Hướng phát triển du lịch bền vững

Sau thời gian dài 'đóng băng' do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã hoạt động sôi động trở lại và có nhiều thay đổi, với các xu hướng du lịch mới, trong đó du lịch xanh, du lịch sinh thái... đang dần chiếm ưu thế.

Khai thác hiệu quả du lịch home stay sẽ góp phần phát triển du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Việt Nam được đánh giá là đất nước giàu tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái. Với hơn 3.200km bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam, có hàng trăm bãi tắm đẹp với những bãi cát mịn và làn nước xanh, như bãi tắm Vũng Tàu, Nha Trang, Mũi Né, Mũi Ngọc, Bãi Cháy, Sầm Sơn, Cửa Lò, Trà Cổ… cùng các đảo và quần đảo như Phú Quốc, Côn Đảo, Cô Tô, Lý Sơn… Bên cạnh đó, nước ta còn có hệ thống rừng đặc dụng với 164 khu, tổng diện tích gần 2,3 triệu ha. Hầu hết các khu rừng đặc dụng đều có phong cảnh đẹp, nguồn động vật, thực vật phong phú, hệ sinh thái, cảnh quan đặc thù, gắn với các giá trị về văn hóa. Nhiều khu rừng đặc dụng có tiềm năng lớn là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học, như rừng Cát Tiên ở Đồng Nai, Vồ Dơi ở Cà Mau (là đại diện cho hệ sinh thái rừng U Minh Hạ phong phú và quý hiếm); miền Trung có Phong Nha - Kẻ Bàng, miền Bắc có Cúc Phương, Ba Vì… Bên cạnh đó, nước ta còn có những miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long với đủ các hương vị của hoa trái, như xoài, chôm chôm, thanh long, nhãn, cam, quýt, mít, dừa…; vườn đồi Lục Ngạn không chỉ nức tiếng là “vương quốc vải” mà còn bao loại quả ngon ngọt thơm ngon khác như nhãn, cam, bưởi, táo, mít, xoài, ổi… Những địa danh này ngày càng thu hút được rất nhiều khách tham quan du lịch, trong đó có nhiều du khách quốc tế. Điều này không chỉ góp phần mang lại hiệu quả cho ngành kinh tế du lịch mà còn có ý nghĩa cao, tác động tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích về kinh tế cho cộng đồng dân cư địa phương và đóng góp nỗ lực cho bảo tồn tài nguyên du lịch của đất nước.

Hiện nay, hoạt động du lịch sinh thái từng bước phát triển với đa dạng các loại hình, phổ biến như: Dã ngoại, leo núi, du lịch mạo hiểm, đi bộ trong rừng, tham quan vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, tham quan miệt vườn, thăm bản làng dân tộc, du thuyền… Nhiều hãng lữ hành, nhiều địa phương đã có những nỗ lực trong xây dựng kế hoạch phát triển du lịch sinh thái, xây dựng tour du lịch, khu du lịch sinh thái, các mô hình phát triển du lịch sinh thái với sự tham gia của cộng đồng… như: Thanh Hóa tích cực, chủ động xây dựng hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn”; đẩy mạnh việc thiết lập và công bố các “điểm du lịch xanh”, “tuyến du lịch xanh”; đồng thời quan tâm đầu tư, thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch... phát triển “du lịch xanh”. Một số tỉnh Tây Bắc, Quảng Bình, Nghệ An… phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn. Quảng Nam là một trong những tỉnh tiên phong triển khai du lịch xanh, du lịch bền vững; tỉnh đã có những kế hoạch dài hơi cho việc xanh hóa, góp phần vào thông điệp “Quảng Nam- điểm đến du lịch xanh” và cũng là tỉnh đầu tiên tham mưu cho Chính phủ về chứng chỉ cacbon…

Khách du lịch trải nghiệm giao lưu văn nghệ truyền thống với đồng bào dân tộc Mường.

Tuy nhiên, để khai thác những tiềm năng trên phục vụ cho phát triển du lịch một cách hiệu quả mà vẫn bảo vệ được môi trường sinh thái đòi hỏi rất nhiều yếu tố, bởi khi phát triển du lịch sẽ có tác động lớn đến môi trường tự nhiên. Du lịch sinh thái là một loại hình du lịch vừa dựa vào những hình thức truyền thống vừa có sự hòa nhập với môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa, nên ý thức trách nhiệm của du khách, không gây tổn hại đối với môi trường tự nhiên và nền văn hóa sở tại cần phải được nâng cao.Tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo du lịch về chủ đề “Du lịch an toàn và Du lịch sinh thái” trong khuôn khổ Hội nghị ngành Du lịch thế giới diễn ra tại Ulsan (Hàn Quốc) ngày 25/6/2022, nhằm vượt qua khủng hoảng khí hậu và duy trì hệ sinh thái khử các cacbon, bền vững, các nhà lãnh đạo du lịch các quốc gia đã đưa ra Tuyên bố tầm nhìn chung về du lịch sinh thái thế giới. Trong đó các bên nỗ lực đảm bảo tất cả khách du lịch trên thế giới có một môi trường du lịch an toàn; ưu tiên hàng đầu cho khám phá kinh doanh và hỗ trợ du lịch sinh thái; cố gắng bảo tồn môi trường tự nhiên của thiên nhiên; lan tỏa sự đồng thuận của khách du lịch trên toàn cầu đối với du lịch sinh thái, nhân rộng các hành động hàng đầu về du lịch sinh thái… Diễn đàn có sự tham gia của khoảng 800 đại biểu gồm lãnh đạo ngành du lịch của một số quốc gia bao gồm Maldives, Tây Ban Nha, Iran, Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Mông Cổ, Pakistan...; cơ quan quản lý du lịch Ulsan và các thành phố khác của Hàn Quốc; Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO); các hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, cơ sở đào tạo du lịch và sinh viên ngành du lịch Hàn Quốc.

Tại Diễn đàn, Giáo sư Kazem Vafadari - Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Du lịch châu Á-Thái Bình Dương, đã có bài phát biểu thiết thực về chủ đề du lịch sinh thái. Theo Giáo sư, du lịch sinh thái trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, trở thành một công cụ hữu hiệu phát triển kinh tế, đặc biệt với các quốc gia không có thế mạnh về công nghiệp. Giáo sư Vafadari nhấn mạnh: Du lịch chỉ có thể bền vững khi các điểm đến có thể quản lý được sức chứa du khách; giữ mức tác động của du lịch đến trong mức giới hạn để bảo vệ thiên nhiên địa phương; điểm đến duy trì được sức hấp dẫn đối với du khách; tìm kiếm các “điểm đến thay thế”, chủ yếu là các điểm đến thiên nhiên; mang lại lợi ích cho cộng đồng; phục vụ đối tượng khách phù hợp với mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, du lịch sinh thái cũng phải đối mặt với một số thách thức chính. Đó là: Lợi ích kinh tế vượt khỏi tay của cộng đồng địa phương; thu nhập du lịch không được sử dụng để phát triển lan tỏa sang những ngành liên quan... Các đại biểu, chuyên gia cũng đã chia sẻ về các nội dung liên quan đến thách thức trong hợp tác giữa du lịch với các ngành liên quan; bảo đảm an toàn cho du khách; chính sách du lịch sau dịch; các việc cần triển khai khi mở cửa du lịch; giải pháp phát triển du lịch bền vững…

Mặc dù có tiềm năng phát triển, song du lịch xanh, du lịch sinh thái ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu. Đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đây là loại hình du lịch mới cả về khái niệm lẫn tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên phục vụ cho mục đích du lịch. Do đó, nâng cao nhận thức, có chiến lược, có giải pháp đúng đắn để phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái mang ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/huong-phat-trien-du-lich-ben-vung/185246.htm