Hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân

Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư cũng được đưa vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT). Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… đã được quỹ BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Người dân khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện phổi Đắk Lắk. Ảnh : L.H.

Người dân khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện phổi Đắk Lắk. Ảnh : L.H.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, hiện nay, cả nước có gần 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT (gồm khoảng 2.897 cơ sở KCB và gần 10.000 trạm y tế xã). Hệ thống KCB BHYT được tổ chức từ trung ương đến địa phương, gồm cả các cơ sở công lập và ngoài công lập đã giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ KCB BHYT.

Số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng qua từng năm. Trong 15 năm qua đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT. Năm 2023 có trên 174 triệu lượt KCB BHYT (tăng gần 2 lần so với năm 2009) của trên 39 triệu người sử dụng thẻ BHYT.

Trong 15 năm qua, Quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho KCB BHYT. Năm 2023, số chi KCB BHYT từ Quỹ BHYT khoảng 123 nghìn tỷ đồng, gấp 8 lần so với năm 2009. Quỹ BHYT đã thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần chăm lo sức khỏe nhân dân.

“Năm 2023, mức chi KCB BHYT bình quân cho nhóm hưu trí là 6,3 triệu đồng/người; nhóm bảo trợ xã hội là 5 triệu đồng/người, trong đó, mức đóng BHYT bình quân của các nhóm đối tượng là 1,3 triệu đồng/năm” - ông Nguyễn Đức Hòa - Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.

Thực tế những năm qua, ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, nhiều trường hợp người bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm… đã được Quỹ BHYT chi trả lên tới hàng tỷ đồng/năm. Gần đây nhất như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Quốc Trình (19 tuổi, ở Thanh Hóa) mắc căn bệnh đặc biệt hiếm Pemphigus. Sau hành trình 7 tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả gần 800 triệu đồng, đã trở về với cuộc sống bình thường.

Theo đánh giá, sau 15 năm triển khai thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng là nâng tỷ lệ bao phủ BHYT đến nay hơn 93%; quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng; chất lượng KCB nâng lên; tỷ lệ hài lòng của người bệnh tăng cao, khảo sát cả nước trên 91%...

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Nếu như năm 2008, toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số, đến năm 2015 đạt tỷ lệ 74,87%, thì đến hết năm 2023 đã đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số, tương ứng với 93,6 triệu người tham gia BHYT.

Để tiến tới đạt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số; Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi cho y tế giảm còn 35%, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, nâng cao chất lượng KCB, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực, cơ sở vật chất; tạo điều kiện cho các bệnh viện tư nhân tham gia chăm sóc, KCB bằng BHYT, góp phần giảm tải cho các bệnh viện cấp chuyên sâu và giảm thiểu tình trạng lãng phí. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người lao động, thân nhân người lao động, các đối tượng yếu thế. Rà soát bảo đảm không bỏ sót các đối tượng, thực hiện bao phủ BHYT đến mọi đối tượng trong xã hội; tính toán đề xuất mức đóng phù hợp để bảo đảm khả năng cân đối của Quỹ BHYT.

Được biết, để tăng quyền lợi cho người bệnh BHYT, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở KCB có chuyên khoa thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn, hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB theo mức hưởng quy định.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất quy định mức hưởng BHYT 100% chi phí KCB đối với một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục KCB BHYT, chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB BHYT, phân cấp chuyên môn kỹ thuật liên quan đến KCB bệnh BHYT. Đề xuất này giúp người dân tiết kiệm chi phí KCB, chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi KCB vượt cấp.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/huong-toi-muc-tieu-bao-phu-bhyt-toan-dan-10285402.html