Hương Tết

Hằng năm, thường vào tháng Chạp, đây đó trong vườn, ngoài ngõ, và đặc biệt là ở các khu chợ xuất hiện một mùi hương phảng phất trong những cơn gió nhẹ của mùa xuân, dường như là mùi hương của tết.

Anh Giàu tư vấn đồ cho khách.

Anh Giàu tư vấn đồ cho khách.

Ngang qua chợ Long Hoa những ngày này, củ kiệu, cải sậy, cải trắng, bánh mứt… được bày bán khá nhiều. Cứ mỗi khi nhìn thấy củ kiệu, ngửi thấy hương kiệu, là mặc nhiên nghĩ ngay đến Tết.

Chiều một ngày đầu tháng Chạp, tại khu vực cửa 7 chợ Long Hoa, vợ chồng chị Kiều Thị Thanh Phương (ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành) bày kiệu quế, cải sậy, cải trắng để bán. Chị Phương nói, từ tháng 10 chị đã nhập kiệu quế từ chợ đầu mối Thủ Đức về bán. Việc bán kiệu kéo dài đến lối 20 tháng Chạp sẽ kết thúc, rồi chị lại chuyển sang bán hoa quả chưng tết.

Kiệu quế là mặt hàng có quanh năm nhưng gần đến tết, kiệu mới đúng mùa, chất lượng thơm ngon hơn những mùa khác. Khoảng tháng 11, kiệu bán nhiều cho những người kinh doanh kiệu ngâm. Còn vào lối tháng Chạp, người dân mới đi chợ mua kiệu ngâm, để dành “ăn tết” trong gia đình. Chị Phương đánh giá, kiệu năm nay có giá thấp hơn mọi năm nhưng sức mua còn chậm lắm. “Nếu cùng thời điểm này những năm trước, tôi có thể bán ngoài 100kg kiệu/ngày, năm nay mỗi ngày chỉ vài chục ký thôi”- chị Phương nói.

Ngoài 50 tuổi, chị Phương đã bán hàng tại chợ Long Hoa hơn 30 năm. Chị có sạp hàng chuyên bán các loại mắm tại cửa 6 chợ. Hằng năm, vào những tháng gần tết, kinh doanh thêm các loại kiệu, củ cải… Với người làm nghề như vợ chồng chị Phương, việc buôn bán mỗi mùa có những điều thú vị riêng, đặc biệt là những ngày cận tết. Chị chia sẻ: “Bán tại chợ vui lắm, được ngắm nhiều người qua lại, dịp tết càng thêm đông vui. Mùa này sẽ có nhiều loại rau củ đặc trưng chỉ bán trong dịp tết, các mùa khác không có”.

Cách chỗ bán của chị Phương không xa là điểm bán hàng của anh Nguyễn Quang Vũ, 33 tuổi, ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành. Nhân lúc vắng khách, vợ chồng anh Vũ ngồi cắt rễ kiệu. Anh Vũ nói kiệu làm sạch được bán cho những người bận rộn, ít thời gian và giá cũng cao hơn một ít.

Củ kiệu, cải sậy, bông cải mùa tết.

Củ kiệu, cải sậy, bông cải mùa tết.

Anh Vũ làm nghề buôn bán ở chợ Long Hoa khoảng 6 năm nay. Mỗi ngày, anh đến chợ từ lúc 2-3 giờ sáng và làm việc cho đến 7 giờ tối mới dọn hàng trở về. Gần tết, anh Vũ chọn bán thêm kiệu. Anh nói rằng ngày thường có kiệu nhưng mùa tết thì người bán và người mua nhiều hơn những tháng khác. “Mọi năm, thời điểm này có rất đông người mua sắm chuẩn bị tết, kiệu cũng được bán rất nhiều. Năm nay chưa thấy không khí tết đâu cả”. Khó khăn là vậy nhưng anh Vũ vẫn lạc quan: “Chắc do khó khăn chung, việc buôn bán tuy không thuận lợi nhưng tôi không buồn lắm, sẽ có lúc vầy lúc khác mà”.

Anh Vũ chia sẻ thêm, đến những ngày cận tết, vợ chồng anh mới nghỉ bán để dọn dẹp nhà cửa đón tết.

Sẫm tối, anh Trần Thanh Giàu, 25 tuổi, bắt đầu “lên đèn” cho gian hàng quần áo của mình để thu hút khách. Anh Giàu đã có 5 năm chuyên bán quần áo trẻ em tại chợ Long Hoa. Anh nói: “Gia đình tôi mỗi người một quầy hàng chuyên bán quần áo may sẵn tại chợ Long Hoa. Nhiều năm trước, tôi chỉ phụ gia đình bán hàng, khoảng 5 năm nay thì được giao một sạp hàng. Tôi rất thích việc buôn bán này”.

Đoán được tình hình kinh tế năm nay khó khăn, tết này, lượng hàng anh nhập về bán ít hơn mọi năm. Bên cạnh những mẫu mã thường ngày, anh chỉ nhập thêm ít đồ bà ba, áo dài để phục vụ tết.

Anh Vũ vẫn lạc quan dù năm nay hàng bán chậm.

Anh Vũ vẫn lạc quan dù năm nay hàng bán chậm.

Theo anh Giàu, mấy năm trước, tầm sau lễ Giáng sinh, mọi người đã dần sắm tết, còn năm nay, đã bước vào tháng Chạp mà người đến chợ mua sắm cho ngày tết rất vắng. Với một người “ghiền” không khí chợ như anh Giàu, dịp bán hàng tết là những ngày rất vui. Anh Giàu nói: “Tôi thích không khí ở chợ lắm, ngày thường vui, gần tết càng vui hơn nữa. Ở chợ, tôi được tiếp xúc với nhiều người, mua bán dịp tết càng vui hơn, nên với tôi bán được hay ế gì đều vui cả. Năm nay bán không nhiều thì những năm trước bù qua vậy”.

Việc buôn bán của anh Giàu vẫn tiếp tục mỗi ngày, anh rất trông chờ những ngày tới việc buôn bán sẽ khả quan hơn. Anh chia sẻ: mình sẽ bán đến 30 tết rồi sau đó dành vài ngày nghỉ ngơi vui xuân với gia đình, bạn bè.

Gần Tết, dù tình hình buôn bán còn khá chậm, nhưng bên trong các khu chợ cũng trở nên nhộn nhịp hơn ngày thường. Tiếng cười, tiếng chuyện trò, và mùi thơm của bánh mứt tràn ngập không gian. Đó là lúc cảm nhận rõ ràng rằng Tết đã gần kề. Mong một cái Tết đoàn viên ấm áp đến với mỗi gia đình.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/huong-tet-a167999.html