Hướng đi nào để cà phê Đắk Lắk không chỉ là xuất thô?
Ngành hàng cà phê Đắk Lắk giữ vị trí quan trọng trong ngành hàng cà phê cả nước. Cà phê của tỉnh đã xuất đi hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm. Song phần lớn vẫn xuất khẩu thô nên tên tuổi, vị thế loại nông sản xuất khẩu đứng hàng 'top' này của tỉnh vẫn chưa thể định danh trên trường quốc tế ở phân khúc cà phê có giá trị cao. Trước thực tế này buộc Đắk Lắk phải nhìn nhận lại và có những thay đổi trong quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến và xây dựng thương hiệu.
Trong quá trình sản xuất, để đạt sản phẩm cà phê chất lượng, cùng với quá trình chăm sóc thì khâu thu hoạch, sơ chế cà phê đóng vai trò rất quan trọng. Việc thu hái có chọn lọc giúp nâng cao chất lượng, giá trị cho hạt cà phê.
Tuy vậy, để thay đổi thói quen cho người dân nhận thức được giá trị, lợi ích của việc thu hái chín có chọn lọc thay vì hái xô, "cào bằng" như trước đây vẫn còn nhiều vướng mắc.
Không khó nhưng tốn công
Trước đây, trên diện tích 2 ha cà phê của gia đình, ông Nguyễn Cao Cương (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) thường thu hoạch một đợt trong một mùa vụ. Khi cà phê trên cây chín khoảng 70% là gia đình bắt đầu tiến hành thu hái tập trung rồi về phơi nên tỷ lệ quả xanh khá nhiều.
Theo ông Cương, trung bình 1 ha cà phê của gia đình cần khoảng 50 công thu hái. Gia đình ông có 2 ha cà phê nhưng lại ở ba nơi khác nhau, trong đó có hơn 3 sào cà phê trên đất dốc. Bởi vậy, việc thu hái chọn lọc quả chín khá khó và tốn rất nhiều công.
“Theo lý thuyết, hái cà phê đúng cách là hái chọn từng quả trên cành, không được tuốt cành, không bứt cả chùm trái lẫn lá và cành cây nhỏ; không làm ảnh hưởng đến các quả xanh trên cành... Nhưng trên thực tế, vườn cà phê và ngay cả trên một cây cũng thường không chín đồng đều. Nếu hái đúng chuẩn sẽ rất lâu và mất thời gian, phải chia làm nhiều đợt thu hoạch, đồng nghĩa với chi phí sẽ tăng lên.
Hơn nữa, vào mùa thu hoạch cần thuê thêm nhân công thu hái, đa phần người dân vẫn quen lối thu hoạch theo kiểu truyền thống, chưa kể nhiều người không biết hái sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng cây cà phê vào mùa vụ sau”, ông Cương chia sẻ.
Tương tự, hộ ông Thái Giang Hoan (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) cho hay, thu hái quả chín chọn lọc không hẳn là khó nhưng khá mất thời gian, công sức. Xưa nay, trừ những hộ có liên kết với doanh nghiệp thì đa phần người dân trồng cà phê quen thu hoạch đại trà để bán nhân xô, chưa có thói quen hái chọn lọc quả chín.
Việc thu hái “cào bằng” trước hết là do tâm lý đám đông, thấy xung quanh mọi người hái nên cũng hái theo; hơn nữa giá công nhật mùa vụ khá cao, dao động từ 180 - 200 nghìn đồng/người/ngày, nếu hái chọn lọc quả chín sẽ phải chia làm nhiều đợt thì cần rất nhiều công lao động dẫn đến chi phí cao. Bên cạnh đó, tình trạng mất trộm cà phê khi bước vào mùa vụ dẫn đến tâm lý lo âu, mong muốn thu hoạch sớm để bảo toàn sản lượng, đặc biệt là đối với những hộ có diện tích cà phê lớn, xa nơi ở.
Tại huyện Krông Búk, nơi có diện tích cà phê lớn của tỉnh, các hộ nông dân cũng cho hay, việc thu hái quả chín thì không khó, chỉ khó ở khâu nhân công và tâm lý lo lắng sợ bị mất cắp khi kéo dài thời gian thu hoạch.
Ông Hoàng Đoàn (xã Cư Kpô) chia sẻ, gia đình có 2 ha, nếu hái đồng loạt khi cà phê bắt đầu chín tới thì chỉ trong vòng một tháng là xong. Tuy nhiên, để hái chọn trái chín với tỷ lệ quả chín trên 90% thì gia đình phải mất 3 tháng mới thu hoạch xong diện tích nói trên.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, để nâng cao chất lượng cà phê ở khâu thu hoạch, hằng năm vào trước thời điểm thu hái cà phê, UBND tỉnh luôn có văn bản yêu cầu các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn người dân thu hái khi quả chín trên 85%, trường hợp tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín tối thiểu đạt 80%. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ và thấy được giá trị, lợi ích của việc thu hái chọn lọc...
Thu mua giá cao để khuyến khích nông dân
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng có những cơ sở, doanh nghiệp tổ chức thu mua cà phê chín hoàn toàn, có chọn lựa với giá cao. Theo anh Nguyễn Đình Vạn (thôn Kty 5, xã Cư Kpô, huyện Krông Búk) hiện đang kinh doanh quán cà phê và sản xuất cà phê bột nguyên chất, để tạo ra được sản phẩm cà phê chất lượng phải cẩn trọng từ khâu thu hoạch đến khâu chế biến. Chính vì vậy, đối với 1 ha cà phê của gia đình, mỗi mùa anh tổ chức thu hái từ 3 - 4 đợt, thu hái quả chín 100%.
Đồng thời anh liên kết với 5 hộ dân trong khu vực, thu mua cà phê chín từ 97% trở lên với giá cao hơn thị trường từ 3.000 - 4.000 đồng/kg cà phê tươi. Nhờ vậy, các hộ có động lực để cẩn trọng trong khâu thu hoạch có chọn lọc, góp phần thay đổi thói quen thu hoạch cà phê cho người dân để nâng cao giá trị hạt cà phê.
Còn đối với hộ ông Nguyễn Cao Cương (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar), sau nhiều năm nhận thấy khi thu hoạch nếu tỷ lệ quả xanh cao khiến sản lượng bị hao hụt khá nhiều nên gia đình ông cũng cẩn trọng hơn trong khâu thu hoạch, cố gắng thu hái cà phê làm hai đợt với tỷ lệ quả chín trên 80%.
Vài năm trở lại đây, có nhiều doanh nghiệp, đại lý tổ chức thu mua cà phê chín có chọn lựa với giá cao hơn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg tươi, do đó ông Cương cùng các hộ dân trong vùng khi vào gần cuối mùa, sẽ lựa cây cà phê có tỷ lệ quả chín cao để hái sau đó tiến hành phân loại và đem bán tươi trực tiếp.
Tuy vậy số lượng cũng chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng cà phê của gia đình. Ông Cương mong rằng, sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia mua quả chín với giá cao để khuyến khích nông dân thay đổi thói quen thu hoạch quả xanh như trước đây.
Tại huyện Krông Năng, nhiều hộ dân cũng đã thay đổi phương pháp thu hái, từ việc hái xô chuyển sang hái lựa quả chín với tỷ lệ chín từ 90 – 100% để bán với giá cao hơn. Đơn cử như gia đình bà Trần Thị Thảo (thôn Tân Bằng, xã Ea Toh) có 1,6 ha cà phê, cho sản lượng 5 tấn nhân.
Bà Thảo chia sẻ, tuy tốn nhiều nhân công, thời gian hơn, nhưng trái chín có trọng lượng và chất lượng cao, do vậy, năng suất cà phê của gia đình cũng tăng thêm 3 tạ tươi/ha, giá bán tươi cao hơn thị trường từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, giúp gia đình có thu nhập ổn định từ cây cà phê.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào khâu thu hoạch để nâng giá trị quả cà phê chín đã giúp nông dân rất nhiều trong việc thay đổi tư duy và phương pháp sản xuất. Đây là nền tảng quan trọng để từng bước nâng cao chất lượng cà phê nhân.
Tuy nhiên, số lượng các đơn vị này vẫn còn rất khiêm tốn, sản lượng làm ra chưa nhiều. Do đó, các địa phương trồng cà phê cần tăng cường kết nối các doanh nghiệp thu mua cà phê quả chín với nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao.
Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh trên 209.000 ha, sản lượng ước đạt trên 550.000 tấn. Đến cuối tháng 11/2021, cà phê Đắk Lắk mới bắt đầu thu chính vụ nên hiện các hộ dân chủ yếu hái chọn quả chín trước.