Hương Xuân trên những nương chè

Khi những đồi chè Thái Nguyên bắt đầu khoe sắc xanh mướt, pha chút ánh vàng trong nắng sớm, hương chè xuân ngọt ngào dường như lan tỏa khắp không gian. Trong chuyến hành trình đến thăm những đồi chè bạt ngàn vào những ngày đầu Xuân, tôi có dịp gặp gỡ ba người phụ nữ được coi là những 'nữ thuyền trưởng' của làng chè Thái Nguyên với những câu chuyện truyền cảm hứng.

Nhiều vùng nguyên liệu chè tại Thái Nguyên đã trở thành điểm du lịch lý tưởng của du khách.

Nhiều vùng nguyên liệu chè tại Thái Nguyên đã trở thành điểm du lịch lý tưởng của du khách.

Tự hào với danh xưng “Đệ nhất danh trà”, nhưng chè Thái Nguyên từng có những giai đoạn khó khăn, khi nước mắt người trồng chè đầy đắng cay nhìn những đồi chè bị san phẳng, những bãi chè thẳng tắp dần biến mất trong làn sóng thay thế bằng những cây trồng khác.

Nhiều người trồng chè phải chấp nhận những ngày tháng chật vật với sản lượng không đủ nuôi sống gia đình. Nhưng, với tình yêu và quyết tâm, người dân Thái Nguyên đã từng bước vực dậy ngành chè.

Ngày nay, chè Thái Nguyên đã bước sang một trang mới sáng lạn với hơn 91.000 hộ sản xuất chè, hơn 250 làng nghề và gần 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) cùng chung tay làm chè. Giá trị chè đã vươn lên đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, đánh dấu những thành tựu vượt bậc.

Trong hành trình ấy, ba người phụ nữ, ba vị "thuyền trưởng" với tuổi thơ thấm đẫm hương chè đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành chè Thái Nguyên.

Giấc mơ thấm đẫm hương chè

Chị Nguyễn Thị Hải, sinh ra và lớn lên ở vùng chè Đại Từ, từ nhỏ chị đã theo người lớn trong nhà đi bán chè khắp các chợ. Dù chè của chị bán luôn được khen ngợi vị ngon, nước đẹp, nhưng cái tên "chè La Bằng" lạ lẫm vẫn khiến khách hàng ngần ngại không muốn mua.

Không bỏ cuộc, chị quyết định phải xây dựng thương hiệu cho chè quê mình, bắt đầu bằng việc vận động những người cùng chí hướng thành lập HTX chè La Bằng với số vốn chỉ vỏn vẹn 60 triệu đồng. Sau ba năm kiên trì tham gia các hội chợ, giới thiệu sản phẩm và áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại, chè La Bằng đã dần tìm được chỗ đứng trên thị trường và dần định vị mình.

HTX chè La Bằng là điểm đến thú vị trong các chuyến trải nghiệm của học sinh và du khác trong, ngoài nước.

HTX chè La Bằng là điểm đến thú vị trong các chuyến trải nghiệm của học sinh và du khác trong, ngoài nước.

Hiện nay, HTX chè La Bằng có tổng diện tích chè 37ha, trong đó có 20ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trung bình mỗi năm HTX chè La Bằng sản xuất và bán ra thị trường khoảng 60 tấn chè búp khô, với 3 dòng sản phẩm chính là trà móc câu, trà tôm nõn và trà đinh.

Quan trọng hơn là HTX và bản thân chị Hải đã kiên trì hỗ trợ người dân thay đổi nhận thức, từ sản xuất truyền thống hiệu quả thấp sang sản xuất theo quy trình hữu cơ, tạo thành chuỗi liên kết giữa người nông dân với HTX để nâng cáo giá trị sản phẩm.

Nhờ đó, không chỉ tiêu thụ hết sản lượng chè của các thành viên HTX làm ra, chị Hải và HTX chè La Bằng hiện còng thường xuyên bao tiêu sản phẩm cho gần 200 hộ liên kết với giá mua ổn định và thường cao hơn mức bình quân chung của thị trường.

Nâng cao chất lượng là yếu tố tiên quyết của HTX và cá nhân chị Hải. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX làm ra đã lần lượt chinh phục được nhiều giải thưởng danh giá của tỉnh và toàn quốc, được lựa chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC 2017.

Đến nay, HTX chè La Bằng đã có nhiều sản phẩm chè OCOP 3 sao, 4 sao và được công nhận sản phẩm công nhiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực.

Không chỉ vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ Tướng chính phủ, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX chè La Bằng Nguyễn Thị Hải còn được vinh danh là Nghệ nhân chế biến chè cấp Quốc Gia và Nông dân Việt Nam xuất sắc.

Nhờ tình yêu với chè và những nỗ lực không mệt mỏi của chị Hải, HTX chè La Bằng không chỉ thành công trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao cho HTX mà còn góp phần quan trọng trong việc định vị các sản phẩm mang thương hiệu địa phương.

Định hình tương lai

May mắn nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương, cái tên từ lâu đã trở thành biểu tượng cho chất lượng của sản phẩm chè, nhưng thu nhập từ cây chè lại chưa đủ để bữa cơm gia đình trồng chè ở Tân Cương trở nên no đủ.

Chị Đào Thanh Hảo giới thiệu phương pháp sao chè thủ công đến khách du lịch.

Chị Đào Thanh Hảo giới thiệu phương pháp sao chè thủ công đến khách du lịch.

Sinh ra, lớn lên ở đất chè, đến khi lập gia đình trở thành dâu con trong gia đình có nhiều thế hệ làm chè, từ hơn 40 năm trước, chị Đào Thanh Hảo, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, đã ấp ủ khát khao tận dụng giá trị của thương hiệu chè quê hương.

Hiện quản lý vùng nguyên liệu rộng 50 ha, ít ai biết rằng năm 1984, chị đã cùng mẹ, cùng bà kiên định trồng từng gốc chè trên những chỗ đất trống. Với niềm tin mãnh liệt: Chè Tân Cương nhất định sẽ “bay xa” hơn, để cuộc sống người làm chè no ấm.

Nhưng từ niềm tin đến thực tế là một khoảng cách xa vời vợi. Giá chè bấp bênh theo từng phiên chợ, thời tiết bất lợi khiến nương chè xơ xác, hay gặp trời mưa, chè thu hái cũng không chế biến được nên người dân đành bỏ ban ngoài bãi. Bao công sức và hy vọng cứ thế tan biến theo từng búp chè chưa kịp thu hái. Đứng trước những thử thách ấy, chị Hảo nhận ra rằng chỉ có khoa học - công nghệ mới là giải pháp dài lâu.

Nghĩ lớn, làm lớn, chị từng bước thành lập tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh chè Hảo Đạt, sau đó nâng tầm lên thành Hợp tác xã chè Hảo Đạt. Không chỉ dừng lại ở chè sạch, chè an toàn hay chè chất lượng cao, chị và các thành viên HTX còn nuôi khát vọng lớn hơn: làm giàu cho quê hương Tân Cương bằng chính cây chè.

Với sự nhanh nhạy của người có tố chất kinh doanh, chị Hảo đã sớm đi học hỏi và ứng dụng một phần mô hình quản lý nhân sự của Công ty Sam Sung Thái Nguyên vào quản lý nhân công của HTX.

Hình ảnh những vườn chè xanh mướt với hàng trăm lao động hái chè mỗi ngày trở thành dấu ấn đậm nét với bất cứ ai khi ghé thăm HTX. Để có được chừng ấy nhân công trong thời gian ngắn, chị Hảo lại có sáng kiến, đăng tin lên các diễn đàn của mạng xã hội.

Chị tâm sự: Chỉ cần đăng tin là cần người hái chè, yêu cầu như thế nào và ngày công công khai bao nhiêu là ngày hôm sau người đến hái chè sẽ đông như nước chảy. Ngày đông nhất, HTX có tới 250 người tới hái chè.

Hiện tại, HTX chè Hảo Đạt duy trì 60 lao động thường xuyên, trong đó có cả những người trẻ trình độ cao. Trung bình mỗi năm, HTX tiêu thụ vài trăm tấn chè. Tuy nhiên, một, hai năm trở lại đây, chị Hảo dần chuyển hướng sang tập trung sản xuất các sản phẩm chè chất lượng cao - giảm sản lượng nhưng tăng giá trị.

HTX chè Hảo Đạt đưa chè xanh vào chế biến các món ăn phục vụ khách đến tham quan, trải nghiệm.

HTX chè Hảo Đạt đưa chè xanh vào chế biến các món ăn phục vụ khách đến tham quan, trải nghiệm.

Với tư duy nhạy bén của người dẫn dắt, HTX chè Hảo Đạt không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn từng bước phát triển mạnh mẽ dịch vụ du lịch nông thôn. HTX đã xây dựng không gian thưởng trà miễn phí đón du khách ghé thăm, chiêm ngưỡng quy trình chế biến chè thủ công và thưởng thức những tách trà tinh túy. Đó cũng là cách chị Hảo quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng một cách trực diện.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ đã mang về cho chị Đào Thanh Hảo nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Chị cũng không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và nâng tầm giá trị thương hiệu chè Tân Cương.

Khát vọng vươn xa và nâng tầm chè Việt

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chè Hà Thái, là người đã mang về Giải Bạc danh giá trong cuộc thi Trà vàng quốc tế vùng Bắc Mỹ tại Canada. Điều đó đã hiện thực hóa giấc mơ của chị và biết bao người làm chè, yêu chè Thái Nguyên, đó là chè mang thương hiệu của Thái Nguyên được công nhận trên trường quốc tế.

Chị Hiền và du khách tại đồi chè xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, Đại Từ.

Chị Hiền và du khách tại đồi chè xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, Đại Từ.

Sự chăm chút trong từng sản phẩm từ chất lượng đến bao bì phần nào cho thấy tình yêu của chị dành cho chè. Có lẽ, bất kỳ vị khách hàng nào kỹ tính nhất cũng không thể từ chối khi cầm trên tay sản phẩm chè Hà Thái.

Tình yêu chè của chị Hiền bắt đầu từ những ngày tháng tuổi thơ chứng kiến sự vất vả của mẹ bên những mẻ chè sao thâu đêm suốt sáng và những lần thở dài của cha trong mùa Đông giá lạnh. Chính những ký ức ấy đã hình thành trong chị một tình yêu đặc biệt với cây chè và sự quyết tâm theo đuổi nghề làm chè.

Nhận khoán ba sào chè của hợp tác xã khi tuổi chưa đầy trăng tròn trước sự bất ngờ của nhiều người, chị Hiền bắt đầu hành trình với nghề làm chè đầy gian nan. Tự tay chị tham gia vào từng công đoạn chăm sóc cây chè đến chế biến trà. Công sức và vốn liếng chị đầu tư vào chè không đếm sao cho xuể.

Rồi chị cũng được đền đáp. Công ty Hà Thái liên tục được thị trường trong Nam ngoài Bắc công nhận trong việc tạo ra sản phẩm trà chất lượng cao. Không dừng ở đó, chị mạnh dạn tìm cách để chè Thái Nguyên vươn ra quốc tế.

Ý chí đã định, một mặt chị tranh thủ ý kiến của các chuyên gia để tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm trà, mặt khác chị tự tìm tài liệu để nghiên cứu và trực tiếp sang nước ngoài vừa tìm hiểu thị trường, vừa tìm kiếm khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Hiền giới thiệu sản phẩm trà “Từ quý” trong sự kiện gặp mặt doanh nghiệp và xúc tiến thương mại Việt – Đức.

Chị Nguyễn Thị Hiền giới thiệu sản phẩm trà “Từ quý” trong sự kiện gặp mặt doanh nghiệp và xúc tiến thương mại Việt – Đức.

Xác định được hướng đi, chị bắt tay xây dựng vùng nguyên liệu chè hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế tại vùng đất Đại Từ và từng bước cho ra mắt các sản phẩm đáp ứng cầu nghiêm ngặt nhất của các thị trường khó tính như Đức, Pháp, Ba Lan, Mỹ, Canada..

Công ty CP Chè Hà Thái đang tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống cho hàng trăm lao động địa phương. Dưới sự lãnh đạo của chị, Công ty đã đạt được những thành tựu đáng tự hào và góp phần khẳng định vị thế của chè Thái Nguyên trên bản đồ chè thế giới

Xuân về, hương chè xuân như lan tỏa khắp muôn nơi, gieo vào lòng người niềm tin và hy vọng. Những búp chè xanh mướt tựa như lời nhắn gửi cho một tương lai tươi sáng, ở đó cây chè Thái Nguyên không chỉ là niềm tự hào của vùng đất mà còn là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Kim Ngân

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202502/huong-xuan-tren-nhung-nuong-che-919264d/