân các kiến thức, kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng bền vững, bảo vệ và giữ gìn môi trường tự nhiên; đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng.

Dương Phong

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/pi-nao-tung-buoc-tro-thanh-bon-du-lich-cong-dong-o-dak-nong-218698.html