Hút thuốc, uống rượu nhiều năm, cụ ông được phát hiện ung thư lợi, khối u lấp đầy miệng không thể ăn uống

Hút thuốc, uống rượu nhiều năm, người đàn ông ở Nam Định xuất hiện khối sùi loét trong miệng gây đau không ăn uống được, đi khám bác sĩ kết luận mắc ung thư ung thư lợi hàm dưới.

ThS.BS.CKII. Nguyễn Quốc Dũng - Khoa Phẫu Thuật Đầu Mặt Cổ - Bệnh viện K cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật thành công trường hợp ung thư lợi hàm dưới đến muộn.

Đó là bệnh nhân Nguyễn Văn N. sinh năm 1952, ở Nam Định, với tiền sử hút thuốc, uống rượu nhiều năm. Theo lời kể của bệnh nhân, 6 tháng trước khi đến bệnh viện ông thấy trong miệng xuất hiện khối sùi loét. Tình trạng này khiến ông đau, ăn uống vướng.

Tuy nhiên, ông N. cho rằng đơn giản nên đã không khám và điều trị gì. Tại thời điểm khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, ông N. thấy khối u phát triển nhanh, không ăn được, uống khó khăn, không nói được, thỉnh thoảng chảy máu qua đường miệng… nên gia đình đã đưa ông tới bệnh viện địa phương để được thăm khám. Sau khi thăm khám các bác sĩ nghi ngờ ung thư nên đã chuyển ông tới Bệnh viện K.

Theo BS Dũng, sau khi tiếp nhận và làm các xét nghiệm chẩn đoán (máu, XQ, MRI hàm mặt, SA, nội soi tai mũi họng, thực quản dạ dày,..), kết quả cho thấy bệnh nhân mắc ung thư lợi hàm dưới. Bệnh nhân đã được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật.

Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Đầu Mặt Cổ đã tiến hành ca mổ kéo dài hơn 4,5 giờ, bệnh nhân được xử lý vét hạch cổ, cắt rộng u, cắt đoạn xương hàm dưới, tạo hình.

Sau mổ sức khỏe bệnh nhân ổn định, các chỉ số mạch, huyết áp đều tốt, không chảy máu, không khó thở. Dự kiến sau 10 -14 ngày bệnh nhân sẽ chuyển điều trị xạ trị bổ trợ, tái khám định kỳ theo hẹn.

Hình ảnh ung thư lợi không thể ăn uống được do khối u lấp đầy miệng. Ảnh BS. cung cấp.

Hình ảnh ung thư lợi không thể ăn uống được do khối u lấp đầy miệng. Ảnh BS. cung cấp.

Ung thư lợi dễ bị lầm tưởng với bệnh răng hàm mặt, tai mũi họng thông thường

Theo các chuyên gia, ung thư lợi là một trong trong những bệnh ung thư khoang miệng. Người bệnh có thể phát hiện ung thư lợi do những dấu hiệu khá dễ dàng nhận thấy ngay khi xuất hiện. Tuy nhiên đa phần thường chủ quan, nên phần lớn các bệnh nhân ung thư lợi đến viện ở giai đoạn muộn, khi tổn thương ung thư đã lan rộng, phá hủy nhiều cấu trúc lân cận do đó tiên lượng sống của bệnh nhân bị giảm nhiều.

Chia sẻ về vấn đề này, theo BS Dũng bệnh nhân ung thư lợi ở giai đoạn muộn, tuổi cao như ông N. là ca bệnh phức tạp, nhiều khó khăn trong mổ bởi thể trạng bệnh nhân yếu, vì bệnh nhân không ăn được kéo dài, do vậy không đủ dinh dưỡng. Ngoài ra với tiền sử hút thuốc và uống rượu nhiều năm, dẫn tới ảnh hưởng tới chức năng gan, thận: khiến cho rất khó khăn khi gây mê và khi mổ dễ chảy máu.

"Bên cạnh đó, ở giai đoạn muộn bệnh tiến triển, khối u lớn, chiếm toàn bộ khoang miệng, xâm lấn đè đẩy vùng họng miệng, đáy lưỡi, amydal, vòm khẩu cái,… bệnh nhân không thể đặt ống nội khí quản để gây mê theo cách thông thường được". BS. Dũng nói.

Chúng tôi đã phải phải mở khí quản trước mổ theo tư thế nửa nằm nửa ngồi (tư thế Fowller) vì bệnh nhân không đặt được ống gây mê theo cách thông thường, cũng không thể nằm được để mở khí quản theo cách thông thường. BS Dũng giải thích thêm.

Khi có biểu hiện bất thường cần tới cơ sở y tế để được thăm khám sớm, nhất là người hút thuốc lá và uống rượu dễ mắc ung thư lợi.

Khi có biểu hiện bất thường cần tới cơ sở y tế để được thăm khám sớm, nhất là người hút thuốc lá và uống rượu dễ mắc ung thư lợi.

Thuốc lá và rượu là hai yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh ung thư lợi

Hút thuốc lá và uống rượu là những nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư lợi nói riêng và gây ra các ung thư đầu cổ nói chung.

Ngoài ra, thói quen xấu như vệ sinh răng miệng kém, răng lệch lạc,... có thể gây nên những tổn thương cơ học trong khoang miệng tạo điều kiện thuận lợi cho ung thư phát triển.

Các chuyên gia cho biết, một số yếu tố nguy cơ khác như nhiễm virus Herpes, HPV (Human Papilloma Virus), hội chứng Xeroderma pigmentosum, thiếu máu Fanconi... cũng được cho là có liên quan đến ung thư khoang miệng trong đó có ung thư lợi.

Vì vậy, khi có biểu hiệu như: Cảm thấy khó nhai, khó nuốt; Miệng có tổn thương dạng xơ cứng, dạng chồi bông cải; Khó cử động lưỡi hoặc hàm; Đau hoặc loét không liền hoặc chảy máu; Răng lung lay không tìm ra nguyên nhân; Xuất hiện mảng trắng hoặc đen, đỏ trong khoang miệng… cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Khi đã phát hiện ra bệnh thì phải đi khám và điều trị sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Với căn bệnh ung thư thì khám phát hiện sớm là yếu tố quan trọng nhất để chữa khỏi bệnh, kéo dài sự sống, ít ảnh hưởng chức năng và chi phí y tế ít nhất. BS.Dũng nhấn mạnh

"Mọi người hãy quan tâm tới sức khỏe của mình bằng cách sống lành mạnh không rượu bia thuốc lá, đi khám định kỳ 6 - 12 tháng/ lần nhằm phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời và khỏi bệnh"- BS Dũng khuyến cáo thêm.

Bị Ung Thư Đại Tràng Giai Đoạn 4, Chàng Trai 29 Tuổi Chia Sẻ Dấu Hiệu | SKĐSUng thư lợi

Khánh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hut-thuoc-uong-ruou-nhieu-nam-cu-ong-duoc-phat-hien-ung-thu-loi-khoi-u-lap-day-mieng-khong-the-an-uong-169230511083436326.htm