Hụt hẫng nếu thừa điện mà phải bán với giá 0 đồng?
Theo Bộ Công Thương, phần sản lượng điện mặt trời mái nhà 'tự sản tự tiêu' (dư thừa) nếu có phát vào lưới điện quốc gia sẽ không được thanh toán, nhưng với nhiều người dân khi đầu tư vẫn mong muốn sẽ được bán và thu tiền về, hoặc mong muốn được bán ngay cho 'hàng xóm', giữa các mái nhà với nhau.
Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, trong đó có một quy định đáng chú ý là người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng được kết nối với hệ thống điện và bán sản lượng điện dư thừa cho EVN với giá 0 đồng. Đổi lại, hệ thống điện trên được bám lưới để vận hành ổn định. Theo Bộ Công Thương, điều này sẽ tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân.
Không khuyến khích lắp điện mặt trời mái nhà để bán điện
Đáng chú ý, nhà đầu tư nếu không bán điện dư vào lưới quốc gia, họ sẽ phải tự lắp đặt thiết bị hạn chế việc phát điện vào hệ thống, theo dự thảo Nghị định.
Theo Bộ Công Thương, tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà cần tính toán nhu cầu sử dụng điện, công suất đỉnh của phụ tải, qua đó thiết kế, lắp đặt điện mặt trời mái nhà có công suất phù hợp, hạn chế tối đa nguồn điện dư thừa vào lưới điện quốc gia.
Nhà nước khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng tại chỗ, không khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà để bán điện, phát điện vào hệ thống điện, không khuyến khích bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
“Về mặt tích cực, Nhà nước khuyến khích phát triển thì Nhà nước cho phép điện mặt trời mái nhà liên kết, bám lưới điện trong quá trình vận hành, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, ở góc độ tiêu cực, phần sản lượng điện (dư thừa) nếu có phát vào lưới điện quốc gia sẽ không được thanh toán”, Bộ Công Thương nhìn nhận.
Theo chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, Bộ Công Thương cần phải giải thích tại sao cho bán điện phát lên lưới nhưng chỉ mua với giá 0 đồng. Nhìn lại tình trạng thiếu điện cục bộ thời gian qua, ông cho rằng nên nghiên cứu lại quy định trên để khuyến khích người dân lắp đặt để tự dùng và đồng thời có thể bán được điện cho EVN với giá hợp lý.
Theo chuyên gia Ngô Đức Lâm, nếu vẫn giữ nguyên đề xuất ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng thì sẽ hạn chế sự đầu tư vào điện mặt trời mái nhà, vì khi đầu tư ai cũng muốn rằng thừa điện sẽ được bán và thu tiền. Nếu thừa không bán được thì đầu tư kém hiệu quả.
Đơn cử như gia đình ông Trịnh Quang Dũng ở quận Tân Bình (TP.HCM) từng được truyền thông thông tin là một trong những hộ dân lắp đặt điện mặt trời áp mái đầu tiên tại TP.HCM. Ông Dũng đã sử dụng điện mặt trời gần 20 năm. Ông cho biết hệ thống điện mặt trời gói 10kWh/ngày có chi phí lắp đặt khoảng 160 triệu đồng. Nếu xài điện lưới, mỗi tháng gia đình ông phải trả khoảng 1,5 triệu tiền điện, nhưng có hệ thống điện mặt trời có nối lưới thì số tiền điện lực trả cho ông và số tiền ông phải trả cho điện lực hằng tháng gần như bù trừ nhau.
Như vậy, khoảng bảy năm ông "lấy lại vốn" đầu tư hệ thống điện mặt trời. Với tuổi thọ của hệ thống pin điện mặt trời khoảng 15 năm thì 8 năm còn lại, gia đình ông Dũng xài điện miễn phí. Theo ông Dũng, thời gian thu hồi vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời ở miền Trung khoảng 5 năm, miền Bắc khoảng 8 năm do số ngày nắng và khí hậu từng vùng miền khác nhau.
Mong có cơ chế để bán điện cho hàng xóm
Theo thống kê sơ bộ từ sau ngày 31/12/2020 đến cuối tháng 7/2023 còn khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 399,96MWp đã được các tổ chức, cá nhân lắp đặt với mục đích tự dùng tại chỗ, có liên kết với lưới điện nhưng không bán điện cho các đơn vị của EVN.
Do đó, Bộ Công Thương đề xuất cho phép điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt tính đến nay hoặc trước khi ban hành Nghị định này tiếp tục tồn tại, tổng công suất còn lại của điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện để áp dụng chính sách sau khi ban hành có hiệu lực nhỏ hơn 2.200MWp.
Vì vậy, với người dân, quy định trên có thể khiến họ hụt hẫng. Nhiều người cho biết, đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà, dù chạy hết công suất những thiết bị nhưng vẫn thừa điện. Do vậy, nếu bán lên lưới với giá 0 đồng thì họ cũng mong muốn chia sẻ, hay nói cách khác là bán điện cho “hàng xóm”.
Theo GS. Trần Đình Long, chuyên gia điện lực, việc thuận mua vừa bán giữa các hộ gia đình, một bên không có khả năng đầu tư lắp pin làm điện mặt trời, một bên có thừa điện thì bán bớt. Chi phí lắp đặt pin điện mặt trời hiện nay đã giảm nhiều nên giá thành điện mặt trời mái nhà sẽ giảm.
Trong khi đó, TS. Trần Văn Bình, Thành viên Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới cũng cho rằng, Việt Nam đến năm 2024 phải có thị trường điện. Việc chậm cho thí điểm mua bán trực tiếp từ hộ gia đình, giữa các mái nhà có thể khiến kế hoạch phát triển thị trường mua bán điện chậm lại. Bên cạnh đó, việc cho phép các hộ tiêu thụ điện lớn mua trực tiếp từ nhà sản xuất cũng giúp giá điện cạnh tranh tốt hơn.
Theo lộ trình, Việt Nam bắt đầu có thị trường phát điện cạnh tranh (các đơn vị phát điện cạnh tranh chào giá trên thị trường), 2019 có thị trường bán buôn điện cạnh tranh (các đơn vị mua điện lớn có thể được mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện) và 2023 có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tức là người dân được chọn mua của đơn vị bán lẻ điện tùy vào mức giá cạnh tranh trên thị trường. Tuy vậy, đến nay người dân vẫn phải mua điện qua các tổng công ty phân phối của EVN.
Được biết ở khâu phân phối bán lẻ, EVN hiện quản lý vận hành hệ thống lưới điện 110 kV, 35kV và 22kV thông qua các tổng công ty, điện lực địa phương. EVN bán cho 92% khách hàng, 8% còn lại (phần lớn ở khu vực nông thôn) do 900 HTX, các công ty CP mua buôn điện từ EVN rồi bán lại cho người dân.