Huy động nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ

Tại phiên làm việc sáng 10/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường bộ (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường bộ (sửa đổi) - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường bộ (sửa đổi) - Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GT-VT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Đường bộ nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời, hướng tới ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Về lý do sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009 qua 13 năm thực hiện đã đạt được kết quả nhất định trong việc góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực...

Quang cảnh phiên làm việc sáng 10/11

Quang cảnh phiên làm việc sáng 10/11

Tuy nhiên, bên cạnh đó Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung - đặc biệt là các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đường bộ; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phù hợp với thực tế.

Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT, về quan điểm xây dựng Luật, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ tạo cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ tạo nên thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh; cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng trong lĩnh vực đường bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, quản lý kết cấu hạ tầng, quản lý hoạt động vận tải.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị tiếp tục rà soát một số quy định cụ thể của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định của pháp luật có liên quan; tương thích với điều ước quốc tế; bổ sung đánh giá tác động đối với một số quy định mới được bổ sung trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh, liên quan đến chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ (Điều 5), một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại đồng bộ với phát triển phương tiện giao thông đường bộ. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn tại khoản 2 cho phù hợp với chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu tham gia phiên làm việc sáng 10/11

Đại biểu tham gia phiên làm việc sáng 10/11

Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 15), Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục xem xét, đánh giá thực trạng áp dụng quy định về tỷ lệ quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trong thời gian qua để quy định bảo đảm tính khả thi và giao Chính phủ quy định, hướng dẫn thực hiện tỷ lệ quỹ đất đường bộ đô thị theo từng khu vực trong đô thị để bảo đảm việc bố trí quỹ đất hài hòa trong toàn đô thị.

Ngoài ra, Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị dự thảo Luật quy định chặt chẽ, cụ thể về việc xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo và xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; nghiên cứu việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ để bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư, xây dựng; nghiên cứu để xây dựng Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh tránh chồng chéo, lãng phí...

Thịnh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huy-dong-nguon-luc-tao-dot-pha-trong-phat-trien-ket-cau-ha-tang-duong-bo.html