Huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Ngày 21/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tham dự hội nghị, có khoảng 300 đại biểu từ các Bộ, Ban, ngành Trung ương và lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL, các tổ chức tài chính, Chính phủ song phương, đối tác phát triển quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân quốc tế và trong nước cùng các hiệp hội ngành hàng…

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Hội nghị là hành động cụ thể của Việt Nam để triển khai cam kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28), khẳng định trách nhiệm của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng với ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên, trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.

Các đại biểu tham dự hội nghị nhất quán quan điểm “Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững” mà Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại COP26 sẽ tiếp tục là “kim chỉ nam”, phương châm hành động cho các cấp chính quyền, cho người dân và gắn kết với Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, hay còn được gọi là Nghị quyết “thuận thiên”.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTN khẳng định, thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái. Bộ trưởng Bộ NN&PTN nhấn mạnh, tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp. Đồng thời, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ cacbon của đất, đất ngập nước và rừng. Cùng với đó, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.

Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTN phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTN phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ NN&PTN kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam. Trong đó, quan trọng là cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận, đặc thù cho khu vực ĐBSCL, đặc biệt lưu ý về ưu đãi lãi suất và điều kiện cho vay đối với các Dự án nông nghiệp đầu tư công.

Bộ NN&PTNT cam kết sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất các nguồn lực hỗ trợ của các đối tác quốc tế, tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp tăng cường chính sách về thu hút viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư nước ngoài và các quy định về tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn không hoàn lại hài hòa thủ tục giữa bên tiếp nhận và bên hỗ trợ.

Văn Đức - Trần Lĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/huy-dong-nguon-luc-thuc-hien-cac-giai-phap-nong-nghiep-thuan-thien-i725976/