Hướng nghiệp cho ngành nông nghiệp

Trái ngược với nhu cầu tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp ngày càng lớn thì số lượng sinh viên theo học ngành này ngày càng giảm sút.

 Mô hình nông nghiệp của sinh viên Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế

Mô hình nông nghiệp của sinh viên Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế

Cung không đủ cầu

Anh Đặng Duy Vũ ở xã Hương Phong (TP. Huế) từng là sinh viên Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế (ĐHH), sau khi tốt nghiệp được một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh tuyển dụng vào làm việc với mức lương khởi điểm hơn 15 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian làm việc, tích lũy kinh nghiệm, anh được doanh nghiệp này tăng lương mỗi tháng tầm 20 triệu đồng.

Theo anh Vũ, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố rất cần nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng nên sau khi tốt nghiệp đại học, anh khá dễ dàng tìm kiếm việc làm.

Phó Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh, ông Trần Đức Tôn cho rằng, không riêng các doanh nghiệp mà cả hệ thống hợp tác xã chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh cần một lượng lớn cán bộ, sinh viên tốt nghiệp đại học nông nghiệp về phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây cả doanh nghiệp và nhiều hợp tác xã đều không thể tuyển dụng, thu hút được đội ngũ sinh viên ngành này. Điều này cho thấy, ngoài một phần về cơ chế, chính sách tiền lương chưa đủ sức hấp dẫn thì cần phải kể đến là lượng sinh viên tốt nghiệp ngành nông nghiệp nhiều năm trở lại đây giảm sút đáng kể, nguồn “cung không đáp ứng cầu”.

 Sinh viên tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế

Sinh viên tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên Trường đại học Nông Lâm, ĐHH chia sẻ, từ năm 2019 đến nay, trường tuyển sinh chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu. Chỉ một số ngành tuyển sinh trọng điểm đạt chỉ tiêu cao như thú y, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, quản lý đất đai. Một số ngành đào tạo truyền thống và trọng điểm của nhà trường dần mất vị thế và khó khăn trong công tác tuyển sinh như nông học, phát triển nông thôn, lâm nghiệp...

Các cuộc khảo sát, đánh giá 5 năm gần đây cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ đại học trở lên. Trong giai đoạn 2018-2023, hàng năm các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.200-3.000 kỹ sư nông nghiệp, bác sỹ thú y, nhưng số sinh viên ra trường hàng năm khoảng 1.500 người, chỉ đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu tuyển dụng.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, số liệu khảo sát sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản luôn đứng top đầu. Tại Trường đại học Nông Lâm, ĐHH trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đúng ngành luôn ở mức cao, trên 80%, nhiều ngành trên 90%. Sinh viên sau khi tốt nghiệp làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước chiếm tới hơn 86%, làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm hơn 11% và còn lại tự tạo việc làm.

Cần một cơ chế, chính sách hợp lý

Các năm gần đây, trong chương trình “Ngày hội việc làm” của Trường đại học Nông Lâm, ĐHH, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị rất cao, với tổng chỉ tiêu tuyển dụng các năm đều khoảng 3.000 chỉ tiêu/năm. Thậm chí thực tế qua các năm, nhiều sinh viên chưa tốt nghiệp nhưng đã trúng tuyển vào một số công ty lớn, với mức thu nhập cao. Điều này cho thấy, nhu cầu ngày càng tăng, trong khi nguồn cung lại giảm mạnh là nguyên nhân chủ đạo dẫn đến sự thiếu hụt đáng kể nguồn nhân lực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức khẳng định, nguyên nhân tuyển sinh khó khăn của khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp và thú y là việc hướng nghiệp ở bậc phổ thông chưa tốt. Phụ huynh và học sinh chưa thấy rõ được cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp và đều cho rằng theo ngành nông nghiệp sẽ vất vả; trong khi xu thế lựa chọn ngành nghề theo sở thích, trào lưu của ngành học hơn là cơ hội việc làm và thu nhập sau tốt nghiệp. Nông nghiệp được xác định là trụ đỡ, nhưng chưa có chính sách lớn của Nhà nước để hỗ trợ các trường đại học về nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

Để “nguồn cung đáp ứng cầu” cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp; chú trọng cơ chế “đặt hàng” đào tạo một số ngành nghề mà doanh nghiệp và các địa phương có nhu cầu lớn nhưng khó tuyển sinh. Đáng kể đến là ngành lâm nghiệp, quản lý tài nguyên rừng, nông học, khoa học cây trồng, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, phát triển nông thôn. Xem các ngành này là đặc thù, cần có chính sách thu hút sinh viên như học bổng, hỗ trợ học phí…

Các ban, ngành chức năng cần có chiến lượ̣c truyền thông cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ có nhận thức đúng về vai trò quan trọng của nông, lâm nghiệp trong giải quyết các thách thức toàn cầu về lương thực và môi trường, là trụ đỡ cho nền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, tôn vinh những người dám dấn thân trong ngành nông, lâm nghiệp, có chính sách ưu đãi cho lực lượng lao động trong ngành này… Có như vậy mới có thể thu hút sinh viên ngành nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành quan trọng này.

Các địa phương cần phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong khu vực về công tác liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn, kết hợp hướng nghiệp học sinh phổ thông về cơ hội nghề nghiệp và việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp; chú trọng khởi nghiệp cho sinh viên, thanh niên nông thôn nhằm tạo sinh kế cho đồng bào vùng sâu, vùng xa...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/huong-nghiep-cho-nganh-nong-nghiep-146986.html