Hướng tới đáp ứng tốt nhất năng lực học sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006, cũng là dấu mốc khép lại một giai đoạn giáo dục (từ 2006-2020), để chính thức bước sang giai đoạn mới: thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 toàn diện từ lớp 1 đến 12 với những thay đổi và kỳ vọng mới. Đặc biệt năm 2025 là năm đầu tiên triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên địa bàn Quảng Trị và cả nước vừa diễn ra được đánh giá an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương đều có phương án dự phòng để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế; số lượng thí sinh vi phạm quy chế cũng giảm hẳn so với năm 2023. Truyền thông trước, trong, sau kỳ thi chủ động, kịp thời, tạo tâm lý an tâm cho thí sinh, phụ huynh và xã hội. Việc chấm thi được triển khai khẩn trương, nghiêm túc, công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT hoàn thành vào ngày 19/7/2024.

Đề thi các môn của kỳ thi năm nay được đánh giá phù hợp với thí sinh. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 nên thí sinh nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa dễ dàng đạt điểm 6-7. Cấu trúc đề thi vẫn giữ ổn định như những năm trước nhưng có thêm các câu hỏi mang tính thực tế, tiệm cận dần với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hai năm trước, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu thực hiện với học sinh lớp 10. Đến năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học chương trình này sẽ thi tốt nghiệp bậc THPT. Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ năm 2025, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Vào cuối tháng 12/2023, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Đề thi được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo Bộ GD&ĐT, về phương thức xét công nhận tốt nghiệp THPT 2025, bộ cho biết sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình học tập trong 3 năm và kết quả thi tốt nghiệp theo tỉ lệ phù hợp. Ngoài ra, kỳ thi giữ ổn định hình thức thi trên giấy đến năm 2030, sau năm 2030 sẽ thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm.

Với quy định “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, ngữ liệu của đề thi sẽ đến từ nhiều sách giáo khoa khác nhau hoặc từ các tư liệu được chọn lọc cẩn thận ở bên ngoài, đặc biệt là đối với môn Ngữ văn, môn thi theo hình thức tự luận duy nhất trong số các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Mục tiêu là hình thành cho học sinh tư duy độc lập, sáng tạo, giúp hạn chế tình trạng học thuộc, học tủ, học lệch, đoán đề, nhằm không ngừng đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mục tiêu cao nhất mà Kỳ thi tốt nghiệp THPTnăm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới vẫn là việc giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, sử dụng kết quả cho hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và đảm bảo độ tin cậy để xét tuyển đại học, cao đẳng. Trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học dần tự chủ trong tuyển sinh và tổ chức nhiều kỳ thi riêng để xét tuyển thì việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT rất phù hợp với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, không có điều kiện tham gia nhiều kỳ thi khác nhau. Đa số các trường đại học trên cả nước sử dụng kết quả này để tuyển sinh.

Để học sinh sẵn sàng tâm thế, kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ngành giáo dục tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập và định hướng thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng tới đáp ứng tốt nhất năng lực người học. Ngay từ những năm đầu của chương trình đổi mới, các trường THPT trên địa bàn đã nỗ lực để hình thành phương thức tổ chức mô hình lớp học, xây dựng kế hoạch ôn tập và thay đổi trong cách dạy học, kiểm tra, đánh giá. Những nỗ lực đang hướng đến đó cho thấy sự đổi mới của nhà trường, giáo viên và học sinh đã phù hợp với tinh thần đổi mới của ngành giáo dục.

Tuệ Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/huong-toi-dap-ung-tot-nhat-nang-luc-hoc-sinh-187029.htm