Hướng đi nào giúp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất phân bón?
Nhiều đề xuất về giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất phân bón được đưa ra tại hội thảo 'Ngành phân bón với biến đổi khí hậu và nông nghiệp xanh'.
Sản xuất phân bón hướng tới giảm phát thải khí nhà kính
Hội thảo “Ngành phân bón với biến đổi khí hậu và nông nghiệp xanh” do Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức diễn ra ngày 23/6 tại Cà Mau.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, đối với ngành nông nghiệp, sản lượng nông nghiệp toàn cầu sẽ giảm 50% nếu không sử dụng phân bón. Tuy nhiên, khoảng 2,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến phân bón.
Vì vậy, để giảm phát thải trong khâu sản xuất, hiện các nhà sản xuất phân bón đã thực hiện nhiều biện pháp giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong sản xuất và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Theo đó, tiêu thụ năng lượng của các nhà máy sản xuất ammonia đã giảm hơn 15% trong thập kỷ qua. Một số công ty phân bón đã bước đầu thực hiện các phương pháp sản xuất phân bón xanh hơn, bao gồm cung cấp năng lượng cho quy trình sản xuất ammonia (quy trình Haber-Bosch) bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Một giải pháp khác chính là phát triển các dạng phân bón đặc biệt như phân bón phân giải, tan chậm, kiểm soát phân giải sẽ giúp tăng sự hấp thu phân bón của cây trồng, đồng thời giảm tác hại đến môi trường.
Cùng với sản xuất, việc sử dụng phân bón đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng lúc và đúng cách cũng là giải pháp giúp giảm khí phát thải hiệu quả. Bên cạnh đó, việc thay thế phân bón tổng hợp bằng phân chuồng, phân trộn hoặc phân hủy có khả năng giảm lượng khí thải từ 10- 20% hoặc cao hơn. Ngoài ra, việc sử dụng phương pháp kiểu lượng tối thiểu (microdosing) cũng góp phần giảm lượng phân bón sử dụng, giảm khí phát thải nhà kính.
Tiến sĩ Phùng Hà cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết sẽ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Vì vậy, việc chuyển đổi mạnh mẽ nhận thức trong sản xuất phân bón và sử dụng phân bón sẽ góp phần giúp giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới một nền nông nghiệp xanh hơn.
Doanh nghiệp phân bón nỗ lực hướng tới kinh tế tuần hoàn
Ông Lê Hoàng Kiệt - đại diện Công ty Cổ Phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, PVCFC ưu tiên đầu tư phát triển theo xu thế sản xuất xanh bền vững, giảm lượng sử dụng phân bón hóa học trên đồng ruộng đạt mục tiêu giảm bớt lượng khí phát thải nhà kính ra môi trường. Cụ thể, PVCFC đang nghiên cứu các công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong đó tập trung tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các nguồn nguyên liệu đầu vào của Nhà máy phân đạm, góp phần ứng dụng công nghệ xanh vào dây chuyền sản xuất hiện hữu của Nhà máy.
Bên cạnh đó, PVCFC đang nghiên cứu tìm hiểu các công nghệ sản xuất và nghiên cứu khả thi các dự án sản xuất khí công nghiệp (Nitơ, Argon, Hydro xanh) và CO2 thực phẩm. Đối với phát triển sản phẩm phân bón, PVCFC đã phát triển bộ giải pháp dinh dưỡng tổng hợp với công nghệ Bio-Coating, công nghệ phức hợp Humate, công nghệ sinh học và công nghệ cao, công nghệ phân bón nhả chậm (CRF và SRF), công nghệ BioMix…để để phát triển các dòng phân bón mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng và khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây trông, đồng thời giúp giảm khí thải nhà kính. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ Bio-Coating đã giúp PVCFC tạo ra các dòng sản phẩm đạm tiết kiệm (N.46 Plus), đạm kích kháng (N46. True), đạm sinh học (N.46 Rich), đạm vi sinh (Urea BiO) c giúp giảm lượng phân đạm ure bón từ 15-20%, phù hợp với các chương trình giảm khí phát thải nhà kính nói chung và tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Ngoài ra, PVCFC cũng xây dựng bản đồ dinh dưỡng đất theo vùng sinh thái tích hợp với cơ sở dữ liệu hệ thống theo thời gian thực số hóa cơ sở dữ liệu đất và nhu cầu dinh dưỡng cây trồng để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và giảm phát thải khí nhà kính.
Tại hội thảo, đại diện Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng cho biết, để giảm phát thải khí nhà kính, Supe Lâm Thao đã nghiên cứu, thử nghiệm, khảo nghiệm, xin cấp phép danh mục phân bón được lưu hành tại Việt Nam.
3 năm trở lại đây, Supe Lâm Thao cũng đã nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm phân bón mới có chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và phát triển theo xu hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường như phân bón hữu cơ khoáng, phân hữu cơ khoáng vi sinh, phân bón vô cơ bổ sung vi sinh. Công ty cũng đã nghiên cứu, áp dụng dùng khí nóng lò đốt bằng nhiên liệu sinh khối thay thế lò đốt dầu FO để sấy phân bón NPK và lò đốt than sấy phụ gia giúp giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu phát thải khí có chứa CO2 và giảm khoảng 3.500 tấn dầu FO/năm.
Supe Lâm Thao đã tận dụng hơi nước và nhiệt thừa từ các dây chuyền sản xuất axít sunfuric để chạy tua bin phát điện, với sản lượng hơi tận dụng được phát điện với công suất trung bình 2 MWh, giảm tiêu thụ điện năng từ lưới điện quốc gia, góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã áp dụng công nghệ sử dụng 100% quặng apatit tuyển ẩm không sấy, giúp tiết kiệm khoảng 7.000 tấn than cám 5, giảm định mức điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do đốt than, giảm lượng phát thải khí ra môi trường; thực hiện xử lý tuần hoàn 100% nước thải sinh hoạt và sản xuất đạt yêu cầu; thu gom triệt để chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại nhằm giảm phát thải khí nhà kính phát sinh.
Doanh nghiệp phân bón cần cam kết về thực hiện phát thải ròng bằng không
Nguyễn Văn Bộ - chuyên gia nông nghiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra đề xuất kiến nghị trong thời gian tới
Thứ nhất, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước thông qua Hiệp hội phải có một kiến nghị với Chính phủ về vấn đề đồng hành để thực hiện cam kết về thực hiện phát thải ròng bằng không. Muốn làm được thì phải có cam kết tái đầu tư lại, cấu trúc lại quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị. Doanh nghiệp phải cam kết lộ trình đổi mới thiết bị và công nghệ thì Chính phủ sẽ cam kết hỗ trợ, tùy theo tỷ lệ khác nhau mà doanh nghiệp đề nghị. Ông Bộ cho rằng các doanh nghiệp sản xuất phân bón muốn làm được điều này thì phải đổi mới công nghệ, bắt buộc phải có đầu tư.
Thứ hai là phải tăng cường sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Hiện nay nền nông nghiệp của nước ta còn còn tốn kém, lãng phí rất nhiều. Trong thời gian tới, cần phải khai thác phát triển nông nghiệp một cách tối đa theo hướng tuần hoàn các chất hữu cơ và dinh dưỡng từ phụ phẩm, trong đó có phụ phẩm chăn nuôi và trồng trọt.
Cũng mới đây nhất, ngày 19/6, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có Công văn số 12CV-HHPBVN gửi Văn phòng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc kiến nghị, đề xuất cải cách quy định kinh doanh. Trong đó, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn về Luật về thuế số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) về thuế VAT đầu vào cho phân bón.
TS. Phùng Hà đưa ra con số ước tính: với quy mô ngành phân bón trên 100.000 tỷ đồng hàng năm và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5%. Theo một tính toán thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu khoảng 3.000 tỷ đồng/năm. Khi không được khấu trừ thuế, các đơn vị sẽ suy giảm khả năng cạnh tranh, thị phần phân bón trong nước sẽ giảm.
TS. Phùng Hà cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý.
Việc sửa Luật thuế 71 đưa phân bón trở thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng sẽ mang lại bốn mục đích rất tích cực cho ngành phân bón. Thứ nhất, Nhà nước không bị thất thu thuế với mặt hàng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam như hiện nay. Thứ hai, tạo sân chơi công bằng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu. Thứ ba, việc áp thuế GTGT đồng thời tạo sự bình đẳng, lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp phân bón trong nước khi tham gia đấu thầu quốc tế. Điều này cũng sẽ giúp cho đông đảo bà con nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác. Đặc biệt, khi được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cũng sẽ có thêm kinh phí để tái đầu tư, đầu tư vào công nghệ mới, tiên tiến, các dự án sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới. Từ đó giúp giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai.