Hướng tới phiên tòa không khoảng cách

Việc xây dựng tòa án điện tử, trong đó tổ chức các phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu khi cả xã hội và các ngành, các cấp đang chuyển đổi số mạnh mẽ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mục tiêu hướng tới 100% các phiên tòa được xét xử trực tuyến cũng là cụ thể hóa đường lối của Đảng, Quốc hội tại Nghị quyết số 33 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Theo nội dung này, tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đối với các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Hình thức xét xử này cho phép bị hại, người làm chứng, luật sư và những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các địa điểm khác nhau với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ.

Có thể thấy, xét xử trực tuyến giúp người tham gia tố tụng không còn cảm giác “ngại”, “sợ” khi xuất hiện tại tòa án, tạo sự bình đẳng cho các bên tham gia tố tụng. Trong một số vụ án như vụ án hình sự về tội xâm hại tình dục, người tham gia tố tụng là người bị xâm hại tình dục, nạn nhân của tội phạm bạo lực gia đình, người làm chứng, người tố giác tội phạm… vì lý do giữ gìn danh dự, an toàn cá nhân, nên họ không cần thiết phải đến điểm cầu trung tâm để xét xử trực tiếp.

Lợi ích từ việc xét xử trực tuyến có nhiều, nhưng cũng không ít thách thức đang đặt ra. Một trong những thách thức đó là nhận thức và thực hiện xét xử trực tuyến của cán bộ, công chức ngành tòa án còn hạn chế, nhất là việc lựa chọn các vụ án để xét xử trực tuyến.

Như vừa qua, Tòa án nhân dân TPHCM lựa chọn “đại án” ngành đăng kiểm ra xét xử sơ thẩm theo hình thức trực tuyến đối với 254 bị cáo là hợp lý. Bởi vụ án xảy ra ở phạm vi cả nước, với nhiều bị can, người liên quan ở phạm vi rộng. Việc xét xử tập trung, trực tiếp sẽ nảy sinh nhiều khó khăn cho cơ quan xét xử, nhất là địa điểm tổ chức phiên tòa.

Vừa qua, tại hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số ngành tòa án, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị ngành tòa án phải tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng phù hợp công cụ chuyển đổi số, đẩy mạnh khai thác, sử dụng, phát triển nền tảng xét xử trực tuyến hướng tới 100% tòa án đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực tổ chức xét xử trực tuyến.

Để phối hợp nhịp nhàng, cần có một quy chế phối hợp giữa tòa án và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về tổ chức phiên tòa trực tuyến cụ thể, rõ ràng.

GIA KHÁNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/huong-toi-phien-toa-khong-khoang-cach-post745826.html