Hướng phát triển chủ đạo của TP Hải Dương là 'xanh, số'
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh với vai trò là trung tâm tăng trưởng, TP Hải Dương phải lấy kinh tế dịch vụ là trụ cột phát triển.
Sáng 11.5, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 62 để nghe Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040.
Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, TP Hải Dương và đơn vị tư vấn lập quy hoạch phải xác định rõ những hạn chế về quy hoạch và quá trình thực hiện quy hoạch của thành phố trong thời gian qua, nhất là những bất cập về hạ tầng đô thị, thiết chế văn hóa, môi trường, dịch vụ... Đồng thời, cần chỉ ra các tiềm năng khác biệt, riêng có và thế mạnh nổi trội của thành phố về vị trí địa lý, tự nhiên, giao thông, nguồn nhân lực... để có định hướng quy hoạch. Đồ án điều chỉnh quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội các cấp và Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ đó xác định tư duy, tầm nhìn phát triển chiến lược, dài hạn, đột phá của TP Hải Dương trong thời gian tới. Thông qua đó thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị phải làm rõ hơn vị trí, chức năng đô thị của TP Hải Dương. Không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, thành phố phải là đô thị lớn nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng. TP Hải Dương phải có tính kết nối cao về không gian phát triển với các đô thị như Thủ đô Hà Nội và các TP Hải Phòng, Hạ Long... Đồng thời là trung tâm kết nối với các đô thị động lực của tỉnh là TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, tạo sự lan tỏa, dẫn dắt các đô thị khác phát triển. Ngoài tính chất cốt lõi đô thị của TP Hải Dương là đô thị xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông thì cần bổ sung tính năng động, bền vững. Hướng phát triển chủ đạo của thành phố là "xanh, số" bằng việc sử dụng vật liệu xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh... cùng với ứng dụng chuyển đổi số để tạo ra nét riêng có.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh cần làm rõ vai trò trung tâm tăng trưởng, nhất là phát triển kinh tế đô thị của TP Hải Dương với động lực chính là kinh tế dịch vụ cùng với các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến, có công nghệ cao. Bên cạnh trụ cột chính là kinh tế dịch vụ, thành phố cần coi trọng phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế thể thao... để nâng cao thu nhập, đời sống của người dân và thu hút người dân từ nơi khác đến sinh sống, làm việc.
Về định hướng không gian phát triển, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đề nghị TP Hải Dương cần khai thác các không gian mới, tập trung là không gian hai bên bờ sông Thái Bình, phía nam sông Sặt, đường vành đai 5 Thủ đô và vành đai I của thành phố. Lưu ý lấy sông Thái Bình là trục phát triển không gian, kiến trúc đô thị phải tư duy, lấy cảm hứng từ dòng sông này. Đồng thời tập trung quy hoạch các khu với chức năng phù hợp, ưu tiên kinh tế dịch vụ và bảo đảm các thiết chế văn hóa, thể thao, các công trình công cộng... Thành phố cần quy hoạch các khu đô thị lớn gắn với sinh thái, hạn chế các điểm dân cư nhỏ lẻ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cơ bản nhất trí với phân vùng không gian phát triển theo đồ án điều chỉnh với 6 vùng, 4 hướng, lấy hướng nam và đông bắc là hướng phát triển chính. Riêng phân khu nam sông Sặt, cần cập nhật thêm định hướng phát triển đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến trước đó. Giữa các phân khu chức năng cần có sự kết nối về hạ tầng giao thông phù hợp. Về quy hoạch kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thành phố cần rà soát, bổ sung các tuyến giao thông hướng tâm, giao thông vành đai, giao thông hướng nội để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Quy hoạch giao thông hai bên tuyến sông Thái Bình và xem xét tận dụng bờ đê, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cải tạo thành tuyến giao thông vừa bảo đảm an toàn đê điều vừa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. TP Hải Dương phải chú ý kết nối với các địa phương khác trong tỉnh bằng cách đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm và hệ thống giao thông công cộng công suất lớn. Ngoài ra, thành phố cần quan tâm phát triển giao thông thủy, rà soát, bổ sung quy hoạch cảng, bến thủy nội địa theo hướng giảm bớt số lượng ở những vị trí không phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi thế các tuyến sông, giảm ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu quy hoạch, khai thác sử dụng không gian ngầm, công trình ngầm đô thị và không gian đa chức năng đô thị...