Hướng tới Net Zero, nền nông nghiệp đứng trước cơ hội chuyển mình

Việc xây dựng nông nghiệp bền vững hướng tới Net Zero vào năm 2050, sự hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp đóng vai trò then chốt.

Ngày 19-12, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu mở đầu

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu mở đầu

Phát biểu mở đầu, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết trong cơ cấu phát thải khí nhà kính của Việt Nam, ngành nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, chiếm tới 43% tổng lượng phát thải quốc gia.

Đây cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng từ tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, việc chuyển đổi mô hình theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và phát thải thấp là sự lựa chọn được ưu tiên hàng đầu; đồng thời cũng là cơ hội chuyển mình mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

Trong quá trình xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp đóng vai trò then chốt. Chuỗi giá trị bền vững không chỉ bao gồm sản xuất, mà còn mở rộng từ khâu chế biến, bảo quản, đến tiêu thụ sản phẩm.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, sự phát triển nhanh chóng của nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn vươn xa đến các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ và Australia... Thành công này không chỉ khẳng định chất lượng nông sản Việt Nam mà còn cho thấy tiềm năng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp phát thải thấp không chỉ là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng thị trường quốc tế mà còn là con đường sống còn

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp phát thải thấp không chỉ là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng thị trường quốc tế mà còn là con đường sống còn

Tuy nhiên, trong bối cảnh tiêu chuẩn toàn cầu ngày càng khắt khe, đặc biệt là yêu cầu sản xuất nông nghiệp "xanh – sạch – ít phát thải", Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp phát thải thấp không chỉ là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng thị trường quốc tế mà còn là con đường sống còn để bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị cho người nông dân.

Các đại biểu chủ trì diễn đàn

Các đại biểu chủ trì diễn đàn

PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng đối với nông nghiệp sinh thái, nếu làm đúng chuẩn thì tăng năng suất khoảng 10%, tăng lợi nhuận khoảng 30% và tiết kiệm được 40% nước, giảm thuốc bảo vệ thực vật 30% và giảm 11 tấn CO2/năm.

Còn ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Cần Thơ, nói: "Theo mục tiêu tín dụng xanh, phát thải thấp, nhu cầu vốn cần huy động 144 tỉ USD, riêng dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cần 2,7 tỉ USD. Thời gian qua, để thực hiện mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai rất quyết liệt và tập trung nguồn vốn vào đúng nhu cầu, hỗ trợ nền kinh tế, hướng nguồn vốn vào tín dụng xanh".

Tin-ảnh: Ca Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/huong-toi-net-zero-nen-nong-nghiep-dung-truoc-co-hoi-chuyen-minh-196241219133623576.htm