Hướng tới mục tiêu gấp đôi đầu tư hai chiều Việt Nam-Australia

Kim ngạch đầu tư hai chiều Việt Nam-Australia có những bước tiến đáng kể, hiện trị giá khoảng 2,5 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư từ Australia vào Việt Nam chiếm khoảng 75%.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, bang Nam Australia và bang Queensland, cùng Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia tiếp thị nhãn và thanh long Việt Nam tới các hội viên của Hội đồng Kinh doanh Nam Australia-Việt Nam, ngày 28/11/2021. (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)

Tổng lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, bang Nam Australia và bang Queensland, cùng Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia tiếp thị nhãn và thanh long Việt Nam tới các hội viên của Hội đồng Kinh doanh Nam Australia-Việt Nam, ngày 28/11/2021. (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)

Việt Nam và Australia đã có quan hệ hợp tác lâu dài và từ năm 2018 đã trở thành các đối tác chiến lược của nhau. Ngày 21/12/2021, Chính phủ Việt Nam và Australia đã công bố Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế kèm theo Lộ trình thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước trong giai đoạn đầu 2021-2025, hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư hai chiều và trở thành một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của nhau trên cơ sở các lợi thế so sánh riêng mang tính bổ trợ cao.

Điều dễ nhận thấy nhất là thương mại hai chiều đã phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Trong năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Australia lần đầu tiên vượt ngưỡng 12,4 tỷ USD, tăng 49,45% so với năm 2020. Nhờ đó, vị trí đối tác thương mại giữa hai nước cũng đã có sự cải thiện.

Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Australia, và ngược lại Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam, cao hơn một bậc so với năm 2020.

Về lĩnh vực đầu tư, kim ngạch đầu tư hai chiều Việt Nam-Australia cũng có những bước tiến đáng kể, hiện trị giá khoảng 2,5 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư từ Australia vào Việt Nam chiếm khoảng 75%, và Australia cũng đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 19 của Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2021, Australia đã đầu tư khoảng 550 dự án tại Việt Nam, với tổng trị giá chỉ gần 2 tỷ USD, đứng sau nhiều đối tác chưa có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như Thụy Sỹ...

So với bình quân chung của các dự án FDI, các dự án của Australia thường thấp hơn về giá trị và khoảng một nửa lượng vốn đầu tư tăng thêm trung bình hàng năm là từ việc mở rộng đầu tư của các dự án đã có, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư mới.

Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng và bất động sản, nông lâm thủy sản, y tế, khai khoáng, nghệ thuật vui chơi giải trí, và giáo dục-đào tạo.

Các nhà đầu tư Australia nổi bật tại Việt Nam bao gồm nhiều tập đoàn và công ty lớn như Austal, Blackstone Minerals, BlueScope Steel, CBH Group, LOGOS, Linfox, Mavin Group, SunRice và Đại hoc RMIT.

Đánh giá về tiềm năng đầu tư từ Australia vào Việt Nam, Phó giáo sư, tiến sỹ Chu Hoàng Long, Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho biết, Australia là nước có nguồn vốn lớn, đứng thứ 15 trong các cường quốc có đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn nhất toàn cầu.

Giá trị đầu tư tính đến năm 2020 đạt trên 600 tỷ USD, chiếm gần trên 1.5% tổng lượng đầu tư FDI của thế giới với điểm đến chính là các nước phát triển. Cơ cấu đầu tư tập trung vào chế biến-chế tạo, dịch vụ tài chính và bảo hiểm, khai khoáng. Ngoài đầu tư trực tiếp, Australia còn có các khoản đầu tư tài chính lớn như đầu tư danh mục và đầu tư phái sinh.

Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành tại Lễ phát động Chương trình xây dựng thương hiệu cá tra, cá basa tại Australia và Tiếp thị chanh leo đông lạnh nguyên quả Việt Nam, tại bang Victoria tháng 11/2021. (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành tại Lễ phát động Chương trình xây dựng thương hiệu cá tra, cá basa tại Australia và Tiếp thị chanh leo đông lạnh nguyên quả Việt Nam, tại bang Victoria tháng 11/2021. (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)

Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về vốn đầu tư, đặc biệt trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh để thoát bẫy thu nhập trung bình và phát triển bền vững. Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, dồi dào, giá rẻ và các nguồn lực tự nhiên có thể kết hợp hiệu quả với vốn từ Australia để phát triển sản xuất.

Australia là nước có thế mạnh về khoa học công nghệ, dịch vụ, khai khoáng, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao trong khi Việt Nam có nhu cầu lớn về phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp bền vững và các dịch vụ hỗ trợ cho nền kinh tế.

Chưa kể đến việc thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam có thể tiếp thu các năng lực quản trị, hoạch định, thực thi chính sách hiệu quả.

Việt Nam có vị trí thuận lợi là cửa ngõ vào các thị trường rộng lớn ở Đông Bắc Á thuộc châu lục sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ lớn nhất thế giới.

Hơn thế nữa, tác động cộng hưởng của các hiệp định thương mại khu vực mà Việt Nam và Australia tham gia như Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) khiến Việt Nam trở thành địa bàn đầu tư hấp dẫn.

Theo tiến sỹ Chu Hoàng Long, có một số nguyên nhân dẫn đến tình hình đầu tư của Australia vào Việt Nam chưa phát huy tiềm năng như kỳ vọng.

Thứ nhất, Australia có truyền thống và xu hướng đầu tư vào các nước có trình độ phát triển và cơ cấu kinh tế tương tự như Australia. Ở châu Á, Australia cũng đầu tư chủ yếu vào Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), hoặc những thị trường lớn như Trung Quốc.

Do vậy, các doanh nghiệp Australia có thể chưa có nhiều thông tin và kinh nghiệm hoạt động ở các môi trường đang phát triển như Việt Nam.

Thứ hai, một số lĩnh vực Australia có thế mạnh như dịch vụ tài chính, bảo hiểm, giáo dục, là các dịch vụ trong 10 năm gần đây mới phát triển mạnh và có thị trường lớn ở Việt Nam và Việt Nam mới mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực này.

Thứ ba, các doanh nghiệp Australia gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin về môi trường đầu tư của Việt Nam do các nguồn, kênh thông tin còn quá hạn chế, thông tin chưa rõ ràng. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết không biết hoặc biết sơ qua chiếm trên 50%, đáng chú ý là 2/3 số doanh nghiệp được hỏi đã có đầu tư hoặc từng cân nhắc đầu tư vào Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành làm việc với đại diện trường Đại học RMIT, trao đổi về kế hoạch mở rộng Đại học RMIT tại Việt Nam, tháng 11/2021. (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành làm việc với đại diện trường Đại học RMIT, trao đổi về kế hoạch mở rộng Đại học RMIT tại Việt Nam, tháng 11/2021. (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)

Thứ tư, các yếu tố bất thuận từ môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam khiến các doanh nghiệp Australia quan ngại, trong đó ba yếu tố bị đánh giá thấp nhất qua khảo sát là: (i) tình trạng thiếu minh bạch và nhất quán của các cơ quan chính quyền (ii) thủ tục hành chính phiền hà; và (iii) thực thi pháp luật kém.

Tiếp đến là các khó khăn, hạn chế về cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp hỗ trợ, hệ thống thuế, thiếu lao động trình độ cao, cạnh tranh không bình đẳng...

Các nguyên nhân trên làm môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện lên trong mắt các doanh nghiệp Australia kém hấp dẫn và cạnh tranh hơn các thị trường khác trong khu vực.

Như vậy, theo tiến sỹ Chu Hoàng Long, để thúc đẩy đầu tư từ Australia, Việt Nam cần chủ động và tranh thủ sự hỗ trợ của Australia và các đối tác khác để cải tiến môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực quản trị, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng số hóa, nâng cao chất lượng nguồn lao động, thúc đẩy thông tin, quảng bá, xúc tiến đầu tư, tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp./.

Nguyễn Minh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/huong-toi-muc-tieu-gap-doi-dau-tu-hai-chieu-viet-namaustralia/780984.vnp