Hút khách và nhà xe vào bến
Để khách và nhà xe vào bến xe, cùng với việc quy hoạch hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, xử lý nghiêm 'xe dù, bến cóc', việc trao quyền nhiều hơn cho các bến xe được xem là giải pháp hữu hiệu
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội thống kê mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ kết nối từ TP Hà Nội đi 41 tỉnh có tổng cộng 897 tuyến, 502 đơn vị vận tải, 3.303 phương tiện, 3.556 chuyến/ngày. Trong đó, Hà Nội đang có 52 đơn vị vận tải với 730 xe đang kinh doanh vận tải từ 6 bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Sơn Tây.
Lượng xe và khách vào bến giảm thê thảm
Lượng xe khách cố định liên tỉnh vào các bến xe và lượng khách qua các bến xe khách trên địa bàn Hà Nội giảm mạnh trong vài năm trở lại đây. Cá biệt, có bến xe lớn như Gia Lâm, lượng khách giảm gần 70%. Ông Trần Hoàng, Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội, cho biết Bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm giảm 300.000 lượt/3 bến (chiếm 28%). Trong đó, Bến xe Mỹ Đình giảm trên 30%, Bến xe Giáp Bát giảm 25%. Về hành khách, mức độ còn trầm trọng hơn, số lượng giảm trên toàn công ty là 52%, trong đó Bến xe Gia Lâm giảm gần 70%. Cùng với đó là các vấn đề sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm, trước dịch COVID-19, ngày thường bến xe đón khoảng 600 - 700 lượt xe, riêng dịp lễ, Tết là trên 900 lượt nhưng nay chỉ còn 250-300 lượt xe/ngày. Trong 2 tháng 3 và 4 vừa qua là trên 400 lượt xe/ngày, tỉ lệ giảm gần 50%. Ông Lập cho rằng xe hợp đồng trá hình đến tận nhà đón khách mang tới sự tiện lợi, trong khi đó xe tuyến cố định phải vào bến. Bên cạnh đó, hầu hết xe hợp đồng trá hình hiện nay được tách ra từ doanh nghiệp tuyến cố định.
Việc quản lý, xử lý xe hợp đồng trá hình chưa đến nơi đến chốn nên họ mới lôi kéo được khách từ bến xe. "Điều quan trọng nhất là công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử nghiêm xe hợp đồng vi phạm với những vấn đề như dừng đón trả khách, bán vé, gom khách... cơ quan chức năng thấy rõ nhưng tại sao không được xử lý đến nơi đến chốn?" - ông Lập nêu.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Quản lý vận tải Công ty TNHH Văn Minh, cho biết hiện nay xe 16 chỗ hoán cải thành xe Limousine hoạt động trá hình tuyến cố định có số lượng lớn hơn rất nhiều so với xe tuyến cố định, song quy định quản lý lại lỏng lẻo. "Hiện tuyến cố định phải có giấy phép kinh doanh vận tải, phải thành lập bộ phận an toàn, phải có luồng tuyến rõ ràng, nộp ngân sách cho nhà nước với nhiều loại thuế như: môn bài, giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân. Trong khi đó, xe hợp đồng trá hình không phải chịu nhiều chi phí như vậy, dừng đón khách tùy tiện, thậm chí không cần đăng ký kinh doanh vận tải" - ông Hùng thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Hiệp, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội, để chứng minh hành vi vi phạm của xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe Limousine lách luật hoạt động trái phép là chuyện không dễ và mất nhiều thời gian.
Phải tiện lợi cho người dân
Khẳng định hiện nay các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội đã được nâng cấp rất nhiều về diện mạo, chất lượng dịch vụ tốt, song ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cũng đề nghị các bến xe và doanh nghiệp vận tải cần "ngồi lại với nhau" để trao đổi thẳng thắn về vấn đề "xin - cho", tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp vào bến. Bên cạnh đó, hành khách hiện đã thay đổi hành vi trong việc tìm kiếm phương tiện vận tải, chủ yếu thông qua internet, nên các doanh nghiệp vận tải, bến xe cũng cần nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu này.
Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng để hành khách vào bến xe, cần nhìn ở góc độ tổ chức vận tải là bài toán tổng thể của phát triển đô thị, chứ không chỉ dừng lại ở dịch vụ của nhà xe hay bến xe. Trước hết là vấn đề quy hoạch, chẳng hạn ở Bến xe Miền Đông mới (TP HCM), cơ sở vật chất rất hiện đại, khang trang nhưng vẫn chưa có khách. "Tất cả nhà xe đều nói sẵn sàng vào nếu có khách. Có thể ở một giai đoạn, phạm vi nào đó, quy hoạch Bến xe Miền Đông mới chưa phù hợp" - bà Hiền nói.
Cùng với đó là vấn đề tổ chức giao thông đô thị. Việc tổ chức phải hướng tới được các mục tiêu đi lại của hành khách để bảo đảm khi các phương tiện trả khách đến bến xe thì phải phù hợp với mục tiêu đi lại của họ. Bà Hiền cũng phàn nàn việc có không ít doanh nghiệp vận tải trong bến xe vẫn hoạt động theo lề lối cũ - tức là "cứ xe cũ thì đưa vào tuyến cố định". Từ đó, bà Hiền nêu vấn đề: Cần phải nhìn nhận thẳng thắn chất lượng của các xe tuyến cố định đã đáp ứng được hay chưa?
Đại diện Công ty TNHH Văn Minh cho rằng để thu hút khách hàng, doanh nghiệp luôn đặt vấn đề an toàn giao thông lên hàng đầu, đồng thời luôn tìm kiếm, triển khai các dịch vụ tốt nhất đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trường hợp có chuyến xe bị trục trặc phương tiện nếu để khách phải chờ 30 phút sẽ hoàn 50% giá vé, chờ 60 phút hoàn 100% giá vé cho khách hàng.
Để siết chặt quản lý hoạt động vận tải, ngăn xe trá hình, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết Bộ GTVT đang hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. "Kỳ họp thứ 7 tới đây, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 2 dự án Luật Trật tự an toàn giao thông và Luật Đường bộ, sẽ tạo hành lang pháp lý mới để điều chỉnh đối với kinh doanh vận tải đường bộ" - bà Hiền thông tin.
Không nên chuyển bến xe ra xa trung tâm đô thị
TS Nguyên Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng cần phải giữ các bến xe ở trung tâm của các thành phố để không gây khó khăn cho người dân trong quá trình di chuyển ra bến xe. Cơ chế quản lý bến xe cũng phải linh hoạt, năng động. Giám đốc bến xe phải được tự chủ trong việc xếp lượt xe ra, vào bến. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện công tác hậu kiểm. Phải kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng "xe dù, bến cóc".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hut-khach-va-nha-xe-vao-ben-196240502193413818.htm