Hướng đến nền giáo dục tiên tiến vào năm 2030

Ðể xác định tầm nhìn, quan điểm xuyên suốt về phát triển giáo dục-đào tạo, Thành phố Hồ Chí Minh đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đề ra là đưa giáo dục thành phố đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Học sinh thành phố tham gia cuộc thi DigiTrans Edtech 2022 với chủ đề ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Học sinh thành phố tham gia cuộc thi DigiTrans Edtech 2022 với chủ đề ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện, mạng lưới trường lớp ở Thành phố Hồ Chí Minh có gần 2.360 trường học, trong đó, bậc mầm non có hơn 1.350 trường, tiểu học 514 trường, trung học cơ sở 286 trường, trung học phổ thông 204 trường. Ngoài ra, thành phố còn có 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên, 51 cơ sở giáo dục và Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 50 trường cao đẳng... Hệ thống trường lớp trên địa bàn thành phố được quy hoạch, phân bố đều khắp và đầu tư xây dựng từ nội thành đến ngoại thành, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân. Ðội ngũ giáo viên lớn mạnh và không ngừng nâng cao số lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học ngày một cao hơn. Thành phố cũng là địa phương tiên phong đưa nhiều chương trình, đề án đột phá của ngành giáo dục huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa và đạt hiệu quả cao như: Chương trình kích cầu đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường lớp; chương trình "Dạy và học Toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam"; thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế" tại Thành phố Hồ Chí Minh; chương trình tiếng Anh tăng cường, dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài; các cuộc thi khoa học kỹ thuật...

Các chuyên gia nhận định, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vai trò trung tâm giáo dục-đào tạo chất lượng cao. Công tác giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực phát triển nhanh về quy mô, số lượng đào tạo năm sau cao hơn năm trước, loại hình đào tạo đa dạng, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Thành phố cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển giáo dục phổ thông theo hướng nâng cao trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố cho biết: Giáo dục thành phố đã phát triển cả về quy mô và chất lượng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, dân sinh, tạo nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều năm qua, thành phố thực hiện chủ trương tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, huy động 100% số trẻ em trong độ tuổi ra lớp, giữ vững kết quả phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục trung học theo định hướng của thành phố. Chất lượng đội ngũ nhà giáo không ngừng nâng cao, bảo đảm yêu cầu đạt chuẩn và trên chuẩn. Tuy nhiên, hiện giáo viên ở thành phố vẫn thiếu về số lượng và chưa đồng bộ về cơ cấu, chưa có định biên một số chức danh theo yêu cầu giáo dục toàn diện. Một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học dẫn đến việc chưa theo kịp yêu cầu đổi mới trong giáo dục và hội nhập quốc tế...

Ðóng góp ý kiến về chiến lược phát triển giáo dục thành phố từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các chuyên gia, nhà chuyên môn cho rằng, trước yêu cầu đổi mới toàn diện của giáo dục thì việc quy hoạch và quản lý mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố. Cụ thể, chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt thấp, trang thiết bị dạy học hiện đại chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời đều khắp các trường học. Tiến độ xây dựng trường lớp theo quy hoạch tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu tỷ lệ học sinh tăng cơ học hằng năm, từ đó kéo theo sĩ số học sinh trên mỗi lớp còn cao so với quy định, tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày chưa đạt chỉ tiêu. Ðội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu. Việc liên kết đào tạo nghề nghiệp giữa các trường chuyên nghiệp với hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế của các nước trong khu vực và trên thế giới đạt kết quả chưa cao. Một số chính sách đối với giáo dục-đào tạo còn bất cập chưa phù hợp đặc điểm, tình hình giáo dục-đào tạo của thành phố... Do đó, ngành giáo dục thành phố cần đưa ra những giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế nêu trên trong thời gian sớm nhất. Theo ông Dương Anh Ðức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, mục đích cuối cùng là thành phố phải xây dựng được một hệ thống giáo dục toàn diện, có chất lượng cao về chuyên môn lẫn đào tạo con người. Khi xây dựng chiến lược phát triển giáo dục phải bảo đảm tính cân đối, đầy đủ, bao quát. Các mục tiêu trong chiến lược phải mang tính khả thi. Hướng đến một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại.

Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu là đổi mới, phát triển toàn diện học sinh; phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao... Theo đó, đến năm 2030, thành phố phấn đấu có 60% số trường mầm non, 80% số trường tiểu học, 70% số trường trung học cơ sở, 50% số trường trung học phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia; bảo đảm sĩ số học sinh/lớp ở các bậc học từ 30-35 học sinh/lớp; 100% số trường tiểu học, 70% số trường trung học cơ sở học hai buổi/ngày; tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng số từ cơ bản đến nâng cao; 80% số học sinh trung học phổ thông có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ; tất cả học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, trong số này có 50% số học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế; xây dựng chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

PHÁP MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/huong-den-nen-giao-duc-tien-tien-vao-nam-2030-post740161.html