Hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản
Xuất khẩu nông sản đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, là giải pháp quan trọng phát huy được lợi thế so sánh trong sản xuất nông nghiệp khi tham gia thị trường tiêu thụ nông sản thế giới. Tuy nhiên trên thực tế, việc sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản còn gặp khó khăn, xuất phát từ yêu cầu chất lượng, năng lực cạnh tranh, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của sản phẩm cũng như các rào cản khi gia nhập thị trường thế giới. Vì vậy, xây dựng các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản đang là vấn đề đặt ra hiện nay.
Kỳ I: Đa dạng nông sản phục vụ xuất khẩu
Phú Thọ là vùng Đất Tổ với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng. Nơi đây có địa hình đa dạng với nhiều tiểu vùng khí hậu và sinh thái khác nhau, là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp với nhiều chủng loại cây trồng, vật nuôi. Xác định được tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu nhằm mục tiêu giá trị gia tăng cao, hiệu quả bền vững.
Vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu tại xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn.
Lợi thế nhiều, tiềm năng lớn
Phú Thọ có điều kiện tự nhiên phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới; nguồn tài nguyên đất đai phong phú thuận lợi cho phát triển nông nghiệp sản phẩm hàng hóa đa dạng. Một số sản phẩm của tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực và cả nước: Diện tích chè đứng thứ ba cả nước; diện tích cây bưởi đứng thứ tư, tổng đàn lợn đứng thứ hai, tổng đàn gà và diện tích nuôi cũng thuộc tốp đầu các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Một số sản phẩm đã khẳng định chất lượng, đạt được các giải thưởng uy tín như: Bưởi Đoan Hùng ba lần được vinh danh Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam; giống lúa J02 đạt giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam; thương hiệu chè Phú Hộ Farm đạt Huy chương Vàng cuộc thi trà quốc tế Bắc Mỹ tại Canada năm 2016...
Với trên 5.600ha bưởi, trong đó diện tích cho thu hoạch 3.765ha, sản lượng bình quân trên 40.000 tấn/năm, bưởi là một trong những loại cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu cao do được trồng tập trung, hình thành các vùng sản xuất lớn. Từ những lợi thế của sản phẩm bưởi Đoan Hùng và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, tháng 1/2022, đợt hàng xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Nga được thực hiện với 3,6 vạn quả bưởi Đoan Hùng, tương đương khoảng 40 tấn. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, tỉnh Phú Thọ cũng đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản để giới thiệu một số doanh nghiệp đến tìm hiểu, nghiên cứu nhằm có hướng xuất khẩu bưởi Đoan Hùng sang thị trường Nhật Bản.
Toàn tỉnh có hơn 15.000ha chè, sản lượng trung bình đạt khoảng 12,2 tấn/ha; tổng sản lượng chè búp tươi bình quân đạt trên 185.000 tấn/năm, chè búp khô đạt gần 55.000 tấn/năm, trong đó tỉ lệ chế biến thành chè đen xuất khẩu đạt trên 60%. Sản phẩm chè của Phú Thọ đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Đông, EU, Nam Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Pakistan... Cùng với cây chè, chuối tây cũng là một trong những mặt hàng nông sản đã thực hiện được việc cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.700ha chuối, trong đó diện tích đang cho sản phẩm gần 3.600ha.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Nông, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, trước đây, mặt hàng chuối xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và đi theo đường tiểu ngạch nên thường bị phía đối tác ép giá, đồng thời cũng rất khó để vào các thị trường khó tính. Việc thực hiện theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch và được cấp mã số vùng trồng là cơ hội thuận lợi để liên kết với một số doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác nhằm tránh phụ thuộc và bị động với thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh những loại nông sản kể trên, sản phẩm từ cây gai xanh, cây quế cũng có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Các mặt hàng nông sản thuộc lĩnh vực chăn nuôi như thịt gia súc, gia cầm, trứng... cũng có tiềm năng rất lớn.
Các “rào cản” cần hóa giải
Tuy đạt được kết quả bước đầu trong xuất khẩu nông sản nhưng nhiều mặt hàng khi đưa ra thị trường đang còn ở dạng thô, mới chỉ qua sơ chế, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Nhiều địa phương diện tích để sản xuất vẫn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đồng nhất. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy quy mô lớn chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả. Do vậy, cây ăn quả của tỉnh chủ yếu được phân loại, sơ chế và xuất đi tiêu thụ quả tươi, một phần xuất qua hợp đồng tiêu thụ, xúc tiến thương mại, còn lại giá cả không ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro khác. Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, thiếu vốn, không xuất khẩu trực tiếp được mà phải thông qua đầu mối trung gian, khó tiếp cận vào thị trường quốc tế.
Với sản phẩm đã qua chế biến như chè xuất khẩu của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng chủ yếu vẫn ở dạng nguyên liệu thô nên giá trị gia tăng thấp. Sản phẩm chè khô hầu hết xuất khẩu vào các thị trường dễ tính hoặc xuất qua trung gian, rất ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trực tiếp vào thị trường yêu cầu chất lượng cao.
Việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn về chất lượng trong các sản phẩm nông sản cũng là vấn đề cần phải thực hiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, một số chủ thể chỉ duy trì các chứng chỉ như VietGAP, HACCP, QSEAP, đặc biệt là chứng chỉ ISO trong thời gian được hỗ trợ nhiều. Sau khi chương trình hỗ trợ hết hiệu lực, nhiều chủ thể không gia hạn và duy trì khiến cho trong quá trình xuất khẩu dễ bị chặn lại bởi rào cản kỹ thuật, rào cản chất lượng của các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việc cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý cho các vùng trồng nông sản xuất khẩu đóng vai trò hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, cấp mã số vùng trồng đến nay vẫn còn gặp khó khăn. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ, hiện tỉnh mới có gần 20 vùng nông sản tại địa phương được cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm bưởi và chuối. Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khẳng định: Theo đà phát triển, chính sách nhập khẩu liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nông sản có nhiều thay đổi, đòi hỏi chất lượng nhập khẩu ngày càng cao hơn. Để đủ điều kiện xuất khẩu, tất cả các loại nông sản đều phải áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đồng nhất về canh tác, phòng trừ dịch bệnh và xử lý thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch. Toàn bộ diện tích nông sản phục vụ xuất khẩu khi đã được cấp mã vùng trồng đều được ghi nhật ký, nhật trình sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và định vị vị trí trồng, được dán tem, truy xuất nguồn gốc… Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn thiếu doanh nghiệp trực tiếp đứng ra hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Hầu hết các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn phải liên kết với các doanh nghiệp ngoại tỉnh để thực hiện quy trình xuất khẩu nên giá trị không cao.
Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc xuất khẩu nông sản của tỉnh chưa xứng với tiềm năng, lợi thế. Ngoài ra, còn một số yếu tố khác như cấp mã số cơ sở đóng gói chưa được thực hiện; mẫu mã, bao bì của các sản phẩm còn đơn điệu, thiếu thông tin nên chưa thu hút được khách hàng quốc tế; thông tin giới thiệu về doanh nghiệp, sản phẩm nông sản trên các website thương mại điện tử quốc tế không đầy đủ, không cập nhật thường xuyên hoặc không có ngôn ngữ tiếng Anh cũng là hạn chế trong việc quảng bá và giới thiệu nông sản Phú Thọ ra thị trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, căn cơ, kịp thời khắc phục, tháo gỡ những “rào cản”.
KỲ II: Để nông sản Đất Tổ vươn ra thị trường quốc tế.
Nhóm PV Kinh tế
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/huong-toi-muc-tieu-xuat-khau-nong-san/185527.htm