Hữu Lũng: Cần tăng cường quản lý các vườn ươm tự phátTin khácLực lượng vũ trang tỉnh: 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thànhCông tác tuyên truyền góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 05
Huyện Hữu Lũng có nhiều vươn ươm giống cây lâm nghiệp nhất trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do tính tự phát, số lượng vườn ươm đáp ứng các quy định sản xuất, kinh doanh giống cây còn rất hạn chế. Vì vậy, tăng cường quản lý đối với các vườn ươm là điều cần thiết.
Những năm qua, nhiều hộ trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã xây dựng các vườn ươm giống cây lâm nghiệp để phát triển kinh tế. Anh Vũ Phi Long, chủ vườn ươm Quang Minh, xã Cai Kinh cho biết: Gia đình tôi sản xuất, kinh doanh cây giống hơn 3 năm nay. Được sự tuyên truyền của cơ quan chuyên môn huyện, tôi luôn lựa chọn các lô hạt giống có nguồn gốc rõ ràng, được công nhận và ghi chép đầy đủ hồ sơ cây giống khi xuất bán. Cùng đó, tôi chủ động liên hệ với cơ quan chuyên môn để được hỗ trợ các thủ tục chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống cây cũng như được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để nâng cao chất lượng cây. Theo tôi, để mở rộng sản xuất, phát triển thị trường cũng như đưa sản phẩm tiếp cận các dự án trồng rừng, cơ sở cần đáp ứng đầy đủ các quy định.
Trái với vườn ươm của anh Long, nhiều vườn ươm tại Hữu Lũng dù chưa đáp ứng điều kiện sản xuất giống cây lâm nghiệp vẫn tiến hành sản xuất, kinh doanh và bán ra thị trường hàng vạn cây giống mỗi năm.
Bà V. T. Đ, chủ một vườn ươm tại xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng cho biết: Tôi sản xuất, kinh doanh cây giống hơn 10 năm nay. Mỗi năm, vườn tôi xuất bán khoảng 10 vạn cây bạch đàn. Về giống, chủ yếu là tôi tự mua hạt giống về ươm. Quy trình sản xuất cũng dựa trên kinh nghiệm là chính chứ chưa theo tiêu chuẩn nhất định.
Không chỉ vườn ươm trên, tìm hiểu thực tế tại một số xã trên địa bàn huyện Hữu Lũng, có nhiều vườn ươm chưa đáp ứng các điều kiện quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Các vườn ươm này thường có quy mô rất nhỏ, hoạt động theo hình thức tự phát, một số vườn sản xuất theo thời vụ. Qua trao đổi với một số chủ vườn chúng tôi được biết, nhiều vườn chưa có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hạt giống, chưa có quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn. Khi xuất bán các lô cây giống, các vườn này chưa ghi chép hồ sơ lô hàng. Cây giống khi bán cũng không được kiểm tra về các tiêu chí đủ điều kiện xuất vườn như chiều cao, đường kính cây…
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng, hiện toàn huyện có trên 700 vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 57 vườn đáp ứng các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp như: có địa điểm sản xuất, kinh doanh cố định; sử dụng các giống cây được công nhận; có hồ sơ đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô giống; thiết kế vườn ươm theo quy định…
Ông Phạm Tuyến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Việc nhiều vườn ươm hoạt động chưa đúng quy định đã và đang tiềm ẩn một số bất cập như: sự chênh lệch về giá cây lâm nghiệp, khó quản lý nguồn gốc giống cây do một số vườn ươm không có hồ sơ truy xuất. Quan trọng nhất, việc đưa giống cây lâm nghiệp tiếp cận các dự án trồng rừng lớn trong và ngoài tỉnh là chưa thể thực hiện do các vườn chưa đáp ứng tiêu chuẩn.
Thực tế tại một số vườn ươm, cùng một giống cây bạch đàn, các vườn ươm sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn có giá bán lẻ khoảng 2.200 – 2.500 đồng/cây. Tuy nhiên, tại các vườn ươm tự phát của một số hộ kinh doanh, mức giá của loại cây này chỉ từ 1.800 – 2.200 đồng/cây. Chưa kể, nếu người trồng rừng chọn phải các cây giống kém chất lượng, thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn do đây đều là các loài có chu kỳ phát triển dài, vốn đầu tư lớn.
Theo đánh giá từ Hạt Kiểm lâm huyện, việc quản lý các vườn ươm tự phát tại địa bàn còn gặp không ít khó khăn. Nhiều vườn ươm không chỉ hoạt động tự phát mà còn hoạt động theo thời vụ, chỉ sản xuất vào các thời điểm thị trường cây giống có nhu cầu cao. Bên cạnh đó, không ít chủ vườn chưa nắm rõ các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp nên chưa thực hiện đầy đủ các quy định. Ngoài ra, một số vườn quy mô nhỏ khi được kiểm tra đều đưa ra lý do tự ươm cây giống để trồng cho gia đình. Do đó, rất khó để lực lượng chức năng xử lý.
Ông Phạm Tuyến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng cho biết thêm: Việc thực hiện đúng các quy định là cơ sở để có thể xây dựng nhãn hiệu, phát triển thị trường cũng như nâng cao giá trị giống cây lâm nghiệp. Do vậy, thời gian qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn để đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các chủ vườn trong việc thực hiện đúng thủ tục. Bên cạnh đó, hiện nay, đơn vị đã và đang phối hợp với chính quyền cơ sở triển khai một số giải pháp nhằm liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, đồng bộ quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng, thống nhất về giá cũng như tạo thuận lợi cho công tác quản lý về lâu dài.
Hiện nay, mỗi năm, huyện Hữu Lũng cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 200 triệu cây giống các loại. Để đảm bảo chất lượng cây giống, hằng năm, các cơ quan chuyên môn huyện đều hỗ trợ về vật tư, kỹ thuật cho người dân. Tuy nhiên, với số lượng vườn ươm lớn như hiện nay, thiết nghĩ các cấp, ngành trên địa bàn cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với các vườn ươm. Từ đó, từng bước hướng dẫn, hỗ trợ các chủ vườn thực hiện đúng quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao giá trị từ sản xuất giống cây lâm nghiệp mà còn giúp bà con làm giàu chính đáng, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của cả chủ vườn và chủ rừng.