Hướng tới thế hệ nông dân chuyên nghiệp
Bắc Kạn
đang tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến hàng nông sản thực phẩm. Quá trình thực hiện cho thấy, nhiều nông dân có tri thức, dám nghĩ, dám làm, luôn đi đầu trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa một cách chuyên nghiệp.
Câu chuyện liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giữa nông dân và doanh nghiệp có kết thúc buồn không thiếu. Tình trạng ký kết hợp đồng trồng củ dong và bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn diễn ra hằng năm có sự chứng kiến của chính quyền. Tuy nhiên, nếu giá dong giảm sâu, sẽ có doanh nghiệp không thực hiện cam kết theo hợp đồng.
Ở chiều ngược lại, khi giá củ dong tăng cao thì người dân cũng chẳng vừa. Vừa tăng giá, vừa bán cho tư thương khác khiến cho doanh nghiệp không kịp trở tay. Lẽ ra, trong những trường hợp doanh nghiệp hoặc người dân không tuân thủ hợp đồng đã cam kết thì chính quyền cần có biện pháp chế tài theo các điều khoản trong hợp đồng, tránh được tình trạng để người nông dân cũng như doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi. Hơn thế, việc tuân thủ pháp luật cần phải được tôn trọng.
Tương tự, hợp đồng trồng và bao tiêu củ khoai tây giữa doanh nghiệp ở Thái Bình với một số địa phương trong tỉnh ta những năm đầu rất tốt. Tạo điều kiện cho nông dân thu nhập vụ 3 rất hiệu quả, trong khi đó doanh nghiệp cũng có nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, những vấn đề nảy sinh rất nhỏ mà dẫn tới doanh nghiệp phải dừng đầu tư.
Nguyên do được nhà đầu tư than thở là khi thu hoạch thì củ to người dân bán chỗ khác, củ nhỏ mới “dành” cho nhà đầu tư; không có bãi tập kết khoai tây; việc cân hay bị nhầm lẫn; tập kết dọc đường thì vi phạm an toàn giao thông và bị xử phạt… do vậy, doanh nghiệp không trụ được. Thực tế, những vấn đề này nếu có sự chỉ đạo xuyên suốt thì rất dễ giải quyết vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho người dân, đồng thời nông dân cũng phải đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ cho nhà đầu tư thì mới bền vững được… tuy nhiên, đó là chuyện của những năm trước.
2 năm trở lại đây, tình trạng “bẻ cò” không còn diễn ra. Do vậy, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp rất suôn sẻ mang lại lợi ích cao, tạo sự tin tưởng lẫn nhau. Có thể kể tới liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp sản xuất bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp như khoai tây, dưa chuột Nhật, ớt, bí xanh thơm, dong riềng...
Không những thế, nông dân hầu như được hưởng lợi. Ví dụ, bí xanh thơm được doanh nghiệp ký bao tiêu 5.000 đồng/kg thì thực tế, doanh nghiệp đã mua tới 7.000 - 8.000 đồng/kg; ớt được ký 10.000 đồng/kg thì doanh nghiệp bao tiêu với giá 14.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên tới 40.000 đồng/kg; dưa chuột Nhật được doanh nghiệp thu mua toàn bộ, cả quả kém chất lượng. Đến nỗi, lão nông ở xã Hòa Mục (Chợ Mới) phải lo lắng vì sợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng kém chất lượng dẫn tới Nhật Bản không mua nữa thì nông dân không có việc làm…
Ở xã Mỹ Phương (Ba Bể), khi biết tư thương thu mua giá dong riềng cao hơn giá của Cơ sở Nhất Thiện, cán bộ xã đã trực tiếp xuống thôn phân tích thiệt hơn cho người dân trồng dong là nếu cứ phá hợp đồng thì không có doanh nghiệp nào dám làm ăn với chúng ta đâu. Trong khi đó, cơ sở chế biến tại xã năm nào cũng thu mua đảm bảo đầu ra, không để bà con thiệt thòi. Không những thế, cơ sở luôn mua theo giá thị trường khi giá cao, còn khi giá thấp thì cơ sở vẫn đảm bảo mua theo giá hợp đồng để người dân có lãi.
Qua những câu chuyện trên cho thấy, người dân làm nông nghiệp bắt đầu nhận thức được tính chuyên nghiệp trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo xu thế kinh tế thị trường.
Bởi lẽ, muốn có một nền nông nghiệp hàng hóa phải có được một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Nếu xem xét và phân tích kỹ thì số lượng nông dân làm giàu được từ nông nghiệp là những người nông dân biết đổi mới. Họ biết tự học, tự trang bị kiến thức, phương tiện, khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất nông nghiệp mang tính chất hàng hóa, chuyên nghiệp.
Có thể kể đến nông dân Lý Phúc Ba, ở thôn Nà Hai, xã Quảng Khê (Ba Bể), tự mày mò trồng dưa hấu, dưa lưới trong nhà màng, nấu rượu men lá… các sản phẩm của anh Lý Phúc Ba đều có chất lượng rất cao, được thị trường tin dùng. Những nông dân đã trở thành giám đốc có thương hiệu như HTX Nhung Lũy, HTX Yến Dương, HTX Trần Phú, HTX thanh niên Như Cố… không những sản xuất, kinh doanh giỏi mà họ còn vận dụng công nghệ số một cách thuần thục để tiêu thụ sản phẩm; truyền cảm hứng để thúc đẩy những nông dân trẻ mạnh dạn khởi nghiệp.
Có thể thấy, Bắc Kạn đang hình thành phát triển một thế hệ “Nông dân chuyên nghiệp” có trình độ, tay nghề cao, biết ứng dụng công nghệ gắn với thị trường; biết chủ động liên kết để hợp tác làm ăn nhằm tiêu thụ sản phẩm ổn định./.