Tái hiện 'chợ ma' độc đáo ở miền Tây

Tồn tại hơn 200 năm, 'chợ ma' Định Yên, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) là một trong những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của vùng sông nước miền Tây.

Người mua đứng im

Ông Huỳnh Phước Dũng (66 tuổi, ngụ ấp An Khương, xã Định Yên, huyện Lấp Vò) kể, 30 năm trước, nghề dệt chiếu trong làng phát triển hưng thịnh. Nhưng nhà làm nhiều nhất mỗi ngày cũng chỉ được ba đôi, tức là được sáu chiếc chiếu dệt tay.

“Chợ ma” được huyện Lấp Vò tái hiện để phát triển du lịch.

“Chợ ma” được huyện Lấp Vò tái hiện để phát triển du lịch.

"Người dân bắt đầu dệt lúc 3h sáng. Khi trời tối hẳn, họ gom chiếu đem ra chợ bán", ông Dũng cho hay, điều đặc biệt ở khu chợ này là người mua đứng yên một chỗ, còn người bán đi xung quanh để chào hàng. Ưng hàng và được giá, người mua lấy hàng để đem đi bán lại những nơi khác.

Huyện sẽ tiếp tục khai thác và phát triển điểm du lịch làng nghề dệt chiếu Định Yên. Trong đó, tập trung đổi mới các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian như hát bài chòi, hát tài tử, trò chơi dân gian…

Bí thư Huyện ủy Lấp Vò Nguyễn Văn Út

Chất lượng sản phẩm tùy thuộc vào kinh nghiệm của người mua. Thương lái chọn bằng cách dùng tay sờ vào mặt chiếu để đánh giá chiếu dày hay mỏng. Ngoài ra, họ còn dùng đèn dầu kê sát mặt chiếu đánh giá độ tinh xảo và màu sắc của chiếu.

"Dưới màn đêm mịt mù, một nhóm người tụ tập thành chợ. Chợ được chiếu sáng bằng ánh đèn dầu leo lét. Người dân cầm đèn dầu đi tới, đi lui tạo nên khung cảnh huyền bí. Cũng chính vì điều này mà chợ chiếu gọi là "chợ ma", ông Dũng kể.

Cũng theo ông Dũng, tại chợ chiếu có ba loại bạn hàng (thương lái). Loại thứ nhất gọi là chiếu vác. Những thương lái này vốn ít, ghé chợ mua vài đôi chiếu rồi vác đi chỗ khác bán lại kiếm lời. Đến khi bán hết, quay trở lại mua rồi đi bán tiếp.

Số thương lái khác khá giả hơn, có chiếc xe đạp đi mua chiếu nên được gọi là chiếu xe đạp. Cao cấp hơn là thương lái chiếu ghe, tức là người đi mua chiếu chạy ghe đến "chợ ma" thu gom số lượng lớn. Có khi ở nhiều ngày mới gom đủ một chuyến hàng.

Nhưng không phải chiếu lúc nào bán cũng hết, có bữa người dân đem ra hai, ba đôi rồi đem về. Chiếu bị ế, ngày hôm sau dệt nên phải ra chợ sớm hơn các hộ còn lại. Dần dà chợ cứ xoay vòng, không có thời gian họp cố định. Nhưng dù xoay cỡ nào thì "chợ ma" vẫn không họp vào buổi sáng.

Tái hiện "chợ ma"

Ông Nguyễn Văn Út, Bí thư Huyện ủy Lấp Vò cho biết, đến đầu những năm 2000, các phiên "chợ ma" không còn nhóm họp nữa, vì lúc này nhà nhà đều dùng nệm.

“Chợ ma” họp dưới ánh đèn dầu leo lét.

“Chợ ma” họp dưới ánh đèn dầu leo lét.

Gần đây, với mong muốn bảo tồn và khôi phục làng nghề dệt chiếu thủ công gắn với phát triển du lịch, huyện quyết định tái hiện "chợ ma" Định Yên. "Hiện tại, không gian "chợ ma" Định Yên là sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Lấp Vò, có thể nói là duy nhất của Đồng Tháp và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", ông Út cho hay.

"Chợ ma" được khôi phục từ tháng 9/2023 đã mở cửa phục vụ được 21 kỳ, đón trên 11.000 lượt khách.

Từ 15 - 20h thứ Bảy hàng tuần, chợ diễn ra với các các hoạt động tham quan đình Yên Định, làng nghề dệt chiếu thủ công truyền thống và thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử, ẩm thực địa phương. Riêng thực cảnh "chợ ma" sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian từ 14 - 17 Âm lịch hàng tháng.

"Việc khôi phục làng nghề truyền thống và tái hiện lại chợ chiếu đêm, hay còn gọi là "chợ ma" là một trong những mục tiêu trong đề án phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương", ông Út thông tin.

Làng nghề lại nhộn nhịp

Cũng theo ông Út, hiện trên địa bàn hai xã Định Yên, Định An có khoảng 845 hộ dệt chiếu. Trong đó, khoảng 64 hộ dệt chiếu tay, còn lại là dệt máy. Sản phẩm chiếu sản xuất trong ngày trên 6.000 chiếc. Các hộ dệt chiếu bằng máy thì thu nhập rất cao, vì sản phẩm làm ra nhanh, hàng ngày sản xuất được nhiều. Những người dệt chiếu thuê thủ công, thu nhập cũng được 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Trên bến, dưới thuyền là hoạt cảnh quen thuộc của “chợ ma”.

Trên bến, dưới thuyền là hoạt cảnh quen thuộc của “chợ ma”.

Ông Võ Thành Nghĩa (55 tuổi), người gắn bó với làng nghề dệt chiếu Định Yên cho biết, làng chiếu đã nhộn nhịp trở lại. Đơn hàng nhiều hơn nên ông đầu tư thêm máy dệt.

"Thiết bị hiện đại giúp sản phẩm làm ra sắc sảo hơn, đáp ứng nhu cầu số lượng lớn. Hàng tháng, gia đình cung cấp ra thị trường vài trăm chiếc chiếu các loại, tùy theo nhu cầu đặt hàng", ông Nghĩa cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Hùng (60 tuổi, chủ cơ sở dệt chiếu Thanh Hùng) chia sẻ, hiện cơ sở của ông có tới 10 máy dệt. Sản phẩm làm ra chủ yếu cung cấp cho các mối lớn ở An Giang, Hậu Giang và TP.HCM.

"Mỗi tháng, cơ sở của tôi cung cấp cho các mối hơn 2.500 chiếc. Bây giờ người làm chiếu ai cũng có mối nên yên tâm sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác", ông Hùng chia sẻ thêm.

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tai-hien-cho-ma-doc-dao-o-mien-tay-192240624091459451.htm