Thầy cũng muốn được ăn Tết trọn vẹn sao lại giao bài tập Tết cho trò?

Giáo viên giao bài tập Tết cho học sinh hầu như không có tác dụng gì, chỉ làm khổ cả thầy và trò mà thôi.

Học trò nhỏ là lứa tuổi thích Tết, vui Tết nhất. Minh họa: ĐG

Học trò nhỏ là lứa tuổi thích Tết, vui Tết nhất. Minh họa: ĐG

Cứ đến dịp cận đến Tết Nguyên đán là truyền thông lại phản ánh trái chiều về việc giáo viên giao bài tập cho học sinh. Theo đó, một luồng ý kiến thì ủng hộ không giao bài tập Tết để học sinh có những ngày nghỉ vui vẻ, thoải mái; luồng ý kiến khác lại muốn có bài tập để các em không quên kiến thức.

Về việc giao bài tập Tết cho học sinh, một giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn nói: "Thầy cũng muốn được ăn Tết trọn vẹn sao lại giao bài tập cho trò?"

Thứ nhất, cả Thông tư cũ và mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có hiệu lực từ ngày 14/02/2025) Quy định về dạy thêm, học thêm đều cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh tiểu học.

Vậy thì, việc giáo viên giao bài cho học sinh tiểu học là gây thêm áp lực cho các em kể cả phụ huynh.

Thứ hai, học sinh các cấp không cần phải nhồi nhét quá nhiều phạm vi kiến thức. Thay vào đó, các em cần học các kĩ năng sống có liên quan và tìm hiểu thêm về văn hóa ngày Tết Nguyên đán. Nếu phải làm bài tập cho nhiều môn, mỗi môn có hàng chục bài tập thì chẳng khác nào học sinh bị nô lệ của chương trình học.

Thứ ba, điều đáng nói nhất là, giáo viên giao bài cho học sinh nhưng thầy cô giáo bận nghỉ Tết thì làm sao giám sát được việc làm bài của các em? Học sinh vẫn có thể làm bài nhưng không ít em sẽ làm đối phó, sao chép để không bị thầy cô la rầy.

Ví dụ, giáo viên giao 10 bài tập nhưng học sinh chỉ làm 3, 4 bài, thậm chí các em chép bài lẫn nhau, chép trên mạng Internet thì thầy cô giáo sẽ xử lí thế nào? Thời công nghệ, chỉ cần một em làm bài rồi gửi lên nhóm là cả lớp sẽ chép giống nhau.

Với những bài tập khó cũng không làm khó được học sinh vì các em đã biết nhờ trí tuệ nhân tạo (AI), chẳng hạn ứng dụng ChatGPT trợ giúp để làm bài. ChatGPT vẫn có thể giúp học sinh viết một đoạn văn, bài văn hoàn chỉnh, nếu thiếu nghiệp vụ thì giáo viên vẫn rất khó phát hiện.

Riêng học sinh lớp 9, lớp 12, các em còn phải thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đại học (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…) thì có thể các em vẫn tranh thủ học trong những ngày nghỉ Tết.

Tuy vậy, giáo viên cần khuyến khích, khích lệ các em tự học bài chứ không phải giao bài như trên lớp học. Việc học của mỗi em một khác, em thì cần học dạng này mà không cần học dạng kia và ngược lại.

Nhìn chung, việc học là sự tương tác hai chiều giữa thầy và trò thì mới mang lại hiệu quả thiết thực. Trò làm bài nhưng không hiểu phương pháp; trò không hiểu bài nhưng không được ai chỉ dẫn thì việc thầy giao khoán bài cho trò chỉ có tác dụng là mua sự an tâm mà thôi.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thay-cung-muon-duoc-an-tet-tron-ven-sao-lai-giao-bai-tap-tet-cho-tro-179250122150456098.htm