Hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh

Rơm rạ, lõi ngô, bã mía, vỏ cà phê, vỏ sắn... là những phụ phẩm nông nghiệp trước đây thường chỉ đốt bỏ hoặc xả bừa bãi vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí tài nguyên. Giải quyết vấn đề đó, một số doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các biện pháp tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất đầu vào, thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, giảm chi phí sản xuất và giảm tối đa lượng chất thải ra môi trường.

Mô hình trồng cây ăn quả của nông dân xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón.

Mô hình trồng cây ăn quả của nông dân xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, với công suất 5.000 tấn mía/ngày và khoảng 600.000 tấn mía/vụ, thải ra hàng chục nghìn tấn bã mía và bã bùn mía mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, cho biết: Bã mía thải ra trong quá trình chế biến đều được Công ty sử dụng một phần làm nhiên liệu đốt phát điện cho nhà máy, giảm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện, Công ty còn có một phân xưởng chế biến với dây chuyền sản xuất phân vi sinh từ 5.000-6.000 tấn phân bùn ủ men dùng cho bón thúc và bón lót vùng nguyên liệu mía và 3.000-4.000 tấn tro lò để bón cho cây mía, rau, cây ăn quả. Sản xuất khép kín, tuần hoàn đã giúp Công ty tiết kiệm tối đa chi phí, bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra giá trị trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, như: Tại một số cơ sở chế biến tinh bột sắn đã sử dụng vỏ sắn để sản xuất phân bón; HTX cà phê Bích Thao chế biến vỏ cà phê thành sản phẩm trà vỏ cà phê; vỏ cà phê được xử lý lên men làm phân bón hữu cơ tái sản xuất; hạt, vỏ, cành, nhãn sau khi làm long nhãn được các cơ sở chế biến sử dụng làm nguyên liệu đốt, sấy nhãn và làm phân bón; rơm, rạ, lõi ngô làm chất đốt và làm nguyên liệu trồng nấm, ủ làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông; làm vật liệu, chất độn, lõi ngô ép, than sinh học...

Trong chăn nuôi, thông qua các dự án hỗ trợ các bon thấp, mô hình làm đệm lót sinh học, mô hình tuần hoàn khép kín, góp phần xử lý chất thải chăn nuôi dùng làm khí đốt, hoặc phân bón cho cây trồng, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi. Toàn tỉnh hiện có 233 trang trại nuôi bò sữa và nuôi lợn tập trung đều cơ bản đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường chăn nuôi, có hệ thống xử lý chất thải biogas, máy ép phân, sục khí... có khu khử trùng ra vào chuồng trại. Đối với chăn nuôi nông hộ, đã xây dựng 3.048 công trình xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể khí biogas. Chăn nuôi quy mô hộ đã xuất hiện những mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín, tận dụng tối đa chất thải nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, lợi nhuận kinh tế.

Điển hình là mô hình tuần hoàn khép kín chăn nuôi gia súc - giun quế - cây trồng của anh Tạ Văn Nội, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn. Năm 2021, dù mới là năm thứ 3 thực hiện mô hình, với 5 ha cây ăn quả, 2 ha trồng cỏ voi, nuôi nhốt 15 con trâu và 4 chuồng nuôi giun quế tổng diện tích 120 m², gia đình anh Nội thu từ bán phân bón, cung cấp sinh khối giun chăn nuôi, dịch trùn quế cho các hộ chăn nuôi, bán trâu thương phẩm và thu hoạch cây ăn quả, tổng thu nhập đạt khoảng 800 triệu đồng. Anh Nội chia sẻ: Mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín giúp chúng tôi chủ động hơn trong sản xuất, các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp đều nằm trong quy trình sản xuất khép kín, vừa nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường.

Việc tái chế, sử dụng phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp để tái sản xuất đã đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập và đóng góp tích cực vào chương trình tăng trưởng xanh của địa phương. Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, HTX vẫn chưa tích cực khai thác và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để chế biến phế, phụ phẩm nông nghiệp, gây lãng phí và giảm thu nhập khi phải bỏ ra các khoản chi phí phục vụ sản xuất.

Để sử dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp hữu ích, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng những mô hình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp hiệu quả; chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng ủ phân bón, cải tạo đất, bổ sung dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp, nhất là tại các địa phương có diện tích trồng trọt và quy mô chăn nuôi lớn.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/huong-toi-san-xuat-nong-nghiep-xanh-48538