Hướng nghiệp từ bậc THPT là muộn
Không đợi đến khi học sinh chuẩn bị tốt nghiệp THCS, thậm chí THPT mới bắt đầu công tác hướng nghiệp, các nhà trường ngày nay cần quan tâm, chuẩn bị cho học sinh, sinh viên của trường những hiểu biết phù hợp với nhận thức, trình độ của các em về nghề nghiệp, việc làm trong xã hội.
Đa dạng hình thức hướng nghiệp
Chị Đỗ Thanh Phương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang theo học Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) cho biết, chị rất ấn tượng với cách tổ chức tư vấn, hướng nghiệp của nhà trường. “Trong nhà tôi không có ai làm trong lĩnh vực nghệ thuật nên khi con đặt câu hỏi về nghề nhiếp ảnh có thể theo đuổi sau khi tốt nghiệp THPT được không, chúng tôi cũng chỉ có thể phân tích chung chung với những thông tin đọc qua sách vở và những gì mình biết. Nhưng tại ngày hội hướng nghiệp do trường tổ chức, ban tổ chức đã mời đến rất nhiều các chuyên gia, người lao động đang công tác trong các lĩnh vực khác nhau đến để tư vấn trực tiếp cho các con. Tất cả những thắc mắc, lời khuyên về ngành nghề cụ thể được các con đặt ra và được giải đáp một cách cặn kẽ nên con rất hào hứng” - chị Phương nói.
Theo bà Nguyễn Hạnh Chi - Trưởng văn phòng tư vấn đại học, du học và hướng nghiệp, trường phổ thông liên cấp Olympia, bất cứ nhà trường nào cũng có thể thực hiện hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh bằng cách huy động các nguồn lực sẵn có. Chi phí cho hoạt động này tùy thuộc vào từng trường. Tuy nhiên, ngay cả khi ngân sách eo hẹp, các trường vẫn có những nguồn lực sẵn có để thực hiện như mời phụ huynh, cựu học sinh đến trường chia sẻ để các em có cái nhìn thực tế về nhiều ngành nghề.
Trên thực tế, hoạt động tư vấn hướng nghiệp được các nhà trường tổ chức rất đa dạng với nhiều nội dung như các hoạt động nhập vai trên lớp , viết về nghề nghiệp mong muốn trong tương lai, kết hợp trong các chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế ở nông trại, trường đại học, các tiết sinh hoạt trong lớp, dưới cờ cũng dành nhiều thời gian đề cập đến nội dung này…
Với Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), đây là một trong những hoạt động quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Bởi theo bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng nhà trường , khi có định hướng rõ ràng về đầu ra thì mới tạo được mục tiêu phấn đấu, mục đích học tập tốt cho học sinh.
Như trong việc nhập học cho học sinh khối 10 năm nay, lần đầu tiên triển khai lựa chọn tổ hợp để đăng ký nên nhiều học sinh và phụ huynh lúng túng. Nhà trường không chỉ tư vấn chuyên sâu về cách chọn tổ hợp môn và cung cấp thông tin về xu hướng ngành nghề, từ đó, giúp học sinh hiểu được phần nào về ngành nghề tương lai thông qua việc lựa chọn môn học mà còn tạo khoảng thời gian đệm để học sinh có thêm thời gian nghiên cứu, trải nghiệm thực tế và quyết định chính xác việc lựa chọn môn học, tránh “ngồi nhầm vị trí” trong tương lai.
Bắt đầu từ gia đình càng sớm càng tốt
Nhấn mạnh đến “thời điểm vàng” của giáo dục hướng nghiệp, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho rằng, hoạt động này càng triển khai sớm giúp cho trẻ có ý thức nghề nghiệp; gia đình, nhà trường chủ động trong việc tạo những sân chơi, định hướng giúp trẻ khám phá đúng năng lực bản thân...
Ngày nay, công tác hướng nghiệp không chỉ diễn ra với học sinh tiểu học mà sớm hơn, từ trẻ mầm non. Được giáo dục hướng nghiệp sẽ giúp học sinh nhận diện rõ năng lực bản thân, phát hiện sở trường để tăng cường, phát huy và điều chỉnh, giảm thiểu tác động sở đoản.
Học sinh tiểu học được giáo dục hướng nghiệp sớm cũng giúp cho công tác phân luồng sau cấp THCS tốt hơn. Chất lượng nguồn nhân lực nhanh thích ứng với yêu cầu thị trường, nâng cao chất lượng việc làm, giảm thất nghiệp, đảm bảo cho học sinh trong tương lai được làm việc đúng sở trường…
Chia sẻ quan điểm này, ThS giáo dục Thu Trang, công tác tại Trường Quốc tế Liên hiệp quốc cũng cho rằng, nếu đến độ tuổi 15, 16 mới quan tâm, để ý việc hướng nghiệp sẽ tạo ra sự vội vã. Cần có sự theo dõi và quan sát càng lâu càng tốt. Trong đó, vai trò của phụ huynh là rất quan trọng bởi đây là người đồng hành với con từ khi các con sinh ra cho đến khi các con lựa chọn nghề nghiệp của mình. Thầy cô cũng chỉ theo con một chặng rồi lại có giáo viên mới.
“Nếu chỉ trông chờ tư vấn từ giáo viên một cách bị động sẽ khiến phụ huynh cảm thấy bị lúng túng, không có cơ sở vững chắc và đáng tin cho việc chọn khối hay chọn nghề cho con em mình” - bà Trang phân tích và chỉ ra hiện nay có những thang đánh giá nhằm giúp cho việc tìm hiểu năng lực cá nhân. Thông qua các bài kiểm tra, trắc nghiệm này, các bạn trẻ sẽ phần nào nhận ra mình phù hợp với ngành nghề nào trong tương lai.
Tuy nhiên, ngay trong sinh hoạt, cuộc sống thường ngày, phụ huynh nếu chú ý quan sát đã có thể nhìn thấy những năng lực, sở thích và cả sở đoản của trẻ được bộc lộ để định hướng nghề nghiệp tương lai cho trẻ một cách phù hợp cũng như cùng trẻ có sự chuẩn bị sẵn sàng về nền tảng kiến thức, tâm lý, kỹ năng, thái độ…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/huong-nghiep-tu-bac-thpt-la-muon-5699750.html