Hướng đến nền nông nghiệp sạch với phân hữu cơ
Tình trạng giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giá phân bón tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nông dân gặp nhiều khó khăn. Việc giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ là giải pháp hiệu quả cho mục tiêu hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn.
Thực tế, nhu cầu sử dụng phân bón trong sản xuất của bà con nông dân vẫn còn rất lớn. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, vụ hè thu năm 2022, tổng lượng phân U-rê sử dụng là 45.379 tấn (197kg/ha), NPK là 31.878 tấn (138kg/ha), DAP là 28.267 tấn (122kg/ha)… Trong khi đó, giá phân bón tăng từ trên 900.000 đồng đến gần 1,2 triệu đồng/bao (50kg, tùy loại). Với mức giá phân bón cao như hiện tại và có thể còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, trong khi giá lúa trung bình chỉ ở mức từ 5.500-5.800 đồng/kg, nông dân còn lãi rất ít sau khi trừ chi phí.
Chưa kể, các đối tượng gian thương móc nối với nhau, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả để tung ra thị trường, bán cho nông dân. Qua các đợt thanh, kiểm tra chuyên ngành, Thanh tra Sở NN&PTNT An Giang đã phát hiện nhiều đối tượng vi phạm về kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng…
Ngành chức năng đã tịch thu tang vật, xử phạt vi phạm hành chính, chuyển 2 tổ chức và 3 cá nhân qua cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Từ thực tế này, nếu không tính toán hợp lý trong sử dụng phân bón, thuốc BVTV, nông dân sẽ rơi vào trường hợp làm không công trên chính thửa ruộng của mình.
Giảm phân bón hóa học, thay thế bằng phân bón hữu cơ giúp nông dân tăng lợi nhuận, tạo ra nông sản sạch
Ghi nhận từ sản xuất thực tế, nhờ áp dụng các kỹ thuật được ngành nông nghiệp khuyến cáo, như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái hay sử dụng các chế phẩm phân hủy rơm rạ làm phân bón hữu cơ… đã giúp nông dân giảm mạnh chi phí phân bón và thuốc BVTV. Trước đây, nông dân có thói quen bón nhiều phân vô cơ, nhất là phân đạm do sạ dày, làm cho ruộng lúa thừa đạm, dễ bị sâu bệnh, giảm năng suất. Còn khi sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh, cung cấp các nguyên tố trung lượng, vi lượng cho cây trồng, nhất là cải tạo đất, tăng độ màu mỡ cho đất.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang, ở ruộng lúa “3 giảm, 3 tăng”, áp dụng phân đạm trung bình là 113kg/ha, so với ruộng của nông dân sản xuất theo cách truyền thống là 145,7kg/ha. Như vậy, chỉ cần áp dụng đúng kỹ thuật khuyến cáo, nông dân giảm được gần 14kg/ha, tương đương 30,2kg U-rê/ha. Việc giảm được lượng phân đạm, ngoài giúp giảm áp lực sâu bệnh trên cây lúa, còn giảm được chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, giảm tác động môi trường.
Thực tế hiện nay, trong quá trình sản xuất lúa, nông dân đã sử dụng phân bón vô cơ liên tục, kéo dài khiến nguồn dinh dưỡng trong đất cạn kiệt do không bổ sung phân bón hữu cơ. Từ đó, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, làm đất chai cứng, giảm năng suất cây trồng, đồng thời gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Vì vậy, việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng bổ sung phân hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng, tác dụng cải tạo đất rất tốt.
Không chỉ trong canh tác lúa, việc hạn chế sử dụng phân bón và thuốc BVTV, hướng đến sử dụng phân bón hữu cơ từ những nguồn phế phẩm nông nghiệp sẵn có đối với vườn cây ăn trái đã và đang mang lại nhiều lợi ích. Khi tạo ra được nông sản sạch, dù bán với giá cao hơn nhưng vẫn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, đầu ra ổn định hơn, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Khi cây lúa không còn chiếm ưu thế độc canh, cùng với phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, ông Trần Văn Kết (xã Tân Phú, huyện Châu Thành) mạnh dạn chuyển từ đất ruộng sang vườn trồng sầu riêng. Trước đó, khi canh tác lúa, ông Kết đã chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật, như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, ủ rơm rạ sau thu hoạch để làm phân bón cho vụ lúa sau. Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa tạo được nền đất tốt, màu mỡ, giúp năng suất mỗi vụ đều vượt trội.
“Đối với bất kỳ loại cây trồng nào cũng vậy, tạo được nền đất tốt, tơi xốp, nhiều dinh dưỡng luôn là điều kiện tiên quyết, vừa giúp người nông dân nhẹ công chăm sóc, tạo ra được loại nông sản ngon, chất lượng hơn” - ông Kết chia sẻ.
Đất ở xã Tân Phú trước nay đều nằm trong khu có đê bao, không được phù sa bồi đắp nên sau một thời gian sản xuất đã mất dần chất dinh dưỡng. Hiểu được vấn đề này, nên ngay từ khi lên liếp làm vườn, ông Kết đã quan tâm đến các phương pháp hữu cơ sinh học trong cải tạo đất, nhất là tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Suốt 5 năm trồng cây sầu riêng, ông Kết lựa chọn nguồn phân bò được xử lý với nấm Trichoderma kết hợp cùng phân dơi để bón lót thường xuyên, tạo dinh dưỡng cho nền đất. Ngoài ra, còn sử dụng phụ phẩm rơm sau làm nấm để ủ, bón cho cây sầu riêng, giúp đất thêm tơi xốp. Nhờ vậy, vườn sầu riêng của ông Kết lúc nào cũng tươi tốt, tán cây rộng nên giữ được trái nhiều, giúp tăng năng suất qua từng vụ.