Hướng về cơ sở, phục vụ nhân dân

Hơn 1,5 năm triển khai, mô hình 'Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân' do Công an TP Đà Nẵng phát động đã mang lại hiệu quả đột phá trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) cơ sở, đặc biệt tạo cơ hội để người dân tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn các thủ tục hành chính. Mô hình lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ Công an luôn gần gũi, hướng về người dân, hết lòng vì nhân dân phục vụ.

Công an phường Xuân Hà (Q. Thanh Khê) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ngoài giờ làm việc.

Công an phường Xuân Hà (Q. Thanh Khê) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ngoài giờ làm việc.

Khi cán bộ chiến sĩ Công an chờ dân

Mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân" ra đời vào ngày 3-12-2021, đúc kết từ kinh nghiệm và tâm huyết của lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng, tiếp nối chương trình cùng cán bộ và nhân dân Đà Nẵng triển khai thực hiện, tạo tiếng vang lớn trong cả nước như "thành phố 5 không, 3 có, 4 an", "thành phố đáng sống, đáng đến", lực lượng tuần tra 8394, lực lượng 911…

Nội dung trọng tâm của mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân" là duy trì có hiệu quả công tác đảm bảo ANTT và tập trung giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho nhân dân ngoài giờ hành chính tại Công an các xã, phường; cán bộ, chiến sĩ Công an tăng cường về cơ sở gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tổ chức công tác đảm bảo ANTT, TTATGT, PCCC…

Trong giai đoạn đầu, Công an TP Đà Nẵng triển khai thí điểm tại một đơn vị Công an phường (CAP), Công an xã (CAX) tương ứng với 7 quận, huyện. Với mục tiêu hướng đến là "lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá", các CAP thí điểm từ đó linh hoạt triển khai nhiều cách làm phù hợp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu.

Thiếu tá Bùi Thanh Xuân- Trưởng CAP Hải Châu 1 (Q. Hải Châu) một trong 7 đơn vị được chọn thí điểm mô hình cho biết: "Ngoài duy trì về cơ sở tiếp xúc, gặp gỡ các lực lượng an ninh cơ sở, nhân dân, CAP thiết lập đường dây nóng, khi cần thì người dân thông tin qua đường dây nóng sẽ có cán bộ tiếp nhận và theo nội dung triển khai thì các TTHC đều được giải quyết nhanh nhất để người dân yên tâm".

Tại phường Phước Mỹ (Q. Sơn Trà), người dân đã quen với việc "cứ chập tối là thấy Công an chờ dân". Những người bận rộn làm ăn, lại càng vui hơn. Bởi vậy, khi thấy Cảnh sát khu vực (CSKV) về địa bàn, ông Phạm Tiến Lộc (trú Tổ 68) liền tìm đến nhờ hướng dẫn về thủ tục nhập khẩu. Sau khi được CSKV hướng dẫn đến gặp Thượng úy Phạm Phúc Vinh, ông đến trụ sở CAP ngay. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông về khoe với hàng xóm: "Xong rồi, hồ sơ nhập khẩu xong rồi. "Mới nghe thông báo có tiếp dân ngoài giờ hành chính là tôi đến ngay, quả đúng như "lời đồn" lâu nay về lực lượng Công an TP Đà Nẵng". "Công an tăng ca thì người dân đỡ cực, đơn vị chúng tôi hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân tốt hơn. Chính sự hài lòng của người dân sẽ là thước đo, cũng là động lực cho cán bộ, chiến sĩ Công an phường Phước Mỹ hết mình vì công việc, phục vụ người dân…", Thiếu tá Hoàng Phan Nông Hòa- Trưởng CAP Phước Mỹ chia sẻ.

Cấp căn cước công dân bằng xe lưu động.

Cấp căn cước công dân bằng xe lưu động.

Tăng ca ở tất cả các lĩnh vực công tác

Mô hình chưa hết giai đoạn thí điểm giai đoạn 1, Trưởng Công an các quận, huyện và lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng liên tiếp nhận được kiến nghị được triển khai mô hình tại Công an các phường xã. Cứ thế Công an 56 xã, phường đồng loạt triển khai, như một đợt thi đua.

Trung tá Lê Văn Tín- Trưởng CAP Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu) cho biết: "Lãnh đạo Công an TP đặc biệt quan tâm đến hiệu quả của mô hình. CAP không những được hỗ trợ rất nhiều về con người, phương tiện, sự hỗ trợ của các phòng, ban từ Công an TP. Bên cạnh đó, các đợt tăng cường cán bộ chiến sĩ chuyên môn cao từ những đơn vị nghiệp vụ đã giúp CAP rất nhiều trong giải quyết các TTHC. Với kế hoạch này, người dân có thể đến trụ sở hoặc ở tại nơi cư trú là có thể giải quyết được TTHC nhanh gọn, chính xác".

Tại xã miền núi Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), địa phương có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số (Cơ Tu) nhiều nhất Đà Nẵng, mô hình càng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hơn bao giờ hết. Trung tá Lê Văn Tư- Trưởng Công xã Hòa Bắc bộc bạch: "Đồng bào Cơ Tu xưa nay có truyền thống du canh du cư, nên ít quan tâm đến các TTHC cơ bản nhất như đăng ký kết hôn, khai sinh cho con, làm giấy tờ tùy thân. Tuy bây giờ đã định cư nhiều năm, nhưng cá biệt vẫn có nhiều người vẫn chưa coi trọng đến các TTHC. Qua quá trình triển khai mô hình, chúng tôi có dịp tìm hiểu, tiếp cận, tuyên truyền, hướng dẫn và liên hệ để giải quyết cho bà con. Ngược lại, từ thông tin của bà con, chúng tôi cũng nắm bắt khá nhiều thông tin về địa bàn miền núi rộng lớn và hiểm trở như Hòa Bắc để triển khai các kế hoạch đảm bảo ANTT, quản lý hành chính, PCCC… Từ việc thực hiện mô hình, mỗi cán bộ chiến sĩ cũng nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân, xây dựng phong cách làm việc khoa học, kỹ năng ứng xử, giao tiếp chuyên nghiệp".

Ở một khía cạnh khác, Trung tá Hồ Ngọc Bách- Trưởng CAP Hòa An (Q. Cẩm Lệ) chia sẻ: "Mô hình tăng ca đã tạo bước đột phá, góp phần giúp CAP Hòa An hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhờ thế CAP Hòa An là 1 trong 3 đơn vị dẫn đầu của TP Đà Nẵng trong công tác thu nhận thông tin, cấp căn cước công dân, kết quả từ nỗ lực "đi từng ngõ, gõ từng nhà" của cán bộ chiến sĩ đơn vị".

Dù mỗi địa bàn có đặc điểm riêng, cách thức thực hiện mô hình cũng từ đó uyển chuyển, linh hoạt, tuy nhiên nội dung "phục vụ nhân dân" là bao trùm, không thay đổi. Từ sự tiếp nhận, đồng thuận của người dân, có thể nói mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân" hay "Công an tăng ca phục vụ nhân dân" là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, đậm tính nhân văn của Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng. Mô hình tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ về tác phong, thái độ, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ chiến sĩ Công an, thể hiện đúng tinh thần "Vì nhân dân phục vụ"; củng cố niềm tin, sự hài lòng, ủng hộ, tạo hiệu ứng lan tỏa về những hình ảnh đẹp, gần gũi, thân thiện của người cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân. Mô hình được Bộ Công an ghi nhận, biểu dương, thông báo nhân rộng trên toàn quốc, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng công nhận là sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với TP Đà Nẵng.

Con số gần 200 hộ dân được lực lượng Công an cơ sở thăm, gặp, làm việc; gần 80.000 lượt cán bộ chiến sĩ Công an nòng cốt tại cơ sở làm việc ngoài giờ hành chính để tiếp nhận, xử lý gần 140 nghìn tin báo phản ánh liên quan đến ANTT, tổ chức hơn 10.091 ca/121.079 lượt cán bộ cơ sở tuần tra kiểm soát, hóa trang, mật phục, phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 3.000 vụ/gần 8.000 lượt đối tượng vi phạm trên các lĩnh vực; thu thập gần 3.000 thông tin có giá trị phục vụ các mặt công tác… đã nói lên tất cả, rằng mô hình thực sự đi vào lòng dân, được nhân dân đón nhận và hết lòng hỗ trợ.

P.V

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/huong-ve-co-so-phuc-vu-nhan-dan-post281933.html