Hướng nghiệp chưa sát, phân luồng gặp khó

Câu chuyện về chọn tổ hợp lớp 10, liên quan đến định hướng nghề nghiệp tương lai của học sinh hiện đang được nhiều phụ huynh quan tâm. Bởi so với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 trước đó, việc chọn khối thi, ngành thi, nhìn rộng hơn là hướng lập nghiệp ở Chương trình GDPT 2018 gần như đã được định hướng sớm, nhất là khi các em bắt đầu bước chân vào bậc THPT.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Những cái khó trong phân luồng, hướng nghiệp học sinh THCS đã nhiều lần được chỉ ra. Rồi Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” xác định mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Dẫu thế, rất khó để đạt mục tiêu hướng nghiệp nói chung và mục tiêu đã được lượng hóa nói riêng.

Ban Giám hiệu nhiều nhà trường cho hay, rào cản lớn nhất hiện nay là hầu hết phụ huynh đều muốn cho con mình học lên THPT thay vì rẽ hướng sang học nghề. Trường hợp không đỗ vào lớp 10, các phụ huynh, học sinh mới nghĩ đến các chương trình giáo dục khác.

Ở khối trường nghề, lãnh đạo các nhà trường cũng chia sẻ rằng học sinh, phụ huynh không mấy mặn mà với học nghề. Sau 9 năm học, đa số học sinh đều có nguyện vọng thi lên THPT, chỉ trừ một số em điểm kiểm tra quá thấp, biết chắc có thi cũng không đỗ mới đăng ký đi học nghề.

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức, một lần nữa những khó khăn trong công tác phân luồng hướng nghiệp lại được đưa ra.

Ông Phạm Khương Duy - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, Ban soạn thảo sẽ có những quy định rõ ràng hơn về cơ chế hợp tác giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp. Nếu có những cơ chế ràng buộc, rõ ràng, cụ thể thì việc phân luồng, hướng nghiệp tại các trường phổ thông sẽ có tác động tốt hơn đến nhận thức của học sinh, phụ huynh, xã hội và đó là tác động hai chiều của cung - cầu nguồn nhân lực tại các địa phương.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh Hà Nam Đinh Thanh Khương nêu vấn đề: Hiện nay, các cơ sở giáo dục thường xuyên đang thực hiện một lúc hai chương trình học là học văn hóa và học nghề. Chính vì vậy, nếu tính tổng số tiết học của một học sinh trên một năm học nhiều hơn số tiết học của các học sinh tại các trường THPT. Mặt khác, các em vẫn phải đảm bảo đủ kiến thức văn hóa để thi tốt nghiệp THPT. Do đó, cần có những chính sách để cân đối về chương trình giáo dục, giảm áp lực cho các em học sinh. Từ đó thay đổi nhận thức của học sinh trong quá trình phân luồng, hướng nghiệp cuối cấp THCS.

Ở các chương trình tư vấn hướng nghiệp nói chung; tư vấn tuyển sinh ĐH hàng năm nói riêng, các chuyên gia đã tư vấn rất rõ: Học sinh khi vào THPT nên lựa chọn môn học dựa trên các yếu tố: Mục tiêu nghề nghiệp, thế mạnh của bản thân (và gia đình), tương lai của thị trường lao động, điều kiện thực tế của nhà trường nơi mình tiếp tục học tập

Dẫu thế, như đã từng phân tích, công tác hướng nghiệp bậc THCS lâu nay cũng vì làm cho có, làm hình thức nên kết thúc bậc THCS đa số học sinh vẫn muốn học tiếp lên bậc THPT. Nhưng học để làm nghề gì, định hướng tương lai ra sao thì rất nhiều học sinh loay hoay. Có học sinh lớp 10 vừa đăng ký môn học tự chọn xong đã đổi tổ hợp lựa chọn; không những đổi một lần mà muốn xin đổi 2 - 3 lần. Có em trả lời rất hồn nhiên, con học gì là do bố mẹ quyết định…

Trở lại với chương trình GDPT mới ở bậc THCS hiện có môn học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục địa phương, nhằm có sự gắn kết tốt nhất giữa giảng dạy trong nhà trường và phối hợp cha mẹ nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nếu thực hiện đúng nội dung này, chắc chắn học sinh bậc THCS sẽ có những định hướng bước đầu cho việc chọn ngành/nghề mình yêu thích. Tiếc rằng ở nhiều trường học ngay tại Hà Nội hiện nay, những tiết học này thường được các giáo viên chủ nhiệm tận dụng để dạy các môn học để luyện thi vào lớp 10.

Chính vì lẽ đó, những vấn đề được bàn bạc tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục (tập trung trao đổi, đề xuất về định hướng, tỷ lệ phân luồng, hướng nghiệp; công tác phối hợp thực hiện; các chính sách hỗ trợ; công tác kiểm tra, giám sát…), thực chất vẫn đang bàn những vấn đề vĩ mô. Trước tiên, cần bắt đầu giám sát thực hiện việc dạy và học ở mỗi nhà trường, để đảm bảo đúng mục tiêu như đã định ra.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/huong-nghiep-chua-sat-phan-luong-gap-kho-10291370.html