Hướng đến việc thiện

Thay vì rải tiền, cúng linh đình, đốt nhiều vàng mã thì nhiều người đã dùng tiền mua gạo, nhu yếu phẩm giúp đỡ người nghèo

Hằng năm, vào chiều 15-7 âm lịch, nhà thuốc y học cổ truyền Phùng Hưng Hãng, đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM thường tổ chức cúng cô hồn với hình thức rải tiền. Theo thông lệ, cả ngàn người tụ tập tại đây trang bị vợt, mâm, giỏ để "giật" tiền.

"Lá lành đùm lá rách"

Tuy nhiên, năm nay chủ nhà thuốc đã không tổ chức rải tiền như thông lệ mà tặng hơn 1.000 phần quà gồm gạo, nhu yếu phẩm cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Trần Ban Trí - đại diện nhà thuốc - cho biết hằng năm gia đình ông đều bày mâm cúng rằm tháng 7. Ngoài việc cúng tế, gia đình ông cũng chuẩn bị tiền nên mỗi năm người "giật" cô hồn đến nhà ông rất đông.

Theo ông Trí, đây là truyền thống từ xưa, thường gọi là cúng cô hồn, cúng cầu an, cúng mưa thuận gió hòa. Lễ vật gia đình ông chuẩn bị để cúng các oan hồn trong năm nay gồm thịt heo, thịt gà, bánh kẹo.

Những năm trước, gia đình ông chuẩn bị tiền để rải cho người dân đến "giật" cô hồn với mong muốn càng đông càng vui, càng nhiều người giật thì nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với gia chủ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc rải tiền cũng gây mất an ninh trật tự, không an toàn. "Năm nay, gia đình tôi chuyển sang phát 1.000 phần quà gồm gạo, đường, muối, dầu ăn gửi đến người dân khó khăn nên không xảy ra cảnh quá lộn xộn như những năm qua. Gia đình đã phát 1.000 phiếu cho người dân" - ông Trí nói.

Có mặt từ rất sớm, anh Nguyễn Ngọc An (SN 2000) cho biết hằng năm anh cùng nhiều người bạn chạy xe máy khắp các tuyến đường để canh "giật" cô hồn bằng hiện vật là tiền. Năm nay, anh được bạn rủ từ quận 8 sang quận 5 canh "giật" tiền nhưng nhà thuốc Phùng Hưng Hãng không rải tiền nhưng anh lại được nhận phiếu quà. "Như vậy cũng hay" - anh An nói.

Tương tự, gia đình bà Trần Ánh Hồng (SN 1955; ngụ đường Lãnh Binh Thăng, quận 11) quyết định không đốt vàng mã, không rải tiền, không cúng gà, vịt linh đình như mọi năm.

"Chúng tôi quyết định dùng số tiền 50 triệu đồng tương đương số tiền phải bỏ ra cúng cô hồn để đi thăm một viện dưỡng lão. Chúng tôi mua dầu gió, tã, sữa để tặng các cụ già. Việc rải tiền không còn thích hợp trong thời buổi văn minh mà có thể phát sinh chuyện đánh nhau trong lúc tranh giành" - bà Hồng chia sẻ.

Nhà thuốc Phùng Hưng Hãng (quận 5, TP HCM) tặng hơn 1.000 phần quà cho người dânẢnh: Phạm Dũng

Nhà thuốc Phùng Hưng Hãng (quận 5, TP HCM) tặng hơn 1.000 phần quà cho người dânẢnh: Phạm Dũng

Cần nói không với rải tiền, đốt vàng mã

Năm nào vào lễ Vu lan hoặc ngày giỗ cha mẹ, bà Trần Ngọc Linh (SN 1960; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cũng đốt một ít vàng mã. "Tôi không đồng tình việc đốt quá nhiều nhưng đốt lấy lệ, tượng trưng để tưởng nhớ cha mẹ, ông bà mình là điều nên làm" - bà Linh nói.

Thượng tọa Thích Duy Trấn - trụ trì chùa Liên Hoa, quận 11 - cho biết hơn 26 năm không đốt vàng mã, chùa Liên Hoa đã thực hiện, đóng góp hơn 35 tỉ đồng cho công tác từ thiện và an sinh xã hội. "Theo tôi, đã đến lúc chúng ta nên mạnh dạn nhìn lại bản chất của tập tục này và nói không với đốt vàng mã. Chỉ cần chúng ta hiểu đúng rằng việc làm đó là không có giá trị thì sẽ không còn sợ hãi, không còn sợ mình bất hiếu… Chúng ta nên có cách làm khác tốt đẹp hơn. Thay vì chúng ta đốt vàng mã, rải tiền cúng cô hồn thì dùng tiền đó làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, như mua sách vở, quần áo, trao học bổng khuyến học" - Thượng tọa Thích Duy Trấn phân tích.

Theo Thượng tọa Thích Duy Trấn, để hồi hướng cho người thân, cha mẹ có rất nhiều cách. Nếu cha mẹ thích làm từ thiện thì mình có thể đi đến các cô nhi viện, trung tâm dưỡng lão giúp đỡ những người kém may mắn. "Khi làm việc thiện đó, chúng ta cũng cần tuyên bố trước những người đón nhận tặng phẩm và mong họ dành năng lượng tốt lành cho người đã khuất. Do vậy, cần làm cho di sản tinh thần của cha mẹ còn mãi trong cuộc sống; phải sớm vượt qua và tưởng nhớ cha mẹ bằng việc làm có ích" - Thượng tọa Thích Duy Trấn nói thêm.

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, nhìn nhận việc cúng cô hồn truyền từ đời này sang đời khác, người trẻ nối tiếp người già. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng trong những năm qua, việc cúng cô hồn, "giật" cô hồn có xu hướng biến tướng, gây mất an ninh trật tự. Việc rải tiền khi cúng cô hồn gây lộn xộn, tranh giành và đánh nhau. Thực tế, có những vụ án hình sự đã xảy ra từ việc giành giật tiền bạc, đồ cúng. Thiết nghĩ, người dân nên hạn chế cúng nhiều hiện vật, rải tiền mà dành tiền đó đi làm công tác từ thiện sẽ ý nghĩa hơn nhiều. Bên cạnh đó, việc đốt vàng mã dưới lòng lề đường có thể gây cháy nổ, hủy hoại tài sản, xe cộ của người đi đường và sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Chủ nhà bị nhóm giật cô hồn chém

Ngày 31-8-2023, chủ cửa hàng sơn gần chung cư Cây Mai, quận 11, TP HCM tổ chức cúng cô hồn trước nhà. Lúc này, có 5 thanh niên đi trên nhiều xe máy đứng đợi. Trong lúc chờ giật đồ cúng, nhóm thanh niên xảy ra mâu thuẫn với tài xế xe ba gác đậu trên vỉa hè. Hai bên lời qua tiếng lại, suýt hỗn chiến nhưng được can ngăn. Nhóm thanh niên bỏ đi nhưng sau đó quay lại dùng hung khí tấn công khiến chủ nhà, tài xế xe ba gác cùng một người khác bị thương rồi bỏ đi. Các nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

PHẠM DŨNG - ÁI MY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/huong-den-viec-thien-19624081920520935.htm