Hướng đến nguồn cung thực phẩm bền vững

Singapore - quốc gia có diện tích đất đai và tài nguyên khan hiếm, đang tìm cách đa dạng hóa nguồn thực phẩm để bảo đảm tính bền vững. Trong động thái mới nhất hướng tới mục tiêu này, ngày 10.7, Cơ quan Thực phẩm Singapore đã cấp phép cho 16 loài côn trùng như dế, châu chấu, sâu bột và ong mật để làm thực phẩm - một bước đi được đánh giá là đột phá so với các quốc gia còn nhiều định kiến về loại thực phẩm này.

Những loại côn trùng nào được cấp phép?

Theo quy định của Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA), các loài côn trùng đạt tiêu chuẩn bao gồm dế, ấu trùng, ấu trùng bướm đêm và một loài ong mật. SFA cho biết họ đưa ra quyết định này vì ngành công nghiệp côn trùng "là một ngành mới và côn trùng là một mặt hàng thực phẩm mới" cần được xem xét như là một giải pháp linh hoạt và bền vững cho an ninh lương thực.

Côn trùng thường xuyên được tiêu thụ ở Thái Lan. Ảnh: Getty Images

Côn trùng thường xuyên được tiêu thụ ở Thái Lan. Ảnh: Getty Images

Cụ thể, SFA đã cấp phép cho 16 loài côn trùng, ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Ở giai đoạn trưởng thành có bốn loài dế, hai loài châu chấu, một loài cào cào và một loài ong mật. Ở giai đoạn ấu trùng có ba loại sâu bột, một loài sâu trắng và một loài sâu bọ cánh cứng cũng như hai loài bướm đêm. Theo hướng dẫn, cả sâu bướm và tằm (các giai đoạn khác nhau của cùng một loài) đều có thể ăn được.

“Thật tuyệt vời khi Singapore bật đèn xanh cho cả một danh sách lớn các loài côn trùng mà con người có thể tiêu thụ”, Skye Blackburn, một nhà côn trùng học và nhà khoa học thực phẩm người Australia, một trong những nhà khoa học ủng hộ việc tiêu thụ côn trùng và bán các sản phẩm từ côn trùng, bày tỏ. “Điều này thực sự cho thấy Singapore cởi mở so với những định kiến mà con người lâu nay vẫn nghĩ về côn trùng”.

“Sushi sâu” có thể thành món mới?

Theo tờ Straits Times, một chuỗi nhà hàng Singapore có tên House of Seafood hiện đang chuẩn bị phục vụ 30 món ăn làm từ côn trùng, bao gồm sushi phủ nhộng tằm và dế, cua trứng muối với sâu, và “Minty Meatball Mayhem” - thịt viên phủ sâu.

Ngoài ra, các sản phẩm thực phẩm có côn trùng mà chính quyền Singapore sẽ nhập khẩu bao gồm: dầu côn trùng, mỳ ống sống có thêm côn trùng, sô cô la và các loại bánh kẹo khác chứa không quá 20% côn trùng, ấu trùng ong ướp muối, ngâm muối, hun khói và sấy khô, ấu trùng bọ cánh cứng, nhộng tằm ướp gia vị…

Bà Blackburn cho biết, một trong những điều đáng khích lệ trong danh sách côn trùng được cấp phép của Singapore đó là bao gồm các loài chưa được nuôi thương mại để tiêu thụ như ong mật châu Âu và ấu trùng bọ cánh cứng khổng lồ.

Vài năm trở lại đây, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ côn trùng như giải pháp thân thiện với môi trường để bổ sung protein vào chế độ ăn uống cho cả con người và vật nuôi. Theo một nghiên cứu được công bố năm nay trên tạp chí Scientific Reports, 128 quốc gia đã tiêu thụ côn trùng như thực phẩm, trong đó 2.205 loài côn trùng đang được sử dụng cho các bữa ăn. Hầu hết các loài côn trùng này được tìm thấy ở các nước châu Á, tiếp theo là Mexico và các nước châu Phi. Thái Lan, Ấn Độ, CHDC Congo và Trung Quốc tiêu thụ hàng trăm loài côn trùng, trong khi Brazil, Nhật Bản và Cameroon mỗi nước tiêu thụ 100 loài hoặc hơn.

Với danh sách cấp phép mới, các đầu bếp Singapore sẽ có thể tham khảo nhiều công thức chế biến côn trùng sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới, nơi chúng được phục vụ dưới dạng chiên giòn, xiên que, trong mỳ ống, trong margarita…

EU đang trong quá trình phê duyệt thêm nhiều loài côn trùng để tiêu thụ như là "nguồn thực phẩm mới", nhưng cho đến nay các nước này mới chỉ phê duyệt bốn loài. Australia chỉ phê duyệt ba loài - một loài dế và hai loài sâu bột.

Những lợi ích bất ngờ về dinh dưỡng

Liên Hợp Quốc dự đoán dân số toàn cầu sẽ tăng lên 9,7 tỷ người vào năm 2050 và có thể đạt đỉnh gần 11 tỷ người vào khoảng năm 2100, điều đó có nghĩa là sản xuất nông nghiệp phải chịu áp lực rất lớn để cung cấp đủ thức ăn cho tất cả mọi người. Trong khi đó những hệ quả từ biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt; điều đó khiến côn trùng trở thành nguồn protein thay thế bền vững hơn nhiều so với gia súc.

Nhà nghiên cứu Marcel Dicke tại Đại học Wageningen ở Hà Lan đã dành hơn 20 năm để chứng minh cho thế giới thấy côn trùng là một nguồn thực phẩm đáng tin cậy. "Tôi đã ăn kiến ở Colombia, chuồn chuồn ở Trung Quốc và nhiều loại côn trùng khác như cào cào và mối... Một số loài có hàm lượng dinh dưỡng tương tự, nếu không muốn nói là cao hơn so với thịt bò và thịt lợn", ông Dicke chia sẻ.

Giáo sư Andreas Vilcinskas - Viện nghiên cứu Fraunhofer, Đức chia sẻ: "Mục tiêu hiện tại của chúng tôi không phải là thuyết phục mọi người hãy ăn côn trùng nhiều hơn, mà chúng tôi hướng đến bảo đảm lương thực bền vững. Chúng tôi muốn sử dụng côn trùng giàu protein như một giải pháp thay thế cho protein có nguồn gốc từ đậu tương. Những năm qua nhu cầu tiêu thụ đậu tương tăng cao đã dẫn đến tăng diện tích trồng loài cây này và trực tiếp làm giảm diện tích rừng nhiệt đới".

Nuôi côn trùng cũng hiệu quả hơn, đặc biệt là khi so sánh với các vật nuôi truyền thống. FAO cho biết, côn trùng có “tỷ lệ chuyển đổi” cao, nghĩa là chúng có hiệu quả trong việc chuyển hóa năng lượng thực vật thành protein, có tới 90% khối lượng cơ thể của côn trùng có thể ăn được, trái ngược với chỉ 40% ở bò hay các loại gia súc, gia cầm khác. “Dế cần ít thức ăn hơn gia súc sáu lần, ít hơn cừu bốn lần và ít hơn lợn và thịt gà hai lần để sản xuất cùng một lượng protein”, tài liệu của FAO nhấn mạnh. Hoặc một cách so sánh dễ hiểu hơn: trong khi cần khoảng 25kg cỏ để sản xuất 1kg thịt bò, cùng một lượng cỏ đó có thể tạo ra lượng protein côn trùng ăn được cao gấp 10 lần.

Nguồn thực phẩm bền vững đối với môi trường

Bên cạnh đó, một trong những ưu điểm lớn của việc nuôi côn trùng làm thực phẩm đó là ít tốn kém hơn và ít gây hại hơn đối với môi trường. Chúng có thể được nuôi trong nhà, sử dụng ít không gian hơn, tiêu thụ ít nước hơn, và tạo ra lượng khí thải thấp hơn. Vì chúng có thể được nuôi ở các vùng nông thôn và thành thị trong những căn phòng tương đối nhỏ, chúng cũng có thể trở thành sinh kế cho những người có ít đất đai để chăn nuôi hoặc không có kinh nghiệm hay không được đào tạo để chăn nuôi gia súc.

FAO cũng khuyến nghị sử dụng côn trùng - bao gồm ấu trùng ruồi lính, ruồi nhà, sâu bột, tằm và châu chấu - làm nguồn thức ăn bổ sung cho gia súc, gia cầm và cá. Bởi những loại côn trùng này có thể giảm ô nhiễm từ phân lên đến 70%.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Trends in Plant Science năm 2023, Marcel Dicke và các đồng nghiệp đã tập trung nghiên cứu lợi ích của việc sử dụng chất thải thực phẩm làm thức ăn nuôi côn trùng, sau đó tận dụng chính chất thải trong sản xuất côn trùng để thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Cách tiếp cận vòng tròn khép kín này có thể tăng cường sự phát triển, khả năng thụ phấn và phục hồi của cây trồng.

Chất thải từ quá trình sản xuất côn trùng có hai dạng chính: exuviae (bộ xương ngoài còn sót lại của côn trùng sau khi lột xác), và frass (phân của côn trùng và thức ăn thừa). Khi được thêm vào đất, những chất này sẽ thúc đẩy cả sự phát triển và sức khỏe của cây trồng. Phân côn trùng rất giàu nitơ, một chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của cây trồng nhưng lại khan hiếm ở hầu hết các loại đất; do đó, nó thường được bổ sung trong phân bón tổng hợp.

Thay đổi văn hóa tiêu thụ thực phẩm

Chuyên gia Blackburn cho rằng, trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phương Tây vẫn còn những định kiến và nghi kị về việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm; bà cho rằng, để thay đổi văn hóa này, cần có các chiến dịch tuyên truyền, bắt đầu từ trẻ em; bà cho biết, một trong những sản phẩm phổ biến nhất của bà là khoai tây chiên làm từ dế, bà nói - hiện chúng được bán tại 1.000 căng tin trường học ở Australia như một món ăn nhẹ giàu protein và hoàn toàn tốt cho sức khỏe.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/huong-den-nguon-cung-thuc-pham-ben-vung-i380251/