Hương Tết
Là người lớn, chẳng mấy ai trông Tết đến, nhưng con trẻ thì khác, trông lắm. Hồi tôi còn bé, mỗi lần Tết đến, đó là một sự kiện trọng đại. Vì ở quê mà! Ở quê, Tết đến đứa trẻ nào mà không thích, vì được mặc quần áo mới, được ăn thịt ngon, bánh ngọt, được đi chơi và chung quanh có bao điều thú vị khác.
Tôi còn nhớ, hàng năm, thường vào giữa tháng Chạp, ở quê tôi, trời dường như trong hơn, và đây đó xuất hiện một mùi hương mênh mang, lan tỏa từ đầu xóm đến cuối xóm, chấp chới trong nắng vàng, phảng phất trong những cơn gió nhẹ của mùa xuân. Mùi hương dường như toát ra từ lộc non của vô số loài cây, toát ra từ vô số loài hoa được chăm chút từ bàn tay con người cũng như hoa cỏ đủ màu, đủ dạng nơi bờ bụi, hay ở những nơi dọc theo các lối đi. Đâu chỉ có thế, tạo nên cái mùi hương Tết có bao nhiêu thứ khác nối đuôi nhau theo sự rộn ràng của con trẻ, sự tất bật của người lớn. Nhà này rang nếp để làm bánh nổ, nhà kia xay bột để làm bánh in. Xóm trên, xóm dưới đến đâu cũng thấy rộn ràng. Rồi sát đến ngày Tết, sự rộn ràng càng tăng lên, mùi hương Tết cũng tăng theo. Đây, mùi hương trầm của nhà ai vừa cúng tất niên sớm đang tỏa ra ngào ngạt. Đây, nhà ai vừa mổ heo, và theo nhịp chày giã thịt làm chả, mùi tiêu, mùi hành ướp thịt lan ra, đầy quyến rũ. Còn đây, mùi lá chuối mới hơ qua lửa, pha lẫn với mùi nếp mới của nhà ai đang ngâm chờ gói bánh chưng, bánh tét.
Ngay cả cái chợ nhỏ nằm nơi đầu thôn vào những ngày giáp Tết, nếu để ý ta cũng sẽ bắt gặp một mùi hương rất riêng. Chợ đã có từ xa xưa và hàng ngày chỉ đông đến nửa buổi sáng, nhưng vào dịp này, từ sáng tới chiều, nơi đây lúc nào trở nên đông đúc, náo nhiệt lạ thường. Bao nhiêu thứ hàng hóa mà ngày thường không thấy ở chợ thì giờ đây được người ta dùng thuyền đưa từ thành phố về, bày đầy ở các sạp. Quần áo con trẻ, bánh, mứt và bao nhiêu thứ không thể kể hết tên được giăng ra với đủ màu, đủ sắc rực rỡ. Những bà mẹ quê dù quanh năm chân lấm tay bùn, bận rộn với công việc ruộng vườn, phải chắt chiu từng đồng tiền, bát gạo, giờ đây cũng tỏ ra rộng rãi hơn, hào phóng hơn trong việc mua sắm. Vì Tết mà, Tết thì dù nghèo đến mấy, dù khó khăn thiếu thốn đến mấy, ai cũng muốn trong nhà có cái gì đó khác hơn, mới hơn, với mong ước ba bữa xuân mà đầm ấm thì cả năm vạn sự sẽ được tốt lành. Từ đầu này đến đầu kia của cái chợ nhỏ, dường như chỗ nào cũng râm ran tiếng chào mời, hỏi giá. Bọn trẻ con trong thôn, trong xã theo mẹ đến chợ nhiều hơn để được đón nhận không khí đông vui mà ở làng quê cả năm không tìm thấy. Tôi còn nhớ như in những buổi chiều cuối năm lon ton theo mẹ trên con đường đất để ra chợ, thỏa thích ngắm nhìn những tờ lịch, những tờ giấy trang trí có in hình mai, lan, cúc, trúc; ngắm nhìn những gói quà được bọc trong giấy màu lộng lẫy mới được chở từ thành phố về. Tại đó, có lần tôi được mẹ mua cho con gà trống làm bằng đất. Tôi thích biết bao khi mang đi khoe khắp xóm, thích nhất là khi thổi vào cái lổ nhỏ xíu ở đuôi, làm cho nó phát ra tiếng gáy ò ó o… Cùng với mấy khóm vạn thọ, vào những ngày này, cây mai già cũng bắt đầu nở vàng cả khoảng sân và cạnh đó là mấy khóm hoa trạng nguyên khoe màu đỏ rực. Tôi quên sao được, buổi trưa, cha tôi cầm rựa, chuẩn bị cây nêu tre để dựng trước sân nhà, rồi giải thích cho chúng tôi về ý nghĩa của nó với chuyện diệt quỷ, trừ tà, cầu mong hạnh phúc đến với gia đình trong năm mới.
Tối ba mươi có lẽ là tối chộn rộn nhất, những gì chưa dọn dẹp xong đều được mọi người tập trung dọn hết. Rồi tắm gội. Rồi bánh trái chuẩn bị cúng giao thừa tiếp đó cũng được bày lên. Trong không khí chuẩn bị đón giao thừa, khí trời ở quê tôi thường lạnh se se, vì vậy đám con trẻ chúng tôi thường ngồi bên bếp lửa đỏ rực có tiếng than nổ tí tách và tiếng nồi bánh tét đang sôi sùng sục để nghe bà nội kể bao nhiêu chuyện. Thức đến khuya, thế mà sáng mùng một, không chờ ai gọi, đứa lớn, đứa nhỏ đều dậy sớm, xúng xính trong những bộ quần áo mới còn thơm mùi vải, chuẩn bị để chúc Tết ông bà, cha mẹ trước khi tung tăng ra đường, đổ về phía sân đình - nơi có tiếng trống vang lên dồn dập, báo hiệu những trò chơi sắp bắt đầu, nào bài chòi, nào…
Đã là dân quê lên sống trên phố thị, mấy ai lại có thể quên ngày Tết ở quê mình. Vừa rồi, trước Tết chừng hơn một tháng, có người bạn làm việc ở một tòa soạn báo bảo tôi: Ông viết cho báo mình một bài ngắn ngắn để in vào số xuân nhen! Viết về đề tài gì bây giờ? Tôi hỏi lại. Trời ạ, Tết thì chán chi chuyện để nói. Ông viết về mùi hương Tết ở làng quê đi! Ông có thấy khi Tết đến ở làng quê thường có mùi hương rất riêng không? Ừ, hương Tết, nhưng nên bắt đầu thế nào? Nghĩ hoài mà chưa viết được câu nào, bất chợt tôi bật cười khi trước mắt xuất hiện hình ảnh tôi trong một cái Tết ngày nào - một thằng bé da đen thui, tóc vừa được cắt trọc, xúng xính trong bộ đồ và đôi dép mẹ mới mua, đứng trên con đường làng, ngửa cổ thổi vào đít con gà đất.
- Ò ó o ò!
Tiếng con gà đất phát ra và tan ngay trong nắng xuân ấm áp. Trên đầu thằng bé trời rất xanh và xa xa có vài đám mây trắng đang trôi…
Hoàng Nhật Tuyên
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202001/huong-tet-8147076/