Hướng về Trường Sa bằng những việc làm thiết thực, nhiệt huyết
Trong những ngày tháng 4/2025, Hội Biển đảo Việt Nam tổ chức liên tiếp các đợt tiếp nhận, vận chuyển quà tặng ra quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 nhằm hỗ trợ quân và dân nơi đầu sóng; thể hiện tình yêu nước, lòng tri ân và trách nhiệm của cộng đồng đối với biển đảo Tổ quốc.

Các em học sinh gấp hạc giấy gửi ra quần đảo Trường Sa.
Hơn 10 năm qua, đồng hành cùng biển đảo Tổ quốc của các thành viên Hội Biển đảo Việt Nam là hành trình đầy nhiệt huyết. Từ những món quà thiết thực mà ấm áp tình người, đến những lá cờ Tổ quốc, thư viết tay, bưu thiếp của học sinh cả nước… đều quy tụ về Hội để được đóng gói bảo quản, theo chuyến tàu đến với Trường Sa, với DK1 - nơi gian khó mà vững vàng, kiên trung.

Các thành viên nữ của Hội Biển đảo Việt Nam tham gia đóng gói hàng quà.
Mỗi năm, có nhiều dịp chuyển quà ra biển đảo. Tết đến xuân về, khi đất liền rộn ràng trong sắc đào, sắc mai, những chuyến tàu nghĩa tình lại lặng lẽ vượt sóng mang theo bánh chưng, mứt, kẹo, bánh… và đặc biệt là hoa Tết (đào, mai, phong lan) ra đảo.

Những cánh thư vượt sóng.
Mùa hè, khi nắng vàng phủ lên những con sóng bạc đầu, cả nước lại chuyển các bầu cây xanh, cây cảnh chịu được nắng gió, vật dụng thiết yếu như mang theo hơi thở mát lành của đất mẹ tới đảo xa. Mỗi món quà vừa là sẻ chia về vật chất, vừa chất chứa lời nhắn nhủ đầy xúc động: Đất liền đồng hành cùng những người lính đang canh giữ bình yên cho Tổ quốc.
Mỗi món quà gửi ra Trường Sa, Nhà giàn DK1 là sự kết nối yêu thương của đất liền. Chúng tôi luôn cố gắng chọn những món quà thiết thực, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, công tác của người lính. Dịp Tết là hương vị sum vầy, dịp hè là món quà của sức sống, tiếp sức cho màu xanh nơi biển mặn. Đặc biệt, những bức thư tay, hạc giấy của các em học sinh luôn khiến chúng tôi xúc động bởi đó là tấm lòng trong trẻo, hồn nhiên nhưng chứa chan tình cảm. - Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam Trần Vũ Thành.
Năm nay, Hội Biển đảo Việt Nam đã phối hợp nhiều tổ chức và cá nhân thực hiện các đợt ủng hộ. Trong đó, tiền mặt do các thành viên Công ty cổ phần Công nghệ môi trường SYL, Hội viên tham gia đoàn công tác ủng hộ. Ngoài ra, còn những món quà đặc biệt, thiết thực, như: tông đơ cắt tóc do anh Trần Xuân Sơn (Lào Cai), chị Nguyễn Thùy Dương (vợ đồng chí chỉ huy nhà giàn DK1/18), các hội viên nữ của Hội Biển đảo Việt Nam gửi tặng. Cờ Tổ quốc được Trung tâm huấn luyện Cảnh sát biển gửi tặng. Các món quà khác, như: xe máy, loa công nghệ, thư, thiếp, hạc giấy... cũng được tiếp nhận và gửi theo tàu ra biển đảo.

Anh Trần Xuân Sơn (bên phải) đi từ Lào Cai xuống Hà Nội để tặng tông đơ cắt tóc cho bộ đội.
Giữa mênh mông, nơi đảo xa chỉ có tiếng sóng vỗ và gió biển thổi miên man, những lá thư tay, những tấm thiếp nhỏ xinh từ các em học sinh nơi đất liền luôn là món quà đặc biệt mà những người lính Trường Sa mong đợi nhất. Từng nét chữ mộc mạc, từng dòng hỏi thăm giản dị hay một bức vẽ thơ ngây về chú bộ đội, cột mốc chủ quyền, tàu biển, chim hải âu... luôn khiến các anh rưng rưng xúc động.

Cô giáo Phạm Thị Hồng Lý thay mặt các em học sinh tặng thư, thiếp cho bộ đội.
Trong thời đại công nghệ số, ít ai nghĩ rằng, nơi đảo xa, mỗi bức thư vẫn luôn là những lời động viên, là hơi ấm yêu thương từ quê nhà. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã cẩn thận gấp lại từng lá thư, cất vào túi áo như món quà quý giá, bởi trong đó là tình cảm hồn nhiên, là niềm tin yêu mà thế hệ sau gửi gắm vào những người đang ngày đêm gìn giữ bình yên cho Tổ quốc.

Ngành đường sắt luôn hỗ trợ ở mức cao nhất với các chuyến hàng quà mang ý nghĩa nhân văn.
Đồng hành cùng các hoạt động hướng về biển đảo, hơn 10 năm qua, Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội luôn lặng lẽ, chu đáo với những toa tàu ăm ắp nghĩa tình. Các nhân sự từ bộ phận văn phòng, nhà ga đến kho bãi, từ người điều hành, lái tàu đến người vận chuyển... đều âm thầm nhận hàng, kiểm tra, vận chuyển. Mỗi kiện hàng chuyển ra đảo luôn mang ý nghĩa đặc biệt với ngành đường sắt. Những cành đào, cây quất mang mùa xuân ra đảo được xếp ở toa riêng, suốt hành trình có thể phải cử người trông nom, tưới thêm nước; đồ lễ dâng cúng các anh hùng liệt sĩ cũng được sắp xếp riêng, cẩn thận...

Sắp xếp, phân loại hàng quà là công việc không đơn giản.
Ngành đường sắt Hà Nội vận chuyển hoàn toàn miễn phí, tiếp nhận và thực hiện nghiêm ngặt tất cả yêu cầu trong bảo quản, tiến độ theo yêu cầu của Hội. Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam Trần Vũ Thành xúc động chia sẻ: "Chưa bao giờ chúng tôi nghe thấy chữ "khó", chỉ là những câu: Có kịp không?, hàng quà đặc biệt phải không ạ?, đồ dễ vỡ đúng không?... Sự tận tụy, chuyên nghiệp của đội ngũ vận chuyển thể hiện qua từng hành động, cử chỉ đầy trách nhiệm, và cả những mồ hôi, ánh mắt thao thức theo đường ray, toa tàu".

Phía sau chuyến tàu là rất nhiều tình cảm với Trường Sa.
Kỹ sư Trần Vũ Thành cho biết, ngành đường sắt Hà Nội chưa từng từ chối một chuyến hàng quà nào gắn với các hoạt động ý nghĩa. Có năm cận Tết, lượng quà tăng đột biến, lại thêm mưa phùn rét buốt, nhưng các nhân sự trong ngành vẫn làm xuyên đêm. Không riêng với Trường Sa, theo truyền thống của ngành đường sắt, hàng quà thiện nguyện suốt dọc dài đất nước đều vận chuyển miễn phí.

Hạc giấy luôn có trong lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
Những ngày này, ga Hà Nội tấp nập hơn thường lệ. Dịp lễ 30/4 năm nay, nhiều đoàn quân đội, cựu chiến binh, học sinh, sinh viên lên đường ra các tỉnh ven biển, một số tiếp tục hành trình ra đảo. Du khách đi tàu thống nhất Bắc - Nam cũng tăng mạnh. Thế nhưng giữa chuỗi công việc bộn bề ấy, các kiện hàng quà mang tên "Hội Biển đảo Việt Nam" luôn được ưu tiên đặc biệt, xếp gọn, che chắn kỹ, có người bàn giao tận tay.

Những lá cờ Tổ quốc từng tung bay ở đảo xa lại trở về đất liền trong các không gian lưu niệm.
Trên hành trình hơn mười năm bền bỉ và đầy nghĩa tình, các hoạt động hướng về biển đảo đã góp phần gieo mầm yêu thương, thắp lên ngọn lửa của niềm tin và lòng tự hào dân tộc nơi đầu sóng ngọn gió. Mỗi chuyến tàu đi - về như một nhịp cầu nối liền đất liền với đảo xa, là lời khẳng định mạnh mẽ: Biển đảo luôn đong đầy niềm tin yêu trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Bởi lẽ đó, Trường Sa không xa.