Hướng đến mô hình siêu trung tâm thể thao

TP HCM đủ điều kiện hình thành các tổ hợp thể thao công nghệ cao, có khả năng huấn luyện, kiểm tra và thi đấu cấp độ châu lục và thế giới

Tại Hội nghị thảo luận dự thảo đề án sắp xếp Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, khẳng định: "Không có tư duy sáp nhập đơn vị này vào đơn vị kia, mà là "hợp nhất" để phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương, bổ sung và bổ khuyết cho nhau, hình thành một siêu trung tâm văn hóa - thể thao hàng đầu quốc gia".

Thị trường dịch vụ thể thao

Từ nhiều năm nay, TP HCM giữ vai trò đầu tàu của thể thao Việt Nam không chỉ nhờ vào thành tích thi đấu mà còn bởi sự tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP HCM là nơi đầu tiên triển khai mô hình "huấn luyện thông minh" với các công nghệ hiện đại ứng dụng trong tuyển chọn và giám định huấn luyện; gần đây là bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý giáo án và lập kế hoạch huấn luyện, phòng tránh chấn thương thể thao.

Bên cạnh đó, sự phát triển của thể thao phong trào, thể thao học đường, thể thao cộng đồng cùng với sự nở rộ của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thể thao đã biến TP HCM thành cái nôi của thị trường dịch vụ thể thao năng động nhất cả nước. Tuy nhiên, "điểm nghẽn" vẫn còn: quỹ đất hạn chế, cơ sở vật chất nhiều nơi đã cũ kỹ, công tác phát hiện tài năng trẻ gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển chọn.

Trong khi đó, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu lại có những điều kiện đặc thù mà thể thao TP HCM còn thiếu: Bình Dương giàu tiềm năng về năng khiếu thể thao từ lực lượng thanh thiếu niên nông thôn và ven đô thị đông đảo, cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện đại có thể trở thành nền tảng cho việc sản xuất trang thiết bị thể thao trong nước; Bà Rịa - Vũng Tàu có thế mạnh về địa lý biển, cơ sở du lịch nghỉ dưỡng, là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động thể thao biển và sự kiện quốc tế.

Thể thao TP HCM sau sáp nhập hướng đến việc phát hiện, đào tạo VĐV đỉnh cao. (Ảnh: ĐÔNG LINH)

Thể thao TP HCM sau sáp nhập hướng đến việc phát hiện, đào tạo VĐV đỉnh cao. (Ảnh: ĐÔNG LINH)

Tam giác phát triển

TP HCM sẽ là trung tâm huấn luyện vận động viên cấp cao, điều phối hệ thống đào tạo thể thao toàn thành phố, là nơi nghiên cứu khoa học thể thao và kiến tạo thị trường kinh tế thể thao thông minh. Bình Dương, với tốc độ công nghiệp hóa nhanh và hệ thống khu đô thị vệ tinh, có lực lượng thanh thiếu niên đông đảo, là một "mỏ vàng" để tuyển chọn vận động viên năng khiếu, đào tạo chuyên môn hóa ban đầu để bổ sung cho lực lượng vận động viên cấp cao toàn thành phố. Không chỉ vậy, với năng lực sản xuất mạnh, Bình Dương hoàn toàn có thể trở thành trung tâm phát triển ngành công nghiệp thiết bị thể thao nội địa, từ quần áo thi đấu, giày dép đến máy móc hỗ trợ tập luyện. Đây là thị trường tiềm năng trị giá hàng trăm triệu USD/năm mà Việt Nam vẫn đang phụ thuộc lớn vào nhập khẩu.

Bà Rịa - Vũng Tàu, với bờ biển dài, hệ sinh thái du lịch đã sẵn sàng, là địa phương lý tưởng để phát triển thể thao biển như lướt ván, chèo SUP, bơi biển, bóng chuyền bãi biển... Nơi đây cũng đủ khả năng tổ chức các giải thể thao quốc gia và quốc tế, tạo cú hích lớn cho kinh tế du lịch thể thao. Nếu được quy hoạch chiến lược, nơi đây sẽ là thủ phủ thể thao biển của Việt Nam trong tương lai gần.

Sự hợp nhất này sẽ tạo nên một tam giác phát triển thể thao toàn diện, hỗ trợ lẫn nhau trên nền tảng chuyển đổi số với yêu cầu tiên quyết: Toàn bộ công tác chỉ đạo - điều hành - vận hành sau hợp nhất phải 100% thực hiện trên nền tảng số, ký số điện tử, từ quản lý hồ sơ huấn luyện, điều hành cơ sở vật chất, đến theo dõi dữ liệu thể lực, tâm lý và dinh dưỡng của vận động viên.

Việc ứng dụng công nghệ quản trị số giúp các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP HCM rút ngắn thời gian báo cáo, tăng tính minh bạch và kết nối linh hoạt giữa các địa phương. Đây không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà còn là bước chuyển mình để thích nghi với địa bàn rộng lớn và phức tạp sau hợp nhất.

Trên thế giới, mô hình "tam giác thể thao" không mới. Nhật Bản có Tokyo (đào tạo), Osaka (sản xuất thiết bị) và Oki-nawa (thể thao biển). Pháp có Paris (thi đấu), Lyon (đào tạo trẻ), Marseille (du lịch - sự kiện thể thao). Việc TP HCM hướng đến mô hình tương tự là xu thế tất yếu nếu muốn đưa thể thao vào nền kinh tế giá trị cao.

Qua kinh nghiệm từ công tác tổ chức Olympic Paris 2024, Pháp đã đầu tư 1,3 tỉ euro cho các trung tâm thể thao vùng ven, qua đó giảm tải cho Paris và tăng cường sức mạnh toàn quốc. Mô hình TP HCM mở rộng hoàn toàn có thể tham khảo và bản địa hóa bài học này.

(Còn tiếp)

LÝ ĐẠI NGHĨA (Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Thi đấu thể thao TP HCM)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/huong-den-mo-hinh-sieu-trung-tam-the-thao-196250519213239483.htm