Hương lúa lên đòng
Ở làng quê, dù là Bắc, Trung hay Nam, nói đến mùi hương của lúa có lẽ không ai không biết, nhất là hương lúa lên đòng. Đặc biệt, vào độ Giêng - Hai, nghĩa là vào vụ đông - xuân, giữa tiết trời ấm áp, khi muôn cây xanh lá, muôn hoa đua nở, mùi hương lúa lên đòng dường như nhiều hơn, đậm hơn. Không chỉ xuất hiện trên đồng, trên ruộng, mùi hương ấy còn theo gió nhè nhẹ lan rộng vào cả xóm, cả làng.
Có được cánh đồng lúa lên đòng, người nông dân phải trải qua nhiều vất vả, một nắng hai sương. Đầu tiên là chọn những hạt giống tốt để gieo thành mạ; tiếp đến, khi mạ lên xanh, người ta phải cày bừa ruộng thật kỹ càng, rồi nhổ mạ lên mang đi cấy. Những cây mạ non được cấy, chăm sóc, bón phân, không bao lâu đã lớn lên, trở nên cứng cáp và khi trưởng thành, trong từng thân cây lúa mượt mà dần dần hình thành những gié hạt non, rồi sau đó tất cả bung ra, trổ thành bông. Thời kỳ lúa chuẩn bị trổ bông, ở quê tôi người ta gọi là lúa lên đòng. Ngày xưa, gia đình tôi sống ở nông thôn, nên với tôi, những cánh đồng lúa vào độ lên đòng và mùi hương của nó dường như quá quen thuộc, đến nỗi sau này lớn lên, tôi về thành phố công tác, mọi thứ thỉnh thoảng lại hiện lên, cứ như mình đang ở quê nhà.
Thật khó miêu tả một cách tường tận, nhưng điều ta có thể cảm nhận được là hương lúa lên đòng không giống hương thơm của một loài hoa nào khác. Đó là mùi hương rất nhẹ, thoang thoảng nhưng thanh khiết, lan trong không gian, mênh mang, dìu dịu, trong đó dường như có lẫn cả mùi của nắng, của mưa, của gió trời và cả mùi của hương đồng, cỏ nội… Đối với người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm sống gần ruộng đồng, mùi lúa lên đòng không chỉ được cảm nhận bằng khứu giác mà nhiều khi còn bằng những cảm xúc tinh tế của tâm hồn qua nhiều giác quan, trong đó có niềm vui, niềm hy vọng về một ngày mùa no ấm mà đất trời đang mang đến.
Đối với những đứa trẻ gắn bó nơi làng quê, mỗi mùa lúa làm đòng là thêm một mùa ký ức được đong đầy, để rồi lớn lên, đi xa, tất cả hóa thành nỗi nhớ. Trong bức tranh thắm mùi hương ấy có cả cảnh nô đùa đuổi nhau bên những bờ ruộng gập ghềnh hay đi bắt những chú cá rô, cá tràu nhảy bờ khi nước ở ruộng đang lúc cạn, khô dần…
Tôi không còn nhớ tuổi thơ mình đã đi qua với bao tháng ngày như thế nơi quê nhà. Nhiều! Rất nhiều! Nhưng trong số những kỷ niệm vui, có một chuyện làm tôi bùi ngùi mỗi khi nhớ lại. Tôi có anh bạn tên Phú, người cùng làng. Hai năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chúng tôi tròn 18 tuổi và Phú đã lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Trước ngày tiễn bạn ra đi, chúng tôi ngồi chơi với nhau dưới gốc một cây gạo cổ thụ bên con mương nhỏ chạy băng qua giữa cánh đồng gần nhà. Đang độ Giêng, Hai, lúa vụ đông - xuân đang độ làm đòng. Thấy tôi lưu luyến, nắm tay tôi, Phú bảo: “Hẹn 3 năm, đúng dịp này, mình sẽ trở về!”.
Hẹn nhau, nhưng rồi sau đó, vào năm 1979, kẻ thù đã xua quân xâm lấn ở biên giới phía Bắc, bạn tôi đã vĩnh viễn nằm xuống trong một trận đánh nhau ác liệt!
Bao năm trôi đi, cánh đồng xưa nơi quê nhà của tôi vẫn vậy, mùa nối mùa, lúa lại lên xanh. Năm ngoái, sau Tết, tôi về thăm, đúng vào lúc cả cánh đồng của vụ đông - xuân đang độ lên đòng, tỏa hương mênh mang. Buổi trưa, nằm nghỉ tạm tại nhà người chú, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không rõ, và rồi, trong mơ tôi thấy Phú về, cùng tôi trò chuyện dưới gốc cây gạo cổ thụ. Giật mình, tôi lặng lẽ rời nhà chú, đi dạo về phía cánh đồng. Cả đồng lúa buổi trưa dường như xanh hơn dưới nắng của mùa xuân. Tôi nhìn về phía cây gạo nhưng chẳng thấy ai. Ở đó thật yên ắng, chỉ có một chú cò trắng đang chập chờn đôi cánh bay ngang…
Hoàng Nhật Tuyên
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202303/huong-lua-len-dong-8277018/