Hướng tới khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm
Ngay từ đầu tháng 7/2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện khẩn số 4154/CĐ-BNN-TY về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao khác lây lan trên diện rộng. Trước đó, ngày 10/6/2021, UBND tỉnh Quảng Trị có công văn số 2359/UBND-NN về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8. Gần đây, UBND tỉnh tiếp tục có công văn số 2790/UBND-NN về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Điều đó cho thấy tại thời điểm này, việc tập trung phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm đúng mức.
Năm 2020, tại Quảng Trị đã xảy ra dịch cúm gia cầm A/H5N6 trên 5 đàn gia cầm có độ tuổi từ 1 - 2 tháng của 5 hộ chăn nuôi với tổng đàn 3.205 con, trong đó 3.100 con vịt, 80 con gà, 25 con ngan tại thôn Tiên Mỹ 2, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh. Ngay khi xảy ra dịch bệnh, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã kịp thời xử lý đúng quy trình, không để lây lan trên diện rộng. Liên quan đến tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm xảy ra tại địa phương mới đây, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ Trần Thọ Bình thông tin: Tại thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền có một trang trại của ông Đinh Ngọc Thương với diện tích khoảng 4 ha hiện đang làm điện mặt trời và tận dụng đất để chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Về chăn nuôi, trang trại có 500 con gà, 80 con ngan, 30 con ngỗng. Ngày 11/8/2021, ông Thương đến trình báo với nhân viên thú y xã về tình hình đàn gia cầm bị chết. UBND xã đã chỉ đạo nhân viên y tế xã tiến hành cấp 400 liều vắc xin cúm gia cầm và hóa chất khử trùng để ông Thương tự tiêm phòng cho đàn gia cầm và khử trùng chuồng trại. Tuy nhiên đến ngày 16/8/2021, nhân viên thú y xã liên hệ với chủ trang trại thì được biết đàn gia cầm đã chết gần hết. Nhân viên thú y xã đã báo cáo với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tiến hành kiểm tra lấy mẫu trên 5 con gia cầm còn sống để gửi đi xét nghiệm. Đến ngày 20/8/2021, Chi cục Thú y vùng III đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 7113/CĐXNCĐ kết luận mẫu bệnh phẩm lấy tại hộ ông Đinh Ngọc Thương có kết quả dương tính với vi rút cúm gia cầm subtype H5N8. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phối hợp với UBND xã Cam Tuyền triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách khẩn trương, quyết liệt để đảm bảo sức khỏe cho người, an toàn cho chăn nuôi và vệ sinh môi trường trên địa bàn xã, không để dịch lây lan trên diện rộng.
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), từ năm 2014 đến nay, chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện, gây bệnh trên gia cầm (giai đoạn đầu chủ yếu xảy ra ở trên chim hoang dã), sau đó lây lan nhanh ở phạm vi rất rộng và gây dịch bệnh trên gia cầm nuôi. Tính đến tháng 5/2021, tổng cộng đã có 60 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện chủng vi rút này. Tính từ tháng 1/2019 đến tháng 5/2021, trên thế giới có tổng cộng 2.867 ổ dịch do chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8 gây ra, chiếm hơn 72% trong tổng số các ổ dịch cúm gia cầm do các chủng vi rút khác nhau gây ra tại 45 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có các quốc gia chung biên giới với Việt Nam.
Đối với tỉnh Quảng Trị, qua tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ cho thấy, nguy cơ xảy ra dịch bệnh đã hiện hữu. Mặc dù tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế nhưng vẫn luôn tiềm ẩn sự bùng phát trở lại do nhiều nguyên nhân. Trước hết là do người chăn nuôi mua con giống không rõ nguồn gốc; các hoạt động mua bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm trái phép vẫn chưa được kiểm soát đầy đủ; đặc biệt tỉ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm rất thấp. Từ đầu năm đến nay chỉ tiêm phòng được gần 330.000 lượt con trên tổng đàn là khoảng 3,62 triệu con; nhiều địa phương là vùng chăn nuôi gia cầm trọng điểm của tỉnh không thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm định kỳ; việc tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi mới cũng không được thực hiện. Các địa phương có tổng đàn gia cầm lớn, là ổ dịch cũ nhưng vẫn không tổ chức tiêm phòng vắc xin H5N1 cho đàn gia cầm nên nguy cơ có thể xảy ra dịch cúm gia cầm trong thời gian tới.
Để chủ động ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút cúm độc lực cao khác (A/H5N1, A/H5N6…) xâm nhập vào đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh, điều quan trọng nhất là tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, kịp thời phát hiện, xử ký nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc theo quy định; lấy mẫu gửi xét nghiệm chủng vi rút cúm gia cầm A/H5, bao gồm A/H5N8. Các địa phương giáp biên giới cần thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc. Vận động người chăn nuôi không giấu dịch, không tự vận chuyển gia cầm bị mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác gia cầm chết bừa bãi. Khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, đảm bảo đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ càng sớm càng tốt để bảo vệ tổng đàn, tránh xảy ra dịch bệnh.
Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của tỉnh là rất cần thiết. Ngày 27/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030. Mục đích của kế hoạch là hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y trên địa bàn tỉnh đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Xây dựng mạng lưới thú y cơ sở đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển vật nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa bàn. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật; quản lý hành nghề thú y, thuốc thú y. Xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đảm bảo tổ chức thực hiện tốt các hoạt động phát hiện sớm ổ dịch, phân tích dịch tễ, dự báo và cảnh báo sớm các loại dịch bệnh động vật, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh…
Trong định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh, mục tiêu đến năm 2025, tổng đàn gia cầm đạt 3.500.000 con; trong đó trên 30% tổng đàn được nuôi theo phương thức công nghiệp. Đến năm 2030, tổng đàn gia cầm đạt khoảng 4.500.000 con; trong đó, trên 50% tổng đàn được nuôi theo phương thức công nghiệp. Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh sẽ khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là những bệnh có khả năng lây nhiễm sang con người. Thực tế trong phòng, chống dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm ở các địa phương, công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh địa phương, lồng ghép vào các cuộc họp dân, các hội, đoàn thể… người dân sẽ hiểu và tự giác nỗ lực tham gia cùng chính quyền các cấp, các ngành chức năng liên quan trong công tác quản lý, kiểm soát, khống chế các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người theo nguyên tắc: Phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời, chống dịch khẩn trương; phát hiện nhanh, chính xác, xử lý triệt để các ổ dịch động vật, nguồn lây các ổ dịch động vật, thúc đẩy phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững.