Hướng đến một cái nhìn khác về lịch sử và phê bình văn học
Cụm công trình mới của nhà phê bình, PGS-TS. Đỗ Lai Thúy đã hướng đến một cái nhìn khác về văn học: một lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX nhìn từ hệ hình, và hai mô hình lý thuyết phê bình nhìn từ lối tiếp cận tác phẩm và lối viết phê bình.
Lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX: bước nhảy qua những đứt gẫy
Liên tục qua những đứt gẫy: một cái nhìn lịch sử văn học (Nxb Hội Nhà văn, 2023) ngay từ đầu đề đã cho thấy cách tiếp cận lịch sử văn học khác. Nếu coi lịch sử văn học như một diễn trình, một đường thẳng tịnh tiến, thì cách tiếp cận và phân kỳ văn học thuần túy xưa này là toàn bộ và lịch đại.
Có một thời, lịch sử văn học từng bị đồng nhất với lịch sử chung, lịch sử sự kiện chính trị - xã hội, và do đó, bị đánh giá dựa trên quan điểm xã hội học dung tục (sociologie vulgaire), bỏ qua và làm tha hóa rất nhiều giá trị nội sinh của văn học.
Lịch sử văn học Việt, qua công trình của hai tác giả PGS-TS. Đỗ Lai Thúy và TS. Nguyễn Hoài An, được khẳng định tính liên tục qua những đứt đoạn. Tức là có những sự phát triển gối tiếp, đồng tồn thay vì tuyến tính nối tiếp. Trong cùng một lát cắt về thời gian, tồn tại đồng thời các giai đoạn, xu hướng, phong cách văn chương khác nhau, đặc biệt trăm hoa đua nở vào đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Bởi vậy, rõ ràng phải phân tích từng bộ phận và theo đồng đại mới có thể tái hiện đầy đủ diện mạo văn học trong một thời điểm lịch sử.
Nhưng bằng cách nào?
Hai chuyên luận mới của PGS-TS. Đỗ Lai Thúy: Liên tục qua những đứt gẫy: một cái nhìn lịch sử văn học (viết chung với Nguyễn Hoài An) và Hướng tới một lý thuyết phê bình văn học.
Một mô hình, xây dựng dựa trên cơ sở lý thuyết chuyển đổi hệ hình (paradigm shift) của nhà triết học khoa học Mỹ Thomas Kuhn, đã được các tác giả vận dụng để nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XX. Đương nhiên, không hề có một hệ hình chung cho văn học tổng thể, mà rõ ràng nếu nhìn từ bộ phận, thì phải xây dựng hệ hình riêng trong từng thể loại.
Thơ là câu chuyện xoay quanh chữ và nghĩa. Hệ hình tiền - hiện đại là thơ nghĩa chữ, tức nghĩa có/đi trước chữ; hiện đại là thơ chữ nghĩa, tức chữ có trước nghĩa và đẻ ra nghĩa; hậu - hiện đại là thơ chữ nghĩa xoay vòng.
Còn tiểu thuyết là nghệ thuật kể chuyện, tức viết. Tiền - hiện đại là viết về phiêu lưu, tức kể một câu chuyện; hiện đại là sự phiêu lưu của viết, tức lúc này viết trở thành nhân vật chính; hậu - hiện đại là viết về cái viết, giờ đây sự tự ý thức về viết mới là quan trọng. Ở mỗi mô hình lý thuyết, các tác giả lại đưa ra những trường hợp điển hình để chứng minh.
Lịch sử văn học Việt, thông qua lý thuyết hệ hình, cho thấy sự vận động chuyển đổi sâu sắc về nội tại mang tính chất tự thân của nó, nhưng không vì thế bỏ qua những điều kiện ngoại cảnh tác động. Một nền văn học Việt Nam với quá nhiều những phân mảnh về thời gian (tiền chiến, hậu chiến, đổi mới), không gian địa lý (miền Bắc - miền Nam, nông thôn - thành thị, trong nước - hải ngoại) và ý thức hệ (địch - ta), lại có thể bừng toát lên những bước chuyển quan trọng, là nhờ lối tiếp cận này.
Một nghiên cứu lý thuyết về lịch sử phê bình văn học Việt Nam
Hướng tới một lý thuyết phê bình văn học (Nxb Thế giới, 2023) của Đỗ Lai Thúy cũng cấp thêm cho bạn đọc một lịch sử vừa song song vừa là lịch sử văn học, đó là lịch sử phê bình văn học.
Ban đầu, khoa học văn học không phải đã ngay lập tức phân định rạch ròi ranh giới giữa các ngành nghiên cứu, đơn cử là việc đồng nhất lý luận văn học và phê bình văn học vào thế kỷ XIX. Phải tới giai đoạn giữa thế kỷ XX mới thực sự có sự phân hóa và rồi phân chia khu biệt giữa các lĩnh vực trực thuộc khoa học văn học.
Từ một cái nhìn gần cận, mặc dù phê bình văn học ở Việt Nam đôi khi bị gán ghép một cái tùy tiện và thuận miệng như “nghiên cứu-phê bình”, “lý luận-phê bình”, nhưng không thể phủ nhận rằng, so với hai lĩnh vực còn lại (lý luận văn học và lịch sử văn học), thì phê bình văn học cũng là một cạnh trong tam giác khoa học văn học. Thậm chí, phê bình làm giàu thêm rất nhiều cho chính tác phẩm văn học, bằng việc mở rộng chân trời diễn giải.
Phê bình về bản chất là lối tiếp cận tác phẩm. Phê bình tiền - hiện đại là tiếp cận từ tác giả, tức ngoại quan; hiện đại là từ văn bản, tức nội quan; hậu hiện đại là từ người đọc, tức nội - ngoại quan, khái quát bằng công thức tác phẩm = văn bản + sự đọc. Nhà phê bình, vì vậy, là siêu người đọc, họ cấp nghĩa và làm dôi nghĩa thêm cho tác phẩm.
Mặt khác, Đỗ Lai Thúy cũng nhìn phê bình từ lối viết, với ba kiểu loại chính: đó là phê bình học giả coi lý thuyết là tính thứ nhất, với những đại biểu như Trương Tửu, Nguyễn Văn Trung, Phan Ngọc, Trần Đình Sử; phê bình nghệ sĩ theo lối ấn tượng chủ nghĩa, với Hoài Thanh - Hoài Chân, Đặng Tiến; và phê bình phức hợp coi tác phẩm là tính thứ nhất, với Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Long Vân và chính tác giả.
Và như để mở rộng và chứng minh cho mô hình lý thuyết của mình, Đỗ Lai Thúy đã chọn phê bình sự phê bình qua chân dung các nhà phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX. Họ được ông phân chia theo không-thời gian, từ các nhà phê bình văn học trước 1945, cho tới các nhà phê bình thành thị miền Nam 1954 – 75, và các nhà phê bình miền Bắc lẫn cả nước từ 1954 tới nay, bao chứa cả giai đoạn hợp quần sau 1975.
Cùng với lịch sử và lý luận văn học, phê bình văn học hình thành “tam vị nhất thể” khoa học văn học, và có vị trí trụ cột của nó. Công trình của Đỗ Lai Thúy đã mang lại một cái nhìn khái quát và mang tính hệ thống, từ diện đến điểm, từ lịch sử, lý thuyết đến chân dung, về phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX.
Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)