Hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24.3.2024
BHG - Với sự nỗ lực của Chính phủ và các địa phương, trong đó có Hà Giang, những năm qua công tác phòng, chống lao (PCL) đã được quan tâm, đẩy mạnh một cách toàn diện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2024, chúng ta đã đạt được kết quả tốt nhất từ trước đến nay với số bệnh nhân lao được phát hiện hơn 113 nghìn ca, tỷ lệ điều trị thành công đạt trên 90%, cao hơn tỷ lệ này trên toàn cầu - mức 88%.
Mặc dù vậy, tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn rất nặng nề, ước tính Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới; 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao hàng năm. Năm 2023 Việt Nam đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao nhất toàn cầu.

Các y, bác sỹ Bệnh viện Phổi Hà Giang điều trị bệnh Lao cho người dân.
Tại Hà Giang, dù điều kiện KT – XH còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm, với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và của ngành Y tế, công tác PCL đã được quan tâm, thúc đẩy. Bệnh viện Phổi tỉnh với vai trò là đơn vị đầu mối PCL tuyến tỉnh đã tham mưu xây dựng kế hoạch hoạt động tổng thể cho công tác PCL trên địa bàn toàn tỉnh; tham mưu kiện toàn tổ chống lao các huyện, thành phố hoạt động thống nhất, thực hiện khám phát hiện, quản lý, điều trị, điều trị ngoại trú bệnh nhân lao và triển khai công tác PCL trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch và thực hiện việc giám sát, hỗ trợ chuyên môn định kỳ tại các huyện. Các hoạt động truyền thông PCL, hưởng ứng Ngày Thế giới PCL 24.3 hàng năm đều được triển khai đa dạng.
Bệnh viện Phổi tỉnh cũng tích cực phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình chống lao quốc gia tổ chức tập huấn triển khai thường quy xét nghiệm Xpert MTB/RIF Ultra cho cán bộ lâm sàng và cận lâm sàng; tập huấn nâng cao năng lực sàng lọc chẩn đoán lao trẻ em cho các bác sỹ tại các cơ sở y tế công – tư trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ nguồn thuốc chống lao; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các buổi hội chẩn ca bệnh nặng trực tuyến với các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện. Thực hiện quản lý bệnh nhân lao nhạy cảm, lao tiềm ẩn, lao kháng thuốc thống nhất trên một hệ thống giám sát và quản lý thông tin điện tử phiên bản mới của chương trình PCL Việt Nam.
Với nỗ lực trong công tác PCL trên địa bàn tỉnh, tổng số bệnh nhân lao thu nhận các thể năm 2023 là 731 bệnh nhân, năm 2024 là 710 bệnh nhân, trong đó lao trẻ em năm 2023 là 27 trường hợp, năm 2024 là 25 trường hợp. Theo thống kê, năm 2023, tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao các thể đạt 87,4%.
Để tiếp tục duy trì những kết quả tích cực trong công tác PCL, góp phần quan trọng vào mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2035. Trong thời gian tới, Bệnh viện Phổi Hà Giang – đơn vị đầu mối PCL tuyến tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, củng cố và triển khai mạng lưới PCL ở 100% số xã, phường, thị trấn nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác PCL; duy trì có hiệu quả các hoạt động của chương trình lao lồng ghép trong hoạt động y tế chung; duy trì tốt hoạt động khám, chữa bệnh lao và cấp phát thuốc bảo hiểm y tế; tăng cường phát hiện, quản lý điều trị lao tiềm ẩn, lao kháng thuốc, lao trẻ em, hướng dẫn các cơ sở y tế tuyến huyện chuyển mẫu bệnh phẩm về bệnh viện chuyên khoa để làm xét nghiệm sàng lọc lao sớm. Chú trọng công tác khám phát hiện bệnh lao cho trẻ em dưới 15 tuổi trong nhà trường tại các huyện; lồng ghép, phối hợp công tác PCL và hoạt động HIV/AIDS.
Để thực hiện tốt công tác PCL, rất cần sự ủng hộ, phối hợp tích cực của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương cùng với ngành Y tế triển khai đồng bộ các biện pháp PCL từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, tăng cường sự giám sát trong việc phát hiện, điều trị, hỗ trợ điều trị để giảm nhanh dịch tễ bệnh bệnh lao trong cộng đồng, hướng tới tới mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2035.