Hướng đồng bào miền núi đến với sản xuất hàng hóa (kỳ 1)
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhiều sản phẩm của vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng được thương hiệu, mở đường vào các hệ thống phân phối uy tín, tạo thu nhập ổn định cho các hộ gia đình. Đồng bào miền núi bước đầu làm quen với sản xuất hàng hóa, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm bền vững, góp phần thực hiện đúng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Kỳ 1: Vượt lên tư duy sản xuất tự túc, tự cấp
Từ sản phẩm tiêu dùng hàng ngày mang đặc trưng của địa phương, nhiều người dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã tìm cách để chúng trở thành sản phẩm hàng hóa, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Khi đồng bào biết tạo ra sản phẩm hàng hóa
Chị La Lan Thị Lẽ, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), là người làm ra sản phẩm chè dung sấy khô bán ra thị trường. Chị Lẽ cho biết: Chè dung là loại thảo dược thiên nhiên ở vùng núi La Hiên. Lâu nay, bà con vẫn hái uống hàng ngày. Qua sử dụng, tôi thấy loại lá này dễ uống và tốt cho sức khỏe, đặc biệt sau khi thấy nhiều người ở nơi khác có nhu cầu sử dụng chè dung, tôi bắt đầu phơi khô để bán. “Lá chè dung sau khi hái về, đem phơi ngoài nắng tầm nửa ngày, nếu để trong nhà cho lá khô tự nhiên thì khoảng 2-3 ngày. Khi lá chè đã khô, tôi chọn những lá nguyên, già, đóng bì nhựa kín rồi đem bán với giá 25.000 đồng/bì (250g). Đến nay, tôi đã bán chè dung được hơn một năm”, chị Lẽ thông tin thêm.
Không chỉ có lá chè dung, chị La Lan Thị Lẽ còn thu gom nấm linh chi rừng được người dân trong xã hái trên rừng về, rồi phơi khô, bán theo ký hoặc ngâm cùng với rượu, mật ong để bán. Chị cho biết, nấm linh chi rừng có từ tháng 8 âm lịch cho đến tết Nguyên đán, vì là nấm tự nhiên nên khá hiếm, phải gom rất lâu. Hiện bên cạnh việc giới thiệu các sản phẩm làm từ nấm linh chi rừng, chè dung đến người tiêu dùng qua các hội chợ trưng bày sản phẩm do Sở Công Thương, Hội LHPN tỉnh tổ chức, chị La Lan Thị Lẽ bắt đầu làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu để có cơ hội quảng bá, cung cấp sản phẩm rộng rãi hơn.
Ngoài chị Lẽ, nhiều người dân vùng đồng bào DTTS huyện Đồng Xuân cũng nỗ lực nâng chất lượng sản phẩm để đưa ra thị trường. Trong số đó phải kể đến các sản phẩm dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh). Bằng cách sử dụng nguyên liệu sợi của địa phương, trải qua nhiều công đoạn thủ công, hơn 20 chị em của Tổ dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại đã dệt vải và tạo nên những bộ trang phục mang bản sắc đồng bào dân tộc Ba Na. Bà Lù Minh Uyển, phụ trách HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Lãnh, người trực tiếp quản lý tổ dệt cho hay: Không chỉ quần áo, thông qua việc tham gia các lớp tập huấn, mới đây chị em trong tổ đã có thể may được các loại túi, ví, khăn choàng… Các sản phẩm này đã được trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ trên địa bàn. Chúng tôi đang cố gắng liên kết, tìm cơ hội để phân phối, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Ngãi (thôn Lãnh Vân, xã Xuân lãnh, huyện Đồng Xuân) có kinh tế ổn định từ kinh doanh gạo lúa đỏ. Ông chia sẻ: Gạo lúa đỏ được đồng bào canh tác theo kiểu truyền thống, hầu như không phun thuốc. Khi nhận thấy nhiều người có nhu cầu sử dụng gạo lúa đỏ, tôi gom lúa của các hộ đồng bào về bảo quản, xay bán quanh năm, kiếm lời. Nếu tính số lượng bán trong xã thì bình quân mỗi tháng tôi cũng bán được hơn 400kg gạo.
Từ giống thơm nhỏ trái, ngọt thanh trồng ở vùng đất ba xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, chị Ngô Thị Mười đã tỉ mẩn làm ra sản phẩm mắm thơm Út Mười nổi tiếng, bán ra thị trường và được nhiều người tin tưởng sử dụng. Chị Mười cho biết: Mới đầu tôi mua thơm của người dân trong huyện, sau này tự trồng thêm để chủ động nguyên liệu. Mỗi tháng tôi lãi 5-6 triệu đồng từ việc bán mắm thơm.
Tại xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), sau khi được cán bộ xã tuyên truyền về chủ trương phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, hướng dẫn cách trồng trọt…, Ma Đuông ở buôn Chung đã trồng sầu riêng trên 1ha đất. Năm nay, vườn sầu riêng của Ma Đuông kết trái, có triển vọng mang lại thu nhập cho gia đình. Ma Đuông phấn khởi: Lúc mới trồng, tôi hơi lo lắng nhưng khi thấy cây phát triển tươi tốt, gia đình đều vui và hy vọng cây cho thu nhập ổn định.
Giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất
Theo ông Lơ Mô Tu, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sông Hinh, huyện có gần 50% dân số là người đồng bào DTTS. 3 năm qua, tỉ lệ hộ nghèo ở Sông Hinh giảm bình quân 2,3% mỗi năm, thu nhập đầu người tăng lên 43 triệu đồng, gấp 3 lần so với năm 2013. Những năm qua, huyện tập trung đầu tư nhiều cho vùng DTTS và miền núi. Không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi… phục vụ đời sống người dân, huyện còn đặc biệt quan tâm, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, làm kinh tế, tạo sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu riêng cho Sông Hinh.
“Điều vui mừng là người dân trên địa bàn huyện, trong đó đa phần là đồng bào DTTS đã chăm chỉ làm ăn nên kinh tế gia đình dần ổn định, nhiều hộ khá giả. Ngoài việc đẩy nhanh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện đã chỉ đạo UBND các xã, chi bộ trực thuộc quán triệt chủ trương, định hướng của huyện trong cán bộ, đảng viên, cùng nhau giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình”, Bí thư Huyện ủy Lơ Mô Tu cho biết.
Theo bà Lê Thị Thanh Bích, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, qua 3 năm thực hiện (2021-2023), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, hội đoàn thể triển khai quyết liệt, đã thúc đẩy nhanh, bền vững hơn về mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời tác động tích cực đến đối tượng thụ hưởng, nhất là vùng đồng bào DTTS, người nghèo. Trong năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 3,66%; đến cuối năm 2022 còn 5.092 hộ nghèo, chiếm 17,59%.
Kỳ 2: Tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững