Hưởng lợi đáng kể từ nỗ lực phi USD hóa của Nga, Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ biến NDT thành tiền tệ quốc tế

Theo SWIFT, thị phần của đồng NDT trên thị trường tài chính thương mại toàn cầu đã tăng lên 3,91% trong tháng 12 từ mức 2,05% hai năm trước đó.

Trung Quốc đã thực hiện các bước đi để thúc đẩy đồng nội tệ của mình ở nước ngoài và trao quyền cho các hệ thống thanh toán và thanh toán dự phòng trong năm qua, khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine làm thay đổi đáng kể bối cảnh địa chính trị và cả tư duy chiến lược của Bắc Kinh đối với các chế độ tài chính quốc tế.

Quyền lực bá chủ của đồng USD là mục tiêu chỉ trích thường xuyên của chính phủ Trung Quốc trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên đẩy quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên và những nỗ lực tách rời công nghệ đang diễn ra của chính quyền ông Biden làm dấy lên lo ngại về một cuộc đụng độ toàn diện.

Đồng NDT đã được hưởng lợi đáng kể từ những nỗ lực phi USD hóa của Nga, với sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng NDT trong tài chính thương mại toàn cầu và giao dịch ngoại hối. (Nguồn: SCMP)

Đồng NDT đã được hưởng lợi đáng kể từ những nỗ lực phi USD hóa của Nga, với sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng NDT trong tài chính thương mại toàn cầu và giao dịch ngoại hối. (Nguồn: SCMP)

"Gần gũi" với Nga, Trung Quốc có thể vào tầm ngắm

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây như đóng băng dự trữ của ngân hàng trung ương, loại các ngân hàng lớn ra khỏi dịch vụ nhắn tin tài chính và giao dịch quốc tế (SWIFT) hay áp đặt giá trần đối với xuất khẩu dầu thô… đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Nga.

Trong một báo cáo nghiên cứu định lượng được công bố trên tạp chí Economics Letters vào tháng 11/2022, Du Xiayi và Wang Zi, hai nhà nghiên cứu của Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, cho biết, các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây có thể khiến thu nhập thực tế ở Nga giảm 11,98%.

GDP của Moscow, tương đương quy mô của tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, đã giảm 22,3% kể từ khi phương Tây trừng phạt nền kinh tế Nga do nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014. Năm ngoái, GDP đã giảm tiếp 2,1%, so với dự báo trước xung đột của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về mức tăng 2,7%.

Randall Germain, Giáo sư Kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Carleton ở Ottawa (Canada) nhận định: “Các lệnh trừng phạt không gây hậu quả trực tiếp như nhiều người hình dung, nhưng tổn thất là rất lớn. Liên minh ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Nga là lớn, rộng khắp và mạnh mẽ”.

Từ đó, dư luận ngày càng lo ngại rằng kinh tế Trung Quốc cũng có thể gặp khó khăn nếu quá “gần gũi về mặt ngoại giao” với Nga.

Zhang Monan, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Mỹ và châu Âu tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc (CCIEE) có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Việc 'vũ khí hóa' đồng USD đã làm tổn hại nhiều nhất đến uy tín của đồng tiền này, khiến nó trở thành tài sản có độ rủi ro ngày càng cao.

Ngoài ra, sự không chắc chắn của các biện pháp trừng phạt tài chính thứ cấp cũng buộc nhiều quốc gia phải suy nghĩ về cách tránh những dạng thức rủi ro như vậy”.

Nhiều chuyên gia, cố vấn về chính sách, trong đó có chuyên gia Yu Yongding của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã công khai bày tỏ lo lắng về sự an toàn của “khối tài sản khổng lồ ở nước ngoài” mà Bắc Kinh đang sở hữu.

Ding Yifan, một thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước cho biết, việc "vũ khí hóa" đồng USD cũng vi phạm các quy tắc quốc tế.

“Sẽ ra sao nếu Trung Quốc cũng bị nhắm đến như một đối thủ?”, ông Ding đặt vấn đề, đồng thời đề xuất, các nhà chức trách cần tăng cường khả năng đáp trả, đơn cử việc xem xét các lựa chọn như bán phá giá các khoản nợ mà Mỹ đang nắm giữ.

Mặc dù cho đến nay, chưa có biện pháp trừng phạt thứ cấp nào đối với Trung Quốc được tiết lộ, nhưng các quan chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo về “cái giá phải trả” nếu Bắc Kinh được phát hiện giúp đỡ Moscow né tránh các lệnh trừng phạt.

Hiện tại, Trung Quốc đang phụ thuộc khá nhiều vào năng lượng của Nga. Quốc gia châu Á đã mua 86,2 triệu tấn dầu thô trong năm ngoái, tương đương 17% tổng lượng dầu thô nhập khẩu, giúp nâng giá trị thương mại song phương lên mức cao kỷ lục 190,2 tỷ USD vào năm 2022.

Đồng NDT đã được hưởng lợi đáng kể từ những nỗ lực phi USD hóa của Nga, với sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng NDT trong tài chính thương mại toàn cầu và giao dịch ngoại hối.

Bộ Tài chính Nga năm ngoái tuyên bố đã tăng gấp đôi giới hạn tài sản bằng đồng NDT trong Quỹ tài sản quốc gia trị giá 148 tỷ USD lên 60%. Và vào tháng 9, những gã khổng lồ năng lượng của cả hai nước đã đồng ý thanh toán một nửa giao dịch của họ bằng đồng NDT và phần còn lại bằng đồng Ruble.

Theo SWIFT, thị phần của đồng NDT trên thị trường tài chính thương mại toàn cầu đã tăng lên 3,91% trong tháng 12 từ mức 2,05% hai năm trước đó.

Tỷ trọng của đồng tiền này trong rổ tiền tệ có quyền rút vốn đặc biệt của IMF cũng tăng 1,36 điểm phần trăm lên 12,28%, trong khi dự trữ NDT do các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nắm giữ tăng lên 2,76% vào cuối tháng 9/2022, tăng từ mức 2,66% một năm trước đó, theo dữ liệu từ tổ chức tài chính quốc tế.

NDT khó thay thế USD

Tuy nhiên, đồng USD được cho là tiếp tục thống trị các giao dịch tài chính quốc tế khi chiếm 41,89% thanh toán toàn cầu, 88% giao dịch ngoại hối toàn cầu, 41,73% giỏ quyền rút vốn đặc biệt của IMF và 59,79% ngoại hối toàn cầu dự trữ.

Trong khi đó, khoảng 35 trong số 49 mặt hàng xuất khẩu chính được định giá bằng đồng USD, tiếp theo là 12 mặt hàng bằng đồng Euro, cho thấy hầu hết giao dịch được thanh toán bằng USD hoặc Euro chứ không phải NDT.

“Có một chút dư địa để NDT phát triển như một loại tiền tệ quốc tế, nhưng sức ảnh hưởng của nó chỉ ở tầm khu vực, mà ở đây chủ yếu là ở châu Á”, ông Germain nói.

Theo chuyên gia này, quá trình tự do hóa tài khoản vốn chậm lại và khả năng chuyển đổi của đồng NDT, cũng hạn chế đáng kể triển vọng tăng trưởng của đồng tiền này.

“Để thuyết phục phần còn lại của thế giới sử dụng NDT, về cơ bản, Trung Quốc sẽ phải mất chi phí lớn. Điều này thực sự tốn kém”, ông Germain nói thêm.

Theo các báo cáo của chính phủ, Bắc Kinh không đưa ra thời gian biểu cụ thể cũng như lộ trình quốc tế hóa đồng NDT, nhưng đang hướng tới mục tiêu “mở rộng có trật tự”.

Trong một thông tư chung được công bố vào đầu tháng Một, các nhà chức trách đã khuyến khích các công ty đủ điều kiện đăng ký các khoản vay bằng NDT cho các dự án ở nước ngoài của họ, trong khi các doanh nghiệp nhà nước được yêu cầu sử dụng đồng tiền Trung Quốc trong các giao dịch kinh doanh với các công ty con ở nước ngoài và mở rộng việc sử dụng đồng NDT trong các hoạt động kinh doanh.

Bà Zhang Monan cho biết, việc sử dụng đồng NDT ở nước ngoài chủ yếu phục vụ nhu cầu phát triển trong nước, đồng thời lưu ý rằng Trung Quốc vẫn còn có ít đại diện trong hệ thống tài chính quốc tế. Tỷ trọng của đồng NDT trong các khoản thanh toán, dự trữ và giao dịch ngoại hối toàn cầu đều thấp hơn tỷ trọng GDP khoảng 18%.

“Vấn đề không phải là liệu đồng NDT có thể thách thức đồng USD hay không, mà là quyền bá chủ của đồng USD có thể kéo dài bao lâu?”, chuyên gia này nêu vấn đề.

(theo SCMP)

Ngọc Diệp

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/huong-loi-dang-ke-tu-no-luc-phi-usd-hoa-cua-nga-trung-quoc-day-nhanh-toc-do-bien-ndt-thanh-tien-te-quoc-te-217982.html