Hướng nghề phải đảm bảo đầu ra cho học sinh
Theo các chuyên gia, muốn học sinh có nhu cầu, sở thích hướng nghiệp thì cần giáo viên ở các trường, phải có nhận thức đầy đủ về công tác này.
Tiểu ban Giáo dục phổ thông (Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực) vừa tổ chức phiên họp Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh trong các cơ sở giáo dục trung học vào hôm nay (5/12).
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh có vai trò rất quan trọng. Công tác phải được làm tốt hơn, để không lãng phí nguồn nhân lực của đất nước.
Lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng, trong bối cảnh già hóa dân số có xu hướng tăng nhanh, thì công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Cần thực hiện căn cơ, bài bản, tổng thể phù hợp với bối cảnh, áp dụng được vào thực tiễn.
Báo cáo về công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết ở cấp THCS, tỉ lệ các trường tổ chức chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của địa phương đạt 68,52%, vượt chỉ tiêu đề ra là 55%.
Ở cấp THPT có 75,93% các trường thực hiện, vượt mức mục tiêu ban đầu 60%. Tỉ lệ trường có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cấp THCS đạt 74,07%, cấp THPT đạt 77,78%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Các hoạt động tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp đã được tổ chức rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh và xã hội về tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng theo Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, trong quá trình triển khai đề án, vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại liên quan đến thiếu sự đồng bộ giữa các vùng miền, hạn chế về tài liệu, công cụ hỗ trợ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thực hiện, kinh phí triển khai,...
Tại phiên họp, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, thời gian qua, công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh đã được thực hiện linh hoạt, lồng ghép chủ động trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Trong đó, hướng nghiệp được thực hiện thông qua giảng dạy các môn văn hóa, thông qua hoạt động trải nghiệm, tổ chức học tập thông qua các dự án học tập, cuộc thi khởi nghiệp, khoa học kỹ thuật, ngày hội STEM…
Phương pháp giáo dục hướng nghiệp được thực hiện theo hướng tạo môi trường học tập, thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân. Thực hiện phương châm giáo dục phân hóa, đảm bảo học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn đào tạo nhân lực chất lượng.
Trước những kết quả này, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền đề xuất cần cải tiến khung pháp lý về giáo dục phân luồng, xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh, cải tiến chương trình đào tạo sau trung học phổ thông. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp, theo dõi và đánh giá hiệu quả phân luồng học sinh trung học phổ thông. Cùng với đó cơ chế giám sát, đánh giá nâng cao hiệu quả chương trình.
Nhận định một trong những nguyên nhân chính khiến công tác phân luồng, định hướng phân luồng trong các nhà trường còn gặp khó khăn nằm ở chính sách và nguồn lực, TS.Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng, hiện còn nhiều hạn chế về đầu tư tài chính, con người và công cụ thực hiện.
Đội ngũ làm công tác hướng nghiệp phần lớn là nghiệp dư, thiếu kỹ năng chuyên sâu. Vì vậy, giải pháp cấp bách nhất là cần có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đưa ra những chính sách tài chính cụ thể, hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp và phân luồng thay vì chỉ phụ thuộc vào ngân sách địa phương.
Nêu vai trò của các chính sách vĩ mô về vấn đề này, GS. Nguyễn Văn Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cần phải thay đổi nhận thức của xã hội về việc học nghề.
"Chữ nghề đi cùng chữ nghiệp, nên phải chú trọng các chính sách về đầu ra cho các nghề nghiệp, đã được định hướng trong nhà trường cũng như đào tạo sau khi phân luồng.
Hướng đào tạo nghề phải đáp ứng nhu cầu của xã hội và đảm bảo công bằng. Như vậy mới thay đổi được nhận thức, thuyết phục được xã hội", ông Nguyễn Văn Minh nói.
Với quan điểm công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng phải bắt đầu từ nhu cầu của học sinh, bà Nguyễn Thị Thu Anh - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ, muốn học sinh có nhu cầu, sở thích hướng nghiệp thì cần 100% giáo viên ở các trường học phải có nhận thức đầy đủ về công tác này. Điều này cũng phù hợp với định hướng, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.