Hướng tới hệ thống giao thông xanh
TP HCM hiện có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện các loại từ những địa phương khác.
Xây dựng hệ thống giao thông xanh là xu hướng tất yếu của các đô thị hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời cải thiện chất lượng môi trường sống và sức khỏe cộng đồng
Hệ thống giao thông - mạch máu của đô thị - đang phải đối mặt nhiều thách thức từ sự phát triển nhanh của TP HCM. Cùng với nhịp sống hiện đại, những vấn nạn như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng, đe dọa sức khỏe cộng đồng và cản trở việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Giải bài toán ùn tắc, ô nhiễm
TP HCM hiện có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện các loại từ những địa phương khác. Mật độ phương tiện cao, cùng với sự gia tăng nhanh chóng về vận tải hàng hóa và thiếu hiệu quả trong các giải pháp logistics là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. Ùn tắc kéo dài không chỉ gây lãng phí thời gian, nhiên liệu mà còn làm gia tăng ô nhiễm không khí và tiếng ồn.
Theo dự báo chất lượng không khí 24 giờ của Accuweather, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của TP HCM dao động từ mức trung bình đến kém. Ô nhiễm không khí tại TP HCM đang ở mức báo động, thậm chí có thời điểm nằm trong tốp các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu đến từ khí thải giao thông, hoạt động xây dựng, công nghiệp.
Ô nhiễm tiếng ồn cũng là vấn đề đáng quan ngại, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Cổng thông tin 1022 của TP HCM đã tiếp nhận 11.115 tin phản ánh về tiếng ồn trong 8 tháng đầu năm 2023, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Trong năm 2022, đã có 8.679 trường hợp vi phạm về tiếng ồn trong các khu đô thị.
Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu các tuyến đường dành riêng cho xe buýt, thiếu làn đường dành cho xe đạp cũng góp phần làm gia tăng ùn tắc và ô nhiễm tại thành phố.
Nâng cao chất lượng hệ thống giao thông công cộng
Để xây dựng hệ thống giao thông xanh, TP HCM cần tập trung thực hiện một số giải pháp.
Trước hết, cần nâng cao chất lượng hệ thống giao thông công cộng. Cụ thể, cần tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống xe buýt, metro hiện đại, tiện nghi, phủ sóng rộng khắp. Bên cạnh các loại xe buýt truyền thống, TP HCM đang triển khai đưa xe buýt điện vào hoạt động, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng.
TP HCM cần khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng xe đạp, xe điện bằng cách xây dựng hệ thống làn đường dành riêng, trạm sạc điện, đồng thời có chính sách hỗ trợ về giá, thuế. Chính phủ cũng đang thúc đẩy việc sử dụng 100% xăng E5 cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
TP HCM cần hạn chế phương tiện cá nhân. Cần nghiên cứu áp dụng các biện pháp kinh tế như thuế, phí đối với phương tiện cá nhân vào khu vực trung tâm, giờ cao điểm. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý, phân luồng giao thông để hạn chế ùn tắc.
TP HCM cần phát triển hạ tầng giao thông xanh; ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường dành riêng cho xe buýt, làn đường dành cho xe đạp; trồng cây xanh dọc các tuyến đường giao thông, tạo không gian xanh cho đô thị.
Việc triển khai giao thông xanh không chỉ phụ thuộc vào chính sách và hạ tầng mà còn cần sự ủng hộ và hợp tác từ cộng đồng. TP HCM cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của giao thông xanh, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và các phương tiện thân thiện với môi trường.
Việc chuyển đổi sang sử dụng xe buýt chạy bằng khí CNG cũng mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Theo ước tính, việc này giúp giảm phát thải ô nhiễm không khí mỗi năm và tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho doanh nghiệp vận tải.
Xây dựng hệ thống giao thông xanh là xu hướng tất yếu của các đô thị hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời cải thiện chất lượng môi trường sống và sức khỏe cộng đồng. TP HCM cần có chiến lược tổng thể, lộ trình rõ ràng, giải pháp đồng bộ, huy động sự tham gia của các cấp, ngành và toàn xã hội để đạt được mục tiêu đề ra. TP HCM cần đặt mục tiêu đối với lĩnh vực giao thông vận tải là cắt giảm 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, cần sự kết hợp giữa các giải pháp công nghệ, kinh tế và xã hội, bao gồm việc đầu tư vào hạ tầng giao thông xanh, phát triển phương tiện sử dụng năng lượng sạch, áp dụng các biện pháp kinh tế để hạn chế phương tiện cá nhân, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường...
Giao thông xanh và bảo vệ môi trường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Giao thông xanh góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn, tạo cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp.
Việc chuyển đổi sang các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, đặc biệt là xe điện, sẽ giúp giảm thiểu đáng kể lượng bụi mịn PM2.5 - một trong những tác nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng không khí mà còn mang lại lợi ích sức khỏe cho người dân, giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và tim mạch.
Để kết hợp giao thông xanh với bảo vệ môi trường, TP HCM cần thực hiện các giải pháp: Trồng cây xanh, tạo không gian xanh; ứng dụng công nghệ thông minh, đặc biệt là nâng cao ý thức cộng đồng. Cụ thể, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, sử dụng giao thông xanh, hình thành văn hóa giao thông văn minh, hiện đại.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/huong-toi-he-thong-giao-thong-xanh-196250202200841028.htm