Hút 'khách sộp' Trung Đông tới Việt Nam bằng cách nào?

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến các nước thuộc khu vực Trung Đông những ngày qua đang mở ra cơ hội rất lớn cho du lịch Việt Nam đón dòng khách lớn từ thị trường được coi có mức chi tiêu hào phóng nhất thế giới.

Chuyến công du của Thủ Tướng chính Phủ Phạm Minh Chính đến các nước Trung Đông đã mở ra nhiều tiềm năng, dư địa để trở thành mảnh “đất vàng” đầy tiềm năng mà ngành du lịch có thể khai phá.

Dân số hơn 500 triệu người với 17 thành viên gồm UAE, Saudi Arabia, Iran, Iraq, Kuwait, Oman, Quatar, Bahrain, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Palestine, Cộng hòa Síp, Lebanon, Jordan, Yemen, Syria và Ai Cập

Khu vực này có GDP 4.287 tỷ USD và GDP bình quân đầu người gần 8.600 USD (theo Ngân hàng Thế giới, số liệu năm 2023).

 Các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh từ khu vực Trung Đông (GCC) là thị trường khách du lịch tiềm năng của Việt Nam. Ảnh: TN

Các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh từ khu vực Trung Đông (GCC) là thị trường khách du lịch tiềm năng của Việt Nam. Ảnh: TN

Dân số đông, thu nhập cao, sẵn sàng chi mạnh tay cho những chuyến du lịch đẳng cấp dài ngày…, các nước thị trường Trung Đông đang là “khách sộp” mà ngành du lịch Việt Nam hướng tới.

Việt Nam có nhiều lợi thế là điểm đến được du khách Trung Đông ưa chuộng. Biết tận dụng điểm mạnh và có chiến lược phù hợp thu hút thị trường tiềm năng này sẽ đưa du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.

Với đặc điểm có khả năng chi trả cao, nhóm du khách này có nhu cầu đi nghỉ dưỡng phân khúc cao cấp, hạng sang với đầy đủ tiện nghi gồm spa, safari cho trẻ con để đi cùng gia đình.

Theo anh Lê Thành Nam, hướng dẫn viên chuyên dẫn khách Trung Đông, người dân các nước này có nhu cầu du lịch rất cao, mức sống và sức chi tiêu tốt bởi họ chuộng phong cách du lịch hưởng thụ.

Đặc biệt, thời gian gần đây, trên kênh truyền hình và nền tảng trực tuyến của khu vực này liên tiếp phát sóng các video clip quảng bá Việt Nam, chính điều này đã kích thích một lượng khách tham gia vào các tour khám phá.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, chỉ sản phẩm du lịch hấp dẫn là chưa đủ. Ngành du lịch cần đầu tư một cách có chiến lược, chăm chút khâu vận hành sản phẩm để có thể tạo ra sự nhất quán, hiệu ứng cộng hưởng làm đòn bẩy gia tăng sức hút cho điểm đến.

Ví dụ, vấn đề dịch vụ văn minh, lịch sự, thân thiện cần phải được “nâng cấp”. Hay phân khúc dịch vụ cần đa dạng, theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt, Việt Nam cần đầu tư cho những mô hình du lịch độc đáo, mới lạ gắn liền với văn hóa bản địa và thiên nhiên môi trường.

Bên cạnh đó, du khách Trung Đông chưa biết nhiều về du lịch Việt Nam, vì vậy theo các chuyên gia, trước mắt cần phải đẩy mạnh quảng bá, tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam như: phát sóng các video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của khu vực, kết hợp với các travelblogger, influencer quảng bá du lịch Việt Nam...

Nghiên cứu thiết kế những chương trình du lịch riêng cho khách Ả Rập, đảm bảo yếu tố tôn giáo như: yêu cầu về thực phẩm Halal, phòng cầu nguyện, sự riêng tư...

Từ bây giờ, phải tính đến việc đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch biết tiếng Ả Rập để phục vụ khách từ các nước theo đạo Hồi.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện hệ sinh thái về các nhà hàng, cơ sở lưu trú đạt chuẩn để phục vụ du khách Trung Đông, đáp ứng các nhu cầu về ẩm thực, cầu nguyện… của du khách.

Dù khách du lịch Trung Đông đến Việt Nam ngày càng tăng, song chưa có thống kê cụ thể và đầy đủ về nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch thị trường này. Cần có giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách Trung Đông cho các đơn vị khai thác thị trường này.

Các đơn vị lữ hành cũng cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác Trung Đông để làm rõ các yêu cầu của khách về vấn đề ăn uống; thông báo chi tiết các dịch vụ trong chương trình, dịch vụ nào bổ sung, không có trong chương trình cần làm thành các lựa chọn với chi phí cụ thể để sẵn sàng phục vụ nếu khách có nhu cầu.

 Trung Đông làt hị trường khổng lồ, đầy tiềm năng, có mức chi trả cao. Ảnh: DL

Trung Đông làt hị trường khổng lồ, đầy tiềm năng, có mức chi trả cao. Ảnh: DL

Đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn và nhân viên của các cơ sở cung cấp dịch vụ, chuyển giao công nghệ chế biến thực phẩm, đồ gia vị và các nguyên phụ liệu phục vụ nhu cầu ăn uống của người theo đạo Hindu và Hồi giáo tại các nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam.

Tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực du lịch, thương mại, ngoại giao, hàng không…, tạo cơ sở thu hút mạnh mẽ du khách Trung Đông với các dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng.

Các nền kinh tế Trung Đông, đặc biệt là UAE, Saudi Arabia và Qatar, đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tầm nhìn rõ ràng và chiến lược dài hạn. Việc đón đầu làn sóng du lịch của khu vực này chính là cơ hội giúp doanh nghiệp Việt mở rộng quy mô và khẳng định vị thế trên thị trường du lịch quốc tế.

Đây là thời điểm vàng để các nhà quản trị du lịch Việt hướng tới các thị trường đầy tiềm năng, không chỉ để mở rộng mạng lưới mà còn cùng tạo dựng một hệ sinh thái vững mạnh và bền vững.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hut-khach-sop-trung-dong-toi-viet-nam-bang-cach-nao-post319748.html