Mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn được công nhận là di tích lịch sử quốc gia

Di tích lịch sử quốc gia mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu; bia 'Tứ triều nguyên lão' là cổ vật có giá trị về mặt nghệ thuật và tư liệu.

Ngày 25/6, tại, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã diễn ra Lễ công bố quyết định và trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn.

Võ Xuân Cẩn sinh năm Nhâm Thìn (1772), tại làng Hòa Luật (nay thuộc xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy) là một nhân vật lịch sử của thế kỷ XIX. Ông là một danh thần của triều Nguyễn, có rất nhiều đóng góp cho đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa, giáo dục.

Ngay từ thuở thiếu thời, ông nổi tiếng là người chăm học, thông minh do được kế thừa từ một gia đình, dòng họ có truyền thống khoa bảng, nhiều người làm quan. Ông đậu cống sỹ (ngang cử nhân) dưới thời chúa Nguyễn nhưng không ra làm quan. Năm 1802, ông vào làm ở Viện hàn lâm theo lời mời của vua Gia Long.

 Lãnh đạo huyện Lệ Thủy đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Mộ và Nhà thờ Võ Xuân Cẩn. Ảnh: H.Lựu

Lãnh đạo huyện Lệ Thủy đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Mộ và Nhà thờ Võ Xuân Cẩn. Ảnh: H.Lựu

Từ đó đến năm 1852, ông đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều như: Thượng thư Bộ Hình; Thượng thư Bộ Công; Hàn lâm Viện học sĩ; Đông các Đại học sĩ; quản lý các việc Bộ Lại; kiêm lãnh Quốc sử quán; Tổng tài Quốc sử quán…

Dù ở cương vị nào, ông cũng là vị quan có học vấn sâu rộng, lịch lãm, cương trực, thẳng thắn, thương dân, tận tụy với công việc, có khả năng làm cho đất nước thái hòa. Ông mất tháng 4/1852, thọ 81 tuổi.

Võ Xuân Cẩn là một nhân vật lịch sử khá nổi tiếng và cũng rất đặc biệt (một vị quan dưới bốn triều vua mà vua nào cũng rất trọng dụng), xứng đáng được xếp vào hàng các danh nhân nổi tiếng.

Sau khi ông mất, vua Tự Đức cho khắc bài thơ và bài minh của vua làm vào bia đá dựng ở chỗ đầu làng Hòa Luật, nhan đề “Tứ triều nguyên lão”.

Bia có chiều cao 2,21m và rộng 1,18m. Đây là công trình nghệ thuật điêu khắc quý hiếm, độc đáo ở Quảng Bình đang được dòng họ lưu giữ và bảo tồn.

Năm 1885, vua Đồng Khánh cho xây dựng nhà thờ Lệ Quốc để thờ Võ Xuân Cẩn, tấm bia đá “Tứ triều nguyên lão” được đưa vào khuôn viên nhà thờ cho đến nay.

Hiện di tích lịch sử quốc gia mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn thuộc 2 xã Cam Thủy và Tân Thủy, huyện Lệ Thủy. Mộ nằm trên gò đất ven sông Đâu Giang, thuộc thôn Tân Hòa, xã Tân Thủy. Nhà thờ được phục dựng trên nền nhà thờ Lệ Quốc cũ, ở thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy.

Với những giá trị tiêu biểu của di tích, ngày 4/11/2020, Bộ trưởng VHTT&DL quyết định xếp hạng Di tích lịch sử mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn là di tích quốc gia.

Theo đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Bình, Lệ Thủy có tiếng là vùng đất văn vật, con người hiền hậu, hiếu học. Dưới chế độ phong kiến, đã có rất nhiều người học hành đỗ đạt, ra làm quan thanh liêm, có lòng yêu nước thương dân, một lòng phụng sự đất nước.

 Bia "Tứ triều nguyên lão" và mộ của cụ Võ Xuân Cẩn. Ảnh: ND

Bia "Tứ triều nguyên lão" và mộ của cụ Võ Xuân Cẩn. Ảnh: ND

Hiện nay, địa phương có 21 di tích được xếp hạng, trong đó, có 10 di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt cùng 11 di tích cấp tỉnh. Trong đó, di tích lịch sử quốc gia mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của quê hương, đất nước. Bia “Tứ triều nguyên lão” là cổ vật có giá trị về mặt nghệ thuật và tư liệu quý nghiên cứu về con người, sự nghiệp 50 năm làm quan của Võ Xuân Cẩn, tình hình đất nước ta nửa đầu thế kỷ XIX.

Đồng thời, di sản mà Võ Xuân Cẩn để lại cho con cháu dòng họ Võ Xuân nói riêng, nhân dân Lệ Thủy nói chung sẽ được giữ gìn, bảo tồn và tích cực phát huy giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mo-va-nha-tho-vo-xuan-can-duoc-cong-nhan-la-di-tich-lich-su-quoc-gia-post300732.html