Hướng nghiệp sớm: Học sinh chủ động, doanh nghiệp có nhân lực phù hợp

Trong bối cảnh thị trường lao động liên tục biến đổi, việc hướng nghiệp sớm giúp học sinh THPT xác định đúng năng lực, sở thích và con đường nghề nghiệp tương lai.

Trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi không ngừng, việc hướng nghiệp từ sớm cho học sinh bậc THPT không chỉ giúp các em phát huy năng lực, đam mê mà còn giảm thiểu tình trạng học lệch, chọn sai ngành, lãng phí thời gian và chi phí.

Mặc dù chưa đến thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, nhưng Quỳnh Anh – THPT Kim Liên, Hà Nội đã vạch ra cho mình được hướng đi theo đúng sở trường và số điểm em đạt được.

"Từ năm lớp 11 em đã rất yêu thích và có khả năng về môn Toán, vì vậy, em quyết định lựa chọn các nhóm ngành về kinh tế. Sau thời gian tìm hiểu kỹ càng, với số điểm của mình em quyết định đặt nguyện vọng Đại học Kinh tế Quốc dân, và một Trường Đại học Thương mại để tăng cơ hội trúng tuyển", Quỳnh Anh chia sẻ.

Để có được các nguyện vọng rõ ràng cho nghề nghiệp của mình trong tương lai, em học sinh này đã được thầy cô và gia đình hướng nghiệp và hỗ trợ từ rất sớm.

Quỳnh Anh cho hay: "Ngay từ khi bước vào lớp 10, thầy cô đã tư vấn cho chúng em lựa chọn học những tổ hợp phù hợp với khả năng.

Trong quá trình học tập, thông qua các tiết học, buổi sinh hoạt em cũng được nghe về kỹ năng nghề nghiệp, xu hướng ngành nghề và phương pháp tìm ra công việc phù hợp với bản thân. Nhờ những buổi như vậy, mà em đã có định hướng cho mình ngay sau thi xong tốt nghiệp THPT".

Những điểm nổi bật của sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 12, bộ Chân trời sáng tạo.

Những điểm nổi bật của sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 12, bộ Chân trời sáng tạo.

Cũng quan tâm đến định hướng nghề nghiệp cho bản thân từ sớm, em Nguyễn Khánh Huyền - Trường THCS Đông Xuân, Hà Nội cho biết: "Ngoài được định hướng chọn nghề ở trên lớp, em cũng tham gia các ngày hội hướng nghiệp. Tại đây, em được hướng dẫn, quan sát các nghề cần có kỹ năng như trang điểm, chăm sóc sắc đẹp. Em nghĩ đây cũng là một hướng đi học tập với những bạn không có kết quả vào lớp 10 như kỳ vọng".

Bạn học sinh này nhận thấy, không chỉ ở bậc THPT, học sinh lớp 9 cũng rất cần được định hướng nghề. Bởi, tỉ lệ chọi vào lớp 10 ngày càng cao, nếu không được thầy cô, gia đình đưa ra những lựa chọn đúng đắn, các em rất dễ hoang mang và thất vọng về bản thân.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Hải Anh – CEO Công ty TNHH Make up for all nhận thấy rằng, việc định hướng nghề nghiệp từ sớm, giúp học sinh có động lực học tập, doanh nghiệp cũng sẽ tìm được nhân sự phù hợp, đam mê với nghề.

"Việc hướng nghiệp từ sớm cho học sinh THPT là vô cùng cần thiết, bởi đây chính là giai đoạn quan trọng để các em định hình sở thích, năng lực và ước mơ nghề nghiệp của mình. Nhiều bạn trẻ hiện nay còn mơ hồ về tương lai, lựa chọn nghề nghiệp theo xu hướng hoặc sự sắp đặt của gia đình, dẫn đến tình trạng học không đúng ngành, ra trường thất nghiệp hoặc không phát huy hết khả năng", bà Hải Anh bày tỏ.

Từ góc độ doanh nghiệp, theo bà Hải Anh nhà tuyển dụng luôn mong muốn có một lực lượng lao động trẻ không chỉ giỏi kiến thức mà còn đam mê và phù hợp với công việc. Nếu được định hướng nghề nghiệp rõ ràng ngay từ phổ thông, các em sẽ tự tin hơn khi chọn ngành học, rèn luyện kỹ năng thực tế và sẵn sàng hội nhập thị trường lao động đầy cạnh tranh.

Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 9, bộ Chân trời sáng tạo.

Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 9, bộ Chân trời sáng tạo.

Trước sự tác động mạnh mẽ của công nghệ đối với các ngành nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người học, sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có nhiều đổi mới, cập nhật các xu hướng nghề nghiệp. Từ đó, đáp ứng yêu cầu, định hướng theo Chương trình GDPT 2018.

Cụ thể, sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bộ Chân trời sáng tạo được phân chia theo tỉ lệ hướng nghiệp (30%), hướng vào bản thân (30%), hướng đến xã hội (25%) và hướng đến tự nhiên (15%).

Cuốn sách tích hợp các năng lực và phẩm chất chung cần đạt của Chương trình GDPT mới. Từ đó, hướng đến xây dựng 3 yêu cầu về các năng lực đặc thù là thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp.

Để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả thực chất, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Tổng chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, bộ Chân trời sáng tạo cho rằng, điều cốt lõi là nhà trường và giáo viên cần tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu, tiếp cận thực tế về các lĩnh vực nghề nghiệp.

Các bộ sách giáo khoa mới đáp ứng mục tiêu Chương trình GDPT 2018.

Các bộ sách giáo khoa mới đáp ứng mục tiêu Chương trình GDPT 2018.

Theo bà Thoa, việc trải nghiệm nghề nghiệp không nhất thiết phải đưa học sinh đi tham quan, quan sát trực tiếp tại doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất. Quan trọng hơn, giáo viên cần khéo léo lồng ghép, thiết kế các hoạt động mô phỏng thực tiễn ngay trong lớp học để học sinh có thể hình dung và khám phá năng lực, sở thích của bản thân.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa nhấn mạnh, đây là hoạt động giáo dục bắt buộc nên cần được triển khai thường xuyên, đều đặn, đưa vào thời khóa biểu hàng tuần để dần hình thành nhận thức, thói quen tìm hiểu nghề nghiệp cho học sinh.

"Giáo viên là người nắm nguyên lý và cách thức hướng nghiệp, học sinh đóng vai trò là người tìm kiếm. Cả thầy và trò có thể gần như cùng học. Thông qua đây, cũng là quá trình để thầy cô hiểu biết thêm. Cho nên không quá lo ngại về việc giáo viên không có kiến thức đủ về các ngành nghề thì không hướng dẫn được học sinh", bà Thoa bày tỏ.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/huong-nghiep-som-hoc-sinh-chu-dong-doanh-nghiep-co-nhan-luc-phu-hop-204250715104451863.htm